Bí quyết của nội

16/01/2017 - 17:30

PNO - Nội tôi tuổi ngoài tám mươi nhưng hãy còn minh mẫn lắm. Nội sống với chú thím Út, con cháu “ba dòng” ở gần khá đông.

Cuộc đời nội tôi thật đặc biệt. Hồi đó, tuổi 18 nội đã làm vợ, rồi sinh một lèo bốn người con thì ông nội mất do bom rơi đạn lạc trong chiến tranh. Người góa phụ chưa đến 30 ấy, sau ba năm tang chồng thì đã được (hay bị) cha mẹ chồng gả cho người khác bởi quan niệm “Con dâu mới thật mẹ cha mua về. Bây còn trẻ, các cháu cứ để đó cha mẹ nuôi cho, bây phải đi lấy chồng, để có người đàn ông mà nương tựa”.

Bi quyet cua noi
Tác giả và bà nội của mình

Chồng của bà nội cũng là người mất vợ, đang phải nuôi ba con nhỏ. Đứa lớn nhất mới lên 10. Vậy là nội bập vào vai trò “mẹ ghẻ” để chăm sóc ba đứa trẻ đó, cũng vừa kịp sinh thêm hai người con chung với chồng sau,  rồi… chồng của nội cũng mất.

Một tay nuôi năm con, vừa con chồng, vừa con mình dù nội không hề dư tiền dư của gì, xe máy không biết đi, xe đạp cũng không biết chạy. Nội nuôi con bằng tấm lòng của người mẹ, “ăn đồng chia đủ” dù chỉ là miếng bánh, viên kẹo hay tấm áo manh quần. Con cái có lỗi thì dù là con chồng hay con ruột đều “xử” như nhau.

Để có miếng cơm manh áo cho những đứa con như vậy là nhờ con sông trước nhà. Hết giăng câu thả lưới thì hái rau, dỡ chà tôm… Lúc rảnh rỗi thì mua bó hành ngò, túm ớt ở đầu chợ mang ra cuối chợ bán kiếm đồng nào hay đồng nấy. Cuộc sống vất vả nhưng nội luôn dạy con phải thật thà ngay thẳng, đói nói đói, no nói no. Đừng vì túng bấn quá ăn cắp, cũng đừng vì sĩ diện mà đổ lỗi cho người khác.

Gánh nặng năm con của nội tưởng đã dừng lại. Ai ngờ khi ông bà cố mất, thì anh em của cha tôi lại tìm về nội bám víu. Ngôi nhà bây giờ là một mẹ chín con, con chung, con riêng đều có cả.

Bác Hai con riêng của nội chỉ lớn hơn bác Hai con riêng của chồng nội có ba tháng tuổi. Xưng hô cứ loạn xí ngầu lên. Nhất là khi các cô em gọi anh, không biết là anh Hai nào. Vậy là nội phải đặt cho biệt danh “anh Hai lớn”, “anh Hai nhỏ”, rồi “chị Ba lớn”, “anh Ba nhỏ” nghe rất vui tai.

Nội bảo, bí quyết của một bà mẹ với gia đình “hầm bà lằng thứ tự” như vậy là phải rất nghiêm khắc nhưng cũng rất công bằng. Nghiêm đến nỗi nếu một người phạm lỗi thì đánh đòn hết tám người còn lại. Còn bánh phải mua mỗi lần chín miếng. Áo mua một lần chín chiếc…

Chiến tranh, các cô bác tôi không học được mấy chữ. Cái ăn quan trọng hơn. Hàng ngày, những người con lớn của nội từ 14 tuổi trở lên đi làm lò gạch. Người 13 tuổi ở nhà nấu ăn. Chỉ có người từ 12 tuổi trở xuống mới đi học.

Trước và sau hòa bình vài năm, lần lượt những người con của nội lấy vợ, lấy chồng. Con gái gả đi, nội đều cho “của hồi môn” là lời khuyên “Trăm nết tốt không gì bằng nết nhịn. Nếu chưa phải ảnh hưởng tới sinh mạng của mình thì con cứ nhịn cho êm nhà ấm cửa”. Con trai lấy vợ, mỗi cô dâu đều chỉ “làm dâu” đúng một năm rồi được ra riêng. Trong năm đó, tùy tính tình của cô mà ngày ra riêng nội cho bao nhiêu vật dụng. Cũng trong năm đó, lúa ruộng nhà mần lên thì ăn, tiền chợ hàng ngày nội lo, vợ chồng mới làm được cứ dành dụm cất nhà, đất nội sẽ chia cho một phần…

Nhưng khi cưới dâu út thì nội nói trước, sẽ không có chuyện ra riêng vì “giàu út ăn, khó út chịu”, nội sẽ sống với con trai út đến cuối đời.

Và hơn 20 năm qua, thím Út chưa một lần bị mẹ chồng nặng nhẹ, dù lắm khi quan niệm sống cũng khác nhau, khó tránh khỏi những va chạm đời thường. Nhưng nội luôn nói lời dịu dàng: “Má đã làm dâu qua hai đời mẹ chồng, bao khó khăn uất ức đều đã nếm trải nên má thông cảm hết, con cứ sống sao cho chồng con của con vui là được”.

“Mà để chồng mình vui, thì chỉ có thể làm vui lòng mẹ chồng thôi. Bà nội của con thật là có cách dạy dâu tuyệt vời đó Trang ơi”, thím Út tôi hay nói vậy.

Không biết có phải nhờ sự nghiêm khắc từ thời trẻ và khéo bảo ban của nội không, mà các cô tôi có cuộc sống hôn nhân suôn sẻ. Những thím, bác thì luôn cung kính thương yêu nội chứ chưa một lần “nói ra nói vô” kiểu mẹ chồng nàng dâu như chuyện thường gặp ở đời.

Riêng với đám cháu gái, nội luôn bảo: “Đời bây giờ đã khác ngày xưa. Tụi con có công việc, có thu nhập nên không phải lệ thuộc chồng. Nhưng con ạ, đứa trẻ nào cũng cần cha. Một sự nhịn, chín sự lành”. Những người trẻ có chút học thức, có thu nhập cao như chúng tôi bao giờ mới có được một phần thấu đáo như bà?

                                                                                                            Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI