Hai người đàn ông mới

06/11/2017 - 14:00

PNO - Mẹ khuyên tìm người yêu thương bọn trẻ để chúng khỏi tội nghiệp. Chị gạt ngay. Chị tìm người đàn ông cho chị, cho cuộc đời chị. Nếu người đó đủ tình dành cho chị, chắc chắn sẽ thương yêu hai đứa nhỏ.

Ly hôn, chị dắt hai con gái về nhà mẹ. Mẹ chị nước mắt ngắn dài, thương con số khổ. Chị gạt đi, hỏi sao mẹ không mừng cho con thoát khỏi tù ngục đọa đày. Nghe chị nói, mẹ càng khóc nhiều hơn. Chị thở dài, thôi cứ để mẹ khóc cho thỏa. Chị cũng muốn khóc lắm. Nhưng nước mắt đã cạn rồi. Và khi không còn khóc được nữa, chị đã quyết định, không hề ân hận.

Hai nguoi dan ong moi
 

Mẹ lau nước mắt, bảo thôi thì con ráng sống vì hai đứa nhỏ, chúng đủ khổ, đủ thiệt thòi rồi; đàn bà một nách hai con, chỉ mong ngày đủ ba bữa và không rách rưới. Chị tròn mắt, sao lại mong có vậy, sao mẹ không mong con sẽ tìm được ai đó tốt hơn, thương yêu con và bọn trẻ, tụi con sẽ tạo thành một gia đình hạnh phúc.

Con đi một bước chị theo một bước. Chị biết, ngoài tình yêu và trách nhiệm với con, chị còn phải sống cho mình. Nếu suốt ngày u ám với suy nghĩ phụ nữ bỏ chồng sẽ không làm được gì, chị khổ đã đành, con chị còn khổ hơn. Chúng đã bị ba thờ ơ, nay mẹ bỏ bê nữa thì sẽ ra sao. Chị gần gũi con nhiều hơn, thi thoảng ba mẹ con tắt bếp, đi ăn ngoài, rồi lang thang siêu thị, nhà sách..

Có vẻ chị đã dọa mẹ sợ. Trong mắt mẹ, chị giờ đã là phụ nữ đứng tuổi, cũng gần bốn mươi rồi còn gì! Nếu biết có ngày này, thà tan sớm sẽ có nhiều cơ hội hơn. Giờ có hai đứa trẻ vướng chân, ai muốn tìm hiểu cũng ngại. Chị ôm vai mẹ: “Mẹ yên tâm đi, con sẽ sống tốt”. Mẹ ngậm ngùi: “Tốt làm sao đây con?”.

Cuộc sống chẳng mấy khi dễ dàng. Chị đã lúng túng, vướng víu mất một thời gian. Ngày trước, dù tốt dù xấu, chị vẫn có chỗ dựa, không đến nỗi chuyện gì cũng phải lo, phải làm. Nhưng giờ chị không làm thì ai làm? Mỗi ngày, chị tập cho hai con ít việc đơn giản trong nhà: gái nhỏ gấp quần áo, gái lớn lau nhà; sau đó là giặt giũ, cơm nước... Hai đứa ban đầu cũng phụng phịu, làm sai, có khi không làm; chị mắt nhắm mắt mở cho qua. Chẳng ai chết vì quần áo nhàu hay ở trong cái nhà dơ.

Hai nguoi dan ong moi
Ảnh: Internet

Cũng có vài người đàn ông đi ngang cửa nhà ba mẹ con, ghé vào chơi, nhưng chắc vì không có duyên nên họ đi luôn. Rồi người đàn ông ấy xuất hiện. Anh hơn chị 12 tuổi. Vợ anh mất vì sinh khó, anh một mình nuôi con. Nay con trai đã lớn, cậu “đuổi” bố đi tìm vợ để cậu rảnh rang đi đây đi đó: “​Cô coi, cháu vừa ra khỏi thành phố là bố đã ôm điện thoại hỏi khi nào về”. Cậu con còn mang chó mèo, chim nhím lẫn hoa hoét về cho bố bận rộn nhưng thất bại thảm hại. Cậu nghe bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, biết bố lúc đi tập thể dục buổi sáng hay nói chuyện với một cô, có ngày còn theo cô ấy đi chợ. Hỏi han mới biết cô ở cùng hai con gái, ​cậu quyết định xúi bố tiến tới. Ông bà vừa có thể chăm nhau, bố lại có thêm hai con gái mà dạy dỗ. Cậu sợ lắm những ngày bố bắt cậu học thêu thùa, may vá, mặc cậu phản đối.

​Tưởng sao, sau khi cậu con trai ra mặt vun đắp, ông bố “trốn” luôn. Những ngày sau đó, ông không ra công viên tập thể dục, cũng không đi chợ sáng, không cả những tin nhắn vu vơ. Nói không buồn là nói dối, nhưng chị nghĩ mình sẽ vượt qua. Khi con gái lớn hỏi, chị chỉ cười. Mẹ sống hơn chị bao nhiêu năm, nói phụ nữ đã một lần đò thì mong gì.

Sao chị lại không thể mong? Đời người còn ý nghĩa gì khi không có ước mơ và hy vọng? Ngày ngày, chị vẫn chăm chỉ làm việc, chăm sóc bản thân cùng hai con và vườn rau nhỏ. Cái ban công bé xíu chưa đầy 10m2 là vườn rau sạch cho ba mẹ con. Cuối tuần, mẹ con lại rủ nhau đi chơi xa thành phố, tái tạo năng lượng cho tuần mới.

Hai nguoi dan ong moi
Ảnh: Internet

Nhưng kế hoạch cuối tuần này e chừng phải bỏ, vì buổi sáng đang chạy bộ, ba mẹ con bị chặn lại bởi hai người đàn ông, một già một trẻ cùng đám hoa còn đẫm sương được bó khá vụng về. Hóa ra cả nửa tháng nay, hai “gã đàn ông” bận bịu tu sửa nhà cửa, thay rèm cửa, sắp dọn và sơn lại phòng cho cô gái nhỏ, đóng thêm kệ sách và mua cả bàn trang điểm cho phòng cô gái lớn. Họ cũng chỉnh sửa cả phòng tắm và phòng giặt cho thêm phần nữ tính. Ban công vốn toàn những chậu cây quặt quẹo, héo úa nay đã được dọn sạch sẽ, sẵn sàng đón vườn cây từ “nhà bên đó” qua. Họ đã sẵn sàng đón chị ngay sau khi chị gật đầu. 

Nhìn bó hoa run rẩy trước mặt mình, nụ cười của hai đứa con gái và vẻ nơm nớp của hai gã đàn ông đang đứng đối diện, chị bất chợt nghĩ, nếu mẹ hay tin này, liệu mẹ có khóc không?

Đặng Quỳnh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI