Họ đồng tính là tại ai - tại Chúa

14/06/2017 - 16:08

PNO - Nhiều câu hỏi đã được nhà văn Bùi Anh Tấn giải đáp từ góc nhìn của một người có kiến thức sâu, rộng, có thực tế và những quan sát, tiếp cận với hơn 20 năm qua.

Bắt đầu từ tiểu thuyết và sau đó là hàng loạt tác phẩm văn học khác nữa, nhà văn Bùi Anh Tấn đã được coi là một chuyên gia về vấn đề đồng tính ở Việt Nam. Báo chí tìm đến anh, các nhà nghiên cứu cũng tìm đến anh để có thêm ý kiến, góc nhìn, sự đánh giá, những người đồng tính tìm đến anh để tư vấn, phụ huynh của những người đồng tính cũng tìm đến anh để có lời khuyên.

20 năm sau khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên về người đồng tính, cái nhìn của nhà văn về thế giới người đồng tính và những vấn đề của họ với chính mình, với xã hội ngày càng lạc quan hơn.

Ho dong tinh la tai ai - tai Chua
Nhà văn Bùi Anh Tấn

- Là một người nghiên cứu về những người đồng tính rất kỹ và rất khoa học, nhà văn có thể nói gì thêm để giải thích việc vì sao một người đàn ông, đàn bà sinh ra với những đặc điểm cơ thể được quy định rõ ràng về  giới tính mà rồi lại không thể sống được bình thường với sự quy định đó hay không?

- Quả thật, bên cạnh những thay đổi lớn trong xã hội, không chỉ VN mà các nước trên thế giới, khoa học vẫn không tiến triển gì thêm về vấn đề này. Cũng như nó chẳng thể nào giải thích vì sao trong một gia đình, anh em sinh ra, có người thuận tay phải, có người thuận tay trái vậy.

Chỉ có điều, ta dễ dàng nhận thấy, xưa kia, người ta hay cho rằng những người đồng tính là những người ẻo lả, thích xanh đỏ màu sắc. Nhưng bây giờ, những người đồng tính thực tế là những người rất khỏe mạnh, rất nam tính, rất đẹp nữa là khác. Điều đó cho thấy, vấn đề không còn nằm đơn giản ở hình thức, hình dáng mà nằm sâu thẳm trong tâm hồn họ. Tôi cũng nhận ra, trong các tiếp xúc của mình là rất nhiều trí thức, thậm chí các tiến sĩ khoa học, là người đồng tính. Như vậy là hiện tượng này xuất hiện trong bất cứ hình thức nào. Đành chỉ biết nói như nhiều người nói: Tại Chúa chứ không phải tại con người. Đó không phải là lựa chọn của họ. Nếu điều đó rơi vào tôi hay bạn thì bạn đành phải chấp nhận nó mà thôi. Phải thông cảm và thương họ, chia sẻ với họ, vì họ sinh ra như thế!

- Đã từng có thời người ta cho rằng tình yêu đồng tính có tác động xấu đến xã hội như mang đến bệnh tật, làm suy giảm việc duy trì nòi giống, vân vân. Theo nhà văn, điều đó có còn làm người ta kỳ thị người đồng tính hay không?

- Phải, có thể những điều này bắt đầu từ việc người ta phát hiện được căn bệnh thế kỷ AIDS là ở người đồng tính. Nhưng thật ra trong các hoạt động tình dục thì nguy cơ này có ở tất cả mọi quan hệ chứ không riêng gì ở người đồng tính và chuyện này ai cũng hiểu.

Quan niệm rằng người đồng tính lảm ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống là đúng, nhưng không thực tế, bởi hiện nay, việc bùng nổ dân số trên thế giới, ở nhiều nước đang cần phải kiềm chế lại, là thứ nhất. Khoa học đã chứng minh rằng nó có thể giúp con người có thai bằng việc tái tạo gen là thứ 2 và thứ 3 là những nước tiên tiến hiện nay như Mỹ chẳng hạn, khi họ chấp nhận hôn nhân đồng tình thì họ có bị tiêu diệt hay không, điều đó ai cũng thấy rõ.

Tự nhiên cũng đã quy định hết sức rõ ràng: trên toàn thế giới luôn luôn chỉ có khoảng 5% con số người bị đồng tính và con số đó không thể gây ảnh hưởng, thay đổi thế giới được.

Ho dong tinh la tai ai - tai Chua

- Có nhiều người cho rằng đồng tính có khả năng lây lan về mặt tâm lý, theo nhà văn điều này là có thật hay không?

- Không và không. Từ những hiểu biết của mình, tôi cho rằng đống tính là điều có từ trong máu của con người và nó không thể lây lan như bệnh được. Theo tôi, trong mỗi con người đều có chút đàn ông và chút đàn bà, ai cũng thế. Chút đó ở một số người sẽ bùng lên khác với giới tính mình sinh ra, có những người thì sẽ nằm yên mãi mãi.

Có thể lấy ví dụ từ những người thủy thủ phải lênh đênh sông nước nhiều năm hay những tù nhân, hay trong quân đội… những người đàn ông quan hệ với nhau là do họ cần giải tỏa những vấn đề sinh lý của mình. Khi trở lại đời thường, có những người sẽ quên điều đó đi, trở lại với những hoạt động tình dục bình thường, có những người thì mầm mống đồng tính bùng phát và ở lại luôn.

- Sau 20 năm nghiên cứu, tiếp xúc và viết về người đng tính, nhà văn có th nói gì về những thay đổi hiện nay trong cái nhìn của xã hội về người đồng tính và trong chính nhận thức của người đống tính về bản thân mình.

- Có rất nhiều thay đổi. Ngày xưa, người ta gần như không biết về cái gọi là thế giới thứ ba này. Giờ thì đại đa số đều biết về sự tồn tại của họ. Ngày trước, những người biết về những người đồng tính coi đó là bệnh tật, cần phải chữa chạy thì bây giờ người ta đã hiểu rằng đó là một hiện tượng tự nhiên và không thể chữa trị hay thay đổi nó.

Thay đổi lớn nhất nằm trong bộ Luật Hôn nhân gia đình năm 2017 vừa ra, ở đó đã bỏ điều khoản cấm người đồng tính kết hôn. Theo tôi, đó là một bước ngoặt khá lớn, từ cấm đến không cấm là một bước ngoặt lớn và tương lai theo tôi là sẽ đến lúc hôn nhân đồng tính được chấp nhận.

Về phía chính những người đống tính, thay đổi lớn nhất là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu về họ và viết về họ, họ là những người sống lẩn tránh, giấu diếm thân phận của mình, sống gần như trong bóng tối. Giờ họ đã bước ra ánh sáng, tại Việt Nam đã có những hội đoàn, nhóm, có những cuộc gặp mặt, giao lưu của người đồng tính với nhau. Họ bắt đầu đấu tranh để dành lấy hạnh phúc được sống đúng như con người mình và với tình yêu của mình. Đã có nhiều cuộc kết hôn của người đống tính diễn ra dù chưa được chấp nhận, cho phép.

Gia đình những người đồng tính hiện nay cũng đã bắt đầu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những nỗi khổ của con cháu mình. Họ lập thành những Hội cha mẹ của những đứa con đồng tính. Họ dang rộng tay để bao dung, bảo vệ con cái mình. Họ đứng lên công khai trò chuyện với những người làm luật để đấu tranh cho quyền được hạnh phúc của con mình. Tiếng nói của họ có sức thuyết phục lớn với xã hội, với cả những bậc phụ huynh khác, những người còn xấu hổ, còn hoang mang, còn che giấu thân phận thật sự của con mình.

Tất cả những điều thay đổi đó diễn ra trong suốt 20 năm, một khoảng thời gian không thể nói là ngắn và vì thế nó có ý nghĩa vô cùng lớn. Mới đây Đài Loan là quốc gia đầu tiên ở Châu Á đã chấp nhận hôn nhân  đồng tính. Tôi hy vọng là một lúc nào đó, điều này cũng diễn ra ở Việt Nam.

- Cám ơn nhà văn.

Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI