Thương hiệu văn hóa TP.HCM: Sao không thể là đờn ca tài tử, cải lương?

12/08/2019 - 07:35

PNO - Nếu hỏi 'đặc sản' văn hóa của TP.HCM, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đờn ca tài tử, cải lương. Nhưng món đặc sản này đang được khai thác như thế nào?

TP.HCM cũng không thiếu những nghệ nhân đờn, ca tài tử, cải lương giỏi. Thế nhưng một chương trình đờn ca tài tử, cải lương định kỳ phục vụ khách du lịch, như một thương hiệu, đặc sản văn hóa của thành phố, đến nay vẫn cứ là mơ ước.

Sản phẩm văn hóa chỉ của người làm văn hóa?

Xây dựng nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) thành sản phẩm văn hóa, du lịch không phải là chuyện mới của giới sân khấu. Từng có những chương trình ĐCTT, cải lương được Nhà hát trần Hữu Trang và vài đơn vị tư nhân dàn dựng, hướng tới phục vụ khách du lịch, nhưng đến nay, chưa có chương trình nào trụ được lâu dài. Một số chương trình từng được đặt nhiều kỳ vọng như Hồn Việt (Mekong Artists), chương trình của Đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang và Asia Media tại khách sạn Oscar... cũng dần chìm vào quên lãng.

Thuong hieu van hoa TP.HCM: Sao khong the la  don ca tai tu, cai luong?
Có chương trình nghệ thuật tốt, nhưng để quảng bá được với du khách, vai trò, trách nhiệm của ngành du lịch là không thể thiếu

Nặng tính biểu diễn, ít kinh nghiệm và cũng không nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch, nên các chương trình ban đầu thiên nhiều về ca diễn, khó chinh phục khách quốc tế. Tự rút kinh nghiệm, các chương trình được xây dựng hợp lý hơn, ngắn gọn, chủ yếu để các nghệ sĩ, nghệ nhân phô diễn các ngón đờn, giọng ca… Để tăng tính hấp dẫn, có nhà tổ chức còn phối hợp thêm những loại hình nghệ thuật khác như xiếc, âm nhạc dân tộc, nhưng dấu ấn đậm nhất vẫn là các tiết mục ĐCTT, cải lương.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm cải lương, chương trình triển lãm - biểu diễn nghệ thuật ở Nhà hát Hưng Đạo được đánh giá là khá thú vị với phần triển lãm sắp đặt, giới thiệu những không gian ĐCTT từ nông thôn đến thành thị Nam bộ và sự hình thành ca ra bộ, sự ra đời của sân khấu cải lương.

Ngoài phần giao lưu trực tiếp, chụp hình với các tài tử đờn, tài tử ca, khán giả có thể tiếp cận ở khoảng cách gần với những bộ trang phục, đạo cụ, vũ khí... được các nghệ sĩ sử dụng trong biểu diễn. Các trích đoạn ngắn gọn, không nặng kỹ thuật, chủ đích giới thiệu với khán giả những cách làm cải lương xưa với những chiếc micro “chạy” theo diễn viên trên sân khấu; những màn đấu võ, bay trên không trung… kỹ xảo, kỹ thuật tạo nên cảnh núi rừng, thác nước… và cả “bí mật” làm sao để khi bị trúng tên, mũi tên sẽ cắm vào cơ thể của diễn viên y như thật...

Rất tiếc, sau vài suất diễn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm, việc đưa chương trình thành sản phẩm văn hóa du lịch, phục vụ du khách trong nước và quốc tế vẫn chỉ là… kế hoạch.

Thuong hieu van hoa TP.HCM: Sao khong the la  don ca tai tu, cai luong?
Cải lương - trăm năm nguồn cội khai mở với tổ khúc Tình ca tiếng nước tôi trên nền tre xanh Việt Nam

Mới đây, sau thành công và hiệu quả của chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần chỉnh sửa gọn gàng hơn, chương trình sẽ rất thích hợp để quảng bá văn hóa Sài Gòn, Nam bộ với du khách. Nhưng làm sao để tiếp cận du khách, nhất là khách quốc tế, lại là bài toán không dễ tìm lời giải.

Văn hóa và du lịch bao giờ mới bắt tay?

Nhiều năm qua, nhiều chương trình chết yểu cũng vì không thể tổ chức được khán giả, dù được đánh giá tốt và đã có được điểm diễn, lịch biểu diễn định kỳ. Hai sân khấu du lịch thành công nhất hiện nay là Rối nước Rồng VàngÀ Ố show đều phải tự thân vận động, từ xây dựng chương trình đến quảng bá, tìm kiếm khán giả, mà không hề được tiếp sức. Nhìn sang Bến Tre, Cà Mau, Bình Dương, Cần Thơ… ĐCTT là một trong những sản phẩm văn hóa được xây dựng thành điểm nhấn du lịch văn hóa hoặc là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch tại địa phương.

Đặc biệt, ở Cần Thơ, từ tháng 9/2016, mô hình biểu diễn ĐCTT trên chợ nổi Cái Răng đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ giao cho Trung tâm Văn hóa - Thể dục Thể thao Q.Cái Răng và Nhà hát Tây Đô triển khai thực hiện. Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo tồn di sản đồng thời quảng bá hình ảnh chợ nổi Cái Răng, ĐCTT với du khách, mang thêm cơ hội phát triển du lịch và kinh tế cho Cần Thơ.

Thực tế này dẫn đến câu hỏi: Sở Du lịch TP.HCM ở đâu trong vai trò quảng bá các sản phẩm văn hóa du lịch của địa phương? Chương trình ĐCTT, cải lương ở phố đi bộ Bùi Viện do Sở Du lịch TP.HCM thực hiện từng là nỗi buồn và sự thất vọng của cả công chúng lẫn người làm nghề vì sự sơ sài, nghèo nàn trong cách tổ chức, sân khấu biểu diễn, khu vực hậu trường cho nghệ sĩ, diễn viên. Không thể đổ lỗi do kinh phí ít khiến công tác tổ chức bị hạn chế. Nếu không có kinh phí, không đủ khả năng chuyên môn để xây dựng chương trình thì hoặc không nên tổ chức, hoặc nên phối hợp với những đơn vị có chuyên môn, để có những chương trình chỉn chu, nghiêm túc.

Thuong hieu van hoa TP.HCM: Sao khong the la  don ca tai tu, cai luong?
NSND Bạch Tuyết và NSƯT Việt Anh trong trích đoạn Đời cô Lựu (chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội)

Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về nghệ thuật truyền thống, ĐCTT hoặc văn hóa và du lịch, nhiều ý kiến đều cho rằng, du lịch là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc với du khách trong và ngoài nước. Để quảng bá một thương hiệu văn hóa của TP.HCM, cần có sự chung tay của Sở Du lịch TP.HCM, không thể mãi làm theo kiểu “người làm nghệ thuật thì cứ dàn dựng và biểu diễn, nhưng người làm du lịch thì không đưa khách đến” như phát biểu đầy ấm ức của đạo diễn Hoàng Duẩn và Giám đốc công ty nghệ thuật Thái Dương - ông Huỳnh Anh Tuấn.

Trong khi chờ đợi một chiến lược lâu dài với một nhà hát quy mô, hiện đại đúng tầm quốc tế hay một chương trình sân khấu thực cảnh hoành tráng… một không gian gần gũi, mộc mạc đúng chất của ĐCTT, cải lương là cái nằm trong tầm tay. Vấn đề là sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm của cả ngành văn hóa lẫn du lịch với di sản văn hóa dân tộc. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI