Khi 'ông chủ' thành ô-sin

22/09/2017 - 09:21

PNO - Trong giới văn nghệ sĩ vùng Đất Tổ, không ít người trầm trồ ngợi khen lẫn chút ganh tỵ với gia đình cô giáo Trần Lệ Thủy (P.Gia Cẩm, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) khi cả ba mẹ con đều là họa sĩ.

Chị Thủy thường đùa vui: “Nhờ ông chủ ủng hộ mà nên cơm nên cháo đấy”.

Vừa trở về từ cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Bắc tại Vĩnh Phúc, chị Thủy chưa nguôi niềm hạnh phúc khi tranh của chị và con trai Đặng Việt Linh (sinh năm 1993) được chọn trưng bày trong triển lãm. Chị nói, không có niềm vui nào sánh bằng cảm xúc nhìn con trai bứt phá trên con đường nghệ thuật và có khả năng vượt trội “cô giáo mẹ”.

Khi 'ong chu' thanh o-sin
Gia đình họa sĩ Trần Lệ Thủy nhân kỷ niệm 25 ngày cưới

Chị Thủy là giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường THCS Nông Trang, TP.Việt Trì. Ngoài giờ lên lớp, chị còn đem niềm đam mê hội họa trao truyền cho các em nhỏ ở Nhà văn hóa thành phố. Năm “cậu cả” lên 4 tuổi, em theo mẹ tới các buổi dạy cuối tuần, cũng nghịch ngợm cầm cọ chấm quệt. Một buổi, bất chợt nhìn những tác phẩm “trừu tượng” của con trai, chị Thủy thấy trong đó tiềm ẩn tố chất nghệ thuật. Vậy là chị nhen nhóm ý tưởng truyền nghề cho con. Bé Đặng Việt Linh chính thức được nhập học lớp bồi dưỡng năng khiếu hội họa với “cô giáo mẹ”.

 Anh Đặng Gia Phương, chồng Lệ Thủy là một cán bộ ngành thủy lợi. Ban đầu anh rất ngạc nhiên khi thấy những ngày cuối tuần, mẹ con cứ chúi vào những tập giấy, bút màu, tô tô, vẽ vẽ. Từ đó, những buổi tối ở nhà trở nên bận rộn hơn, những bữa cơm bị nấu muộn, những chậu đồ giặt xong chưa kịp phơi... anh Phương lẳng lặng làm tất cả. Anh nói anh cảm nhận hạnh phúc khi ngắm nhìn người vợ trẻ và con trai với quần áo, chân tay loang lổ màu vẽ. 

“Lúc đầu anh ấy lo lắng lắm, khi thấy tôi hướng con vào hội họa. Nghề gì không chọn lại chọn mỹ thuật, coi như chọn nghèo suốt đời”, chị Thủy chia sẻ.  Bất ngờ, năm Việt Linh sáu tuổi, tranh của em đoạt một giải thưởng trong cuộc thi vẽ của thiếu nhi tỉnh Phú Thọ. Chị càng vững tin hơn về tài năng của con và dần dà thuyết phục anh cho con theo đuổi đam mê. 

Hỳ hục với những thử thách, năm 14 tuổi, Việt Linh đã có tranh minh họa truyện ngắn trên tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ. Lần nhận nhuận bút đầu tiên từ tranh minh họa, Việt Linh mừng lắm, cậu bé mạnh miệng tuyên bố: “Con sẽ sống được bằng nghề vẽ”. Giờ thì cậu đang khẳng định lời nói đó với rất nhiều giải thưởng và tác phẩm được trưng bày tại triển lãm trong và ngoài nước.

Chẳng biết vui hay lo, khi chị Thủy thấy cậu con trai thứ hai Đặng Anh Vũ (sinh năm 1995) cũng rẽ sang con đường nghệ thuật của mẹ và anh trai. Từ nhỏ, Anh Vũ có vẻ không màng tới mỹ thuật. Vậy mà tới năm học cấp III, bỗng nhiên Vũ quay sang cầm cọ cùng mẹ và anh trai. Không có điều kiện chỉ dẫn cho con từ nhỏ, Lệ Thủy hướng cho con theo học đồ họa tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, giờ cậu đã là sinh viên năm thứ 5. 

Để “nhà có ba họa sĩ”, cả ba mẹ con đều biết ơn, trân trọng “ông chủ nhà ngoại đạo”. Anh Đặng Gia Phương chỉ cười hiền lành khi được hỏi về con đường nghệ thuật của vợ con: “Quan trọng là ba mẹ con đã có chút thành công, nên tôi cũng yên tâm. Chứ lỡ tài năng không có, dở trăng, dở đèn là khổ”. Anh Phương đã quen với cảnh nhà cửa luôn bề bộn vải toan, khung tranh và đủ các loại màu của vợ. Ba mẹ con họa sĩ nhiều lúc nổi máu nghề nghiệp, chúi vào vẽ hoặc tranh luận về màu sắc, bố cục tranh, để mặc cho ông chủ nhà lúi húi cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. 

Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI