Nếu không giám sát vai trò cá nhân, mọi nỗ lực sẽ vô nghĩa

02/10/2019 - 08:22

PNO - Từ quy định 1374 đến chỉ thị 23, một khi quy chế giám sát tập trung quy chiếu vào trách nhiệm cụ thể, giám sát vai trò cá nhân - người đứng đầu thì tính hiệu quả mới phát huy.

Ngày 29/8, Thành ủy TP.HCM ban hành kế hoạch số 305 về việc “khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP.HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước”.

Với thời gian kéo dài 6 tháng, mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần, lãnh đạo thành phố sẽ dành 3 tiếng để gặp gỡ đại diện các giới, lĩnh vực theo từng chuyên đề; ngoài ra, các ý kiến đóng góp sẽ trực tiếp gửi về các cơ quan báo chí truyền thông và các quận, huyện ủy tại địa bàn dân cư.

Đây không phải lần đầu Thành ủy TP.HCM hiệu triệu một cuộc đóng góp ý kiến, hiến kế của toàn dân. Nhưng mục đích gắn liền với phương thức hiệu triệu nhằm “phát huy tinh thần dân chủ, thực chất, có chiều sâu, thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng nhân dân” là xác quyết một thái độ chân thành, đảm bảo hiệu quả thực chất.

Điều này, đặt trong mối tương quan, tác động từ cuộc đóng góp ý kiến đến những chuyển động thực tế sẽ là chặng nước rút có ý nghĩa của Đại hội Đảng bộ khóa X và là cơ sở cho bước chuyển giao chặng đường kế tiếp - Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Neu khong giam sat vai tro ca nhan, moi no luc se vo nghia
TP.HCM đã rất quyết liệt trong việc xử lý các công trình xây dựng sai phép, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy quận, huyện

Lần hiệu triệu này, khiến tôi nhớ lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP.HCM năm 1975 - 1976 và 1981 - 1986, trong tổng quan về tình hình thành phố 10 năm sau ngày giải phóng (1975 - 1985), ông nhận định: “Sở dĩ thành phố làm tốt công tác chính trị, văn hóa, tư tưởng ngay trong những năm đầu chính là trên cơ sở hiểu biết quần chúng thành phố, tin dựa vào quần chúng và mạnh dạn phóng tay phát động quần chúng, kiên trì chính sách hòa hợp dân tộc theo tư tưởng của Bác Hồ”.

Tổng kết một nhiệm kỳ đại hội Đảng, chuẩn bị cơ sở để xây dựng văn kiện đại hội nhiệm kỳ mới bằng cuộc huy động, tập hợp sức mạnh, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, lấy mục tiêu xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố về mọi mặt để phục vụ người dân ngày một chất lượng hơn, đó là cách tiếp cận đúng, hợp lý, bền vững. Bởi, xét cho cùng, từ đại hội cấp cơ sở đến đại hội trung ương cũng không ngoài nội dung thảo luận vấn đề trọng tâm, tìm tòi nhân sự, lựa chọn cách thức nào để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, phụng sự nhân dân.

Nhìn lại diễn biến của hiện trạng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua và động thái chỉ đạo xử lý quyết liệt của lãnh đạo thành ủy trong 2 năm trở lại đây, trong đó, với chỉ thị số 23, ban hành ngày 25/7/2019, tập trung vào trách nhiệm của cấp ủy, (bên cạnh lãnh đạo chính quyền) nhấn mạnh vai trò của bí thư quận, huyện ủy (và các cấp cơ sở) trong việc chấn chỉnh, giám sát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, không phép. Rõ ràng, sẽ không có một sự vô can của vai trò tổ chức Đảng (mà đứng đầu là bí thư chi bộ) trong việc “cho chủ trương đúng nhưng buông lỏng kiểm tra”, dẫn đến hàng loạt sai phạm, biến tướng mà hệ quả luôn đổ sạch cho trách nhiệm quản lý nhà nước.

Hay trong quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vai trò kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm xem xét xử lý thuộc về cấp ủy.

Nhân dân - qua các kênh tiếp xúc - phản ánh về cán bộ, đảng viên; và cũng chính nhân dân là người giám sát những xử lý tiếp theo, sau cùng thông tin mà mình đã phản ánh. Cấp ủy từng cấp sẽ trực tiếp giám sát quy định 1374 và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả giám sát, xem xét.

Điều đáng nói, từ quy định 1374 đến chỉ thị 23, một khi quy chế giám sát tập trung quy chiếu vào trách nhiệm cụ thể, giám sát vai trò cá nhân - người đứng đầu thì tính hiệu quả mới phát huy. Bằng không, mọi chỉ thị, quyết nghị đều… bên lề thực tế.

Do đó, vấn đề còn lại, nếu không phải là ý chí, quyết tâm, trách nhiệm của lãnh đạo thành ủy; nếu không có những công cụ giám sát và tập trung giám sát vai trò cá nhân thì liệu trách nhiệm tự thân, ý thức và thái độ tự giác của người cán bộ, đảng viên có phát huy “thực chất, có chiều sâu” hay không để trong và sau những đợt hiệu triệu, những cuộc góp ý của nhân dân là sức chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả, bền vững trong chính đội ngũ thực thi.

Ái Mỹ

 
TIN MỚI