Lá thư đầy xúc động của bà mẹ 'siêu nhân'

02/01/2018 - 06:00

PNO - Ngày 10/7/2000, mẹ sinh con hết sức khó khăn vào cái đêm ngoài trời mưa gió bão bùng. Mẹ đau bụng từ 7h sáng, mãi đến 22h20, mẹ gần như kiệt sức để rặn đẻ.

Mẹ cũng không thể ngờ, kể từ giây phút đó, sóng gió cuộc đời bắt đầu bủa vây gia đình mình, bủa vây con.

Ba tháng đầu, con khóc suốt, không bú được sữa mẹ, mẹ vắt sữa, đút từng thìa cho con. Con ngủ phải có người ôm, buông con ra là con giật mình, khóc ngất, tím mặt. 
Mẹ bỏ hẳn việc đi dạy ở trường vì con nằm Nhi đồng 1 suốt.

Bốn tháng, Bác sĩ chỉ định điện não đồ, kết luận bại não chính thức quẳng bố mẹ xuống vực. Mẹ còn nhớ như in buổi chiều hôm đó. Cầm tờ giấy trong tay, bố lẳng lặng không nói 1 lời, ôm vai mẹ, mẹ bế con, trên đầu con còn bê bết các hóa chất sau khi điện não, ngủ yên vì còn phê thuốc ngủ. Mẹ khóc trọn con đường về nhà.

Về nhà, sắp xếp lại công việc, sắp xếp lại cuộc đời, gia đình mình sang trang.
Bố mẹ nghỉ hết việc ở trường Nghề, mẹ dạy kèm ở nhà, bố nuôi con ở bệnh viện và ngược lại, cũng may là bố mẹ cùng nghề.

Con 4 tháng, mẹ cũng hết sữa, lúc này con phải bú bình, ngủ thì bắt buộc phải ôm con. Hễ mẹ dạy học, bà ngoại ôm con giúp mẹ, buổi tối thì bố mẹ thay phiên ôm con trên võng, cứ bố ôm đến 2h sáng, rồi thay phiên, mẹ lên võng ôm con đến sáng.

Mẹ đưa con đi Bệnh viện Long An nhờ cô Lành đến nhà tập trị liệu cho con, nhưng hễ cô đụng tới con là con khóc ngất, bất hợp tác. Lên Bệnh viện Nhi đồng, chỉ cô Thảo và chú Phúc tập thì con chịu. Để ý mẹ mới thấy, "ai đẹp", "ai vui" con mới cho tập, hihi, 5 tháng con đã biết phân biệt đối xử.

La thu day xuc dong cua ba me 'sieu nhan'
Bé Phúc cùng mẹ chơi đùa. Ảnh. KN

Con 4 tuổi, mẹ quyết định sinh em bé cho con có người chơi, vì mỗi khi trẻ con trong xóm đến chơi, chúng nó mà về là con khóc tím ngắt thật lâu. Bé Phương ra đời mạnh khỏe, xinh xắn cũng tiếp thêm động lực cho cả nhà.

Con 5 tuổi, mỗi tháng con đi Nhi đồng tái khám, thỉnh thoảng nhập viện nằm vài tuần do sốt siêu vi, tiêu chảy, viêm phổi. 

Con 6 tuổi, ngồi được 1 mình vững chãi, chấm dứt chuỗi 6 năm ngủ phải có người ôm, chấm dứt 6 năm bà ngoại lúc nào cũng ăn cơm trưa trên võng vì phải ôm con. Nhưng vẫn còn điều khổ tâm là con không kiểm soát được tiêu tiểu.

Tháng 9/2006, bố đưa con ra Hà Nội, tìm đến Viện châm cứu Trung ương (do mẹ xem tivi thấy tôn vinh Giáo sư Nguyễn Tài Thu trong chương trình Người đương thời)

Hai bố con ở châm cứu khoảng 10 ngày thì con kiệt sức vì đau, vì không ăn uống được, lại cộng thêm xa mẹ, xa bà. Bố đưa con về. Mẹ nhớ mãi cảnh đi đón con và bố ở sân bay, bố cõng con trên lưng, tay kéo valy, con gặp mẹ thẫn thờ không nhận ra mẹ luôn. Con quá mệt mỏi và đau đớn.

Kỳ diệu thay, sau khi về nhà 1 tuần, con ăn uống đầy đủ, con hồi phục sức khỏe. Con lên máy chơi game, nhưng con lại mở word ra, con gõ chữ "mẹ ơi, Hà nội đang hội nghị Apec". Cả nhà há hốc mồm chữ O, mắt chữ A, mẹ chưa dạy con bảng chữ cái, quanh năm suốt tháng ở bệnh viện, vậy mà con viết chữ cả câu. Và sau đó thì cứ đưa con ra đường chơi, về nhà toàn bộ bảng hiệu đường phố Long An sẽ được con ghi lại đầy đủ địa chỉ và số điện thoại. 

Thêm 1 điều kỳ diệu sau đợt trị liệu này là con kiểm soát tiêu tiểu, con ra dấu cho mẹ biết để bế con đi nhà vệ sinh, mừng không thể tả.

Con 9 tuổi, công việc mở công ty của bố mẹ bị thất bại, bị mất tiền, mẹ trầm cảm đến 6 tháng, sau đó phải tự vực mình dậy, mẹ bệnh ai lo cho con đây???

Năm 2011, bố lại đưa con ra Hà nội, lần này con ở đây 1,5 tháng để được ông Thu châm cứu. Ông bảo ông đã châm ngay "dây chữ" của con. 

La thu day xuc dong cua ba me 'sieu nhan'
Phúc và ba trong một buổi sáng cà phê. Ảnh: KN.

Ông Thu cảm động trước tình cảnh dân miền Nam ra Bắc khổ quá, ông vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP. HCM, thành lập khoa Châm cứu tại đây.

Vì vậy, ròng rã 2 năm, 2011-2013, mỗi ngày thứ 2-4-6, bất kể nắng mưa, cứ 6h sáng đánh thức con dậy, mẹ đèo con xe máy 50km, con ngồi trước, mẹ con mình tới Sài Gòn là 8h, trên cốp trước xe bao giờ cũng có hộp cơm vắt hay hộp xôi mẹ nấu từ khuya, cứ chạy xe 1 đoạn, mẹ đút 1 nắm cơm cho con ăn trên đường. Tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, xong các thủ tục là mẹ con mình vào châm cứu lúc 8h30, mỗi ngày của con là hơn 30 cây kim nhỏ và 6 cây kim dài 2 tấc. Mẹ biết con rất đau nhưng con luôn hun đúc mình. "Con sẽ cố gắng hết sức vượt lên chính mình". Cả khoa Châm cứu bác nào cũng cưng con, vì con rất ngoan và rất đàn ông, con bảo đàn ông không được khóc. 

Năm 2014 thì con chập chững được 3-4 bước không có mẹ dìu, mẹ "buông" con được 20 giây mà mừng hơn bắt được vàng. Con chính thức vứt hẳn 5 đời siêu xe mũi tên đã theo con 14 năm.

Lúc này công việc dạy học của bố mẹ không còn thuận lợi nữa, dẹp chữ sĩ sang bên, mẹ chuyển sang bán bún bò, mẹ muốn kiếm tiền nhưng vẫn phải ở nhà với con, nhắc nhở con, tập cùng con. 

La thu day xuc dong cua ba me 'sieu nhan'
Phúc thường xuyên được mẹ cho đi chơi. Ảnh: KN.

Đến năm 2017, con ngủ dậy đã biết quỳ lên mở cửa phòng, tự đi từ trên lầu xuống đất một mình, con đã tự múc cơm ăn dẫu còn vụng về, đổ tháo, nhưng con đang dần tự lập. Đặc biệt, con vẫn lạc quan vui vẻ online suốt ngày trên facebook, con có nhiều bạn bè để chia sẻ.

Năm 2017, mỗi ngày con vẫn tự tập các vận động tinh, mẹ giờ cũng bớt lo lắng nhiều, công việc buôn bán tuy có cực xíu nhưng kinh tế tương đối ổn định để nuôi con. Em Phương càng lớn càng ngoan và trách nhiệm, em tự học không phiền đến mẹ, em giúp mẹ phụ chăm sóc anh. Chuyện lớn chuyện bé gì trong nhà cũng gọi "Phương ơi". 

Những lúc khó khăn nhất, tuyệt vọng nhất, cùng cực nhất của gia đình ta, đang dần đẩy lùi vào quá khứ, mẹ bằng lòng với hiện tại, mẹ hạnh phúc từng giây bên các con mặc kệ thế giới ra sao, ngoài kia giông bão thế nào, mẹ sẽ che chở con, em Phương, gia đình mình, đơn giản vì mẹ là mẹ của Phúc, của Phương.

Mẹ viết ra không phải để được khâm phục, mẹ ngại chữ ngưỡng mộ, vì đó là trách nhiệm của mẹ. Mẹ viết ra để Phúc, Phương hiểu được, gia đình mình, được ở bên nhau, được cùng nhau chúc ngủ ngon mỗi tối, được ăn bữa ăn với nhau, đó đã là Hạnh phúc. Mẹ viết ra để Phúc Phương biết yêu thương ông bà, nhớ ơn bà chăm bẵm và quan trọng nhất, mẹ muốn Phúc Phương, trước hết là những đứa trẻ có trách nhiệm và biết ơn, ơn những người thân xung quanh đã giúp đỡ gia đình mình. 

Bạn bè tôi, nếu ai đang cảm thấy cuộc đời này bất công bế tắc quá, hãy mỉm cười, khó khăn là cái đinh gì, rồi mọi việc sẽ ổn, ổn hết. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc chỉ đơn giản là bằng lòng. Cuộc đời này, có những chuyện xảy ra để học cách bằng lòng chứ không phải để hỏi tại sao.

Chào mừng năm mới 2018, ta xin tháng ngày rồi bình an.

Nguyễn Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI