Gen vô nghĩa

10/02/2017 - 06:00

PNO - Trong một cấu trúc ADN, sâu xa hơn sự phân định gen vô nghĩa và gen “có nghĩa” là sự kết hợp tuyệt diệu của tự nhiên

Trong những lần chuyện gẫu, bạn bè thường lấy An ra làm đề tài. Chẳng phải là cái thú vui ác phụ nữ thường có, thích bàn tán về bạn bè có cuộc sống không bằng mình, mà vì bao năm qua An vẫn duy trì một lối sống “không đáng” - như vài người bạn kết luận. Trong hơn chục đứa con gái cùng khóa ở đại học chúng tôi, An xinh nhất, học lại thuộc hàng “top”.

Gen vo nghia
Ảnh mang tính minh họa

 Ngày đó, rất nhiều chàng ngưỡng mộ An, nên khi nghe An yêu Khương - “cái thằng chỉ biết xách đàn đi long nhong, hát hò dụ gái”, cả lớp thật sự… hoang mang. Thậm chí, có người còn kết luận chắc như đinh đóng cột: “An nó sa xuống vực thật rồi!”, “Chắc là chẳng được mấy ngày…”. Sau lưng cặp đôi đang yêu đó là biết bao xầm xì… Bạn bè nghĩ vậy mà sai cả. Tốt nghiệp là cặp đôi đó cưới ngay. Gia đình An giàu có, An lại là con một, trong khi Khương là dân tỉnh vào thành phố đi học, nên lại thêm điều tiếng bảo chàng rể “chuột sa chĩnh gạo”.

Lấy chồng sớm, lại được cha mẹ bảo bọc, An lần lữa mãi chưa chịu đi làm. Rồi con gái đầu lòng ra đời, An quấn lấy con. Tốt nghiệp loại giỏi, nên vài lần An được nhận vào dạy Anh văn cho trung tâm ngoại ngữ, nhưng năm bữa nửa tháng lại… xin nghỉ vì dạy tối thế thì làm sao chăm con; dù ông bà ngoại đã thuê một bà vú nuôi chỉ để chăm con cho An đi làm.

 Quen được cha mẹ chu cấp, giờ đã hai con, An vẫn cứ xòe tay nhận tiền hàng tháng từ cha mẹ. Khương mới đi làm vài năm, chưa có dư, An vẫn chẳng hề lo lắng, vẫn vô tư nhận căn chung cư cha mẹ mới mua, “mượn tạm” cái xe của ông ngoại cho… chồng đi làm. Cuộc sống của vợ chồng An nói khổ thì không khổ, nhưng chắc cũng chẳng sung sướng gì, vì cứ chông chênh thế nào. Bạn bè “ngứa mắt” với cách sống dựa dẫm của An. Sau này cha mẹ không còn thì An sẽ dựa vào đâu? Rồi sống kiểu ấy thì dù có tiền, Khương vẫn chỉ coi vợ là người phụ nữ xó bếp.

Cấu trúc ADN trong cơ thể con người là một chuỗi xoắn kép gồm hai gen kết chặt vào nhau. Ít ai biết, trong hai gen đó, chỉ một gen mang toàn bộ thông tin di truyền; gen kia hoàn toàn không có thông tin, được gọi là gen vô nghĩa…

Thực tế, đã vài lần bạn bè gặp An tự đón xe buýt đi họp lớp, hỏi xe sang đâu, An cứ ngường ngượng: Khương đi làm mới cần. Khương bảo vợ có làm gì mà se sua! Cũng nhiều lần bạn bè phát hiện An ít dám tiêu pha gì nhiều. Ông bà ngoại chỉ chu cấp “trọn gói”: trả tiền vú nuôi, mua sẵn sữa tã đem đến nhà, mua sẵn xe, sẵn nhà… chứ hiếm khi cho tiền. Những tiêu pha vặt hình như chỉ trông vào lương của Khương.

Đêm nay, đã khuya lắm mà Khương vẫn chưa về. An chán không thèm hỏi xem chồng còn mấy ngày thì hết chuyến công tác. Từ ngày lấy nhau, thời gian Khương ở nhà còn ít hơn thời gian lang thang ngoài đường. An rất khổ tâm khi con gái dửng dưng mỗi lúc cha đi làm về. Con đã quen với việc chỉ có mình mẹ bên cạnh, nên “quên” luôn là mình còn có cha.

An thường lấy tình cảm gia đình, lấy hình ảnh những đứa con ngoan - toàn bộ tâm huyết và tài sản của cô - để “kết nối” với chồng qua điện thoại, email, qua cả mạng xã hội… Khương vẫn đáp trả, vẫn cười, nhưng nụ cười xa vời qua màn hình lạnh lẽo. Những kết nối mơ hồ ấy dường như càng làm đậm thêm sự thiếu thốn một người chồng, người cha thực sự trong căn nhà tươm tất của An.

An biết mọi người nghĩ gì về mình. Thương hại - một đứa khá thế mà ở nhà “ăn bám”! Khó hiểu - sao An chịu được cảnh sống như thế mãi? Nhưng An còn biết làm thế nào. Nhà cần có một người chăm nom, một người thắp lửa. Khương đã không nhớ đến nhiệm vụ đó, thì cô phải cáng đáng cả hai.

Cô hối hả dùng toàn bộ thời gian để bù đắp, để dồn thêm cả phần của người cha cho các con. Dạo này Khương kiếm được nhiều tiền hơn, đưa vợ cũng đầy đủ hơn, nhưng mọi chi tiêu An tự liệu, có thiếu Khương cũng không quan tâm. Hai con càng lớn càng tốn kém, càng phải tham gia nhiều lớp học cho bằng bạn bằng bè… Trong một gia đình vắng bàn tay chăm sóc thực sự của người cha, An mệt mỏi đến rã rời.

Như đêm nay, khi An không chờ điện thoại của Khương nữa…

Trong một cấu trúc ADN, sâu xa hơn sự phân định gen vô nghĩa và gen “có nghĩa” là sự kết hợp tuyệt diệu của tự nhiên. Sự sống chỉ sinh sôi khi hai gen xoắn kết, đảm bảo một ADN bình thường. Gen “vô nghĩa” không mang thông tin di truyền nhưng đảm nhận chức năng khác, thông báo các quá trình tổng hợp thông tin cho toàn bộ cấu trúc…

Trong một gia đình, có những khi người ta cảm thấy có điều gì đó vô nghĩa, giả sử khi bản thân hay người kia không làm ra tiền, không cáng đáng công việc, không có tiếng nói… Nhưng, bí mật thẳm sâu của sự sống vốn là sự kết hợp. Làm sao duy trì những kết nối sâu xa của yêu thương và chia sẻ, để xác lập mình không “vô nghĩa” trong đời nhau. Làm sao hài hòa và bền vững để vượt lên mọi nỗi chông chênh của cuộc đời…

Mai Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI