Gầy rộc, phờ phạc vì gánh nặng nhà chồng

18/03/2017 - 06:30

PNO - Ngày Hoài khoác lên mình chiếc áo cô dâu, bạn bè ai cũng ái ngại. Hoàn cảnh nhà chồng quá khó khăn, nên những tháng ngày phía trước của Hoài chắc chắn sẽ gập ghềnh, vất vả.

Chồng Hoài tốt nghiệp ngành cầu đường, đi làm xa nhà thường xuyên, thu nhập cũng khá nhưng cơm hàng cháo chợ tốn kém nên hàng tháng chỉ đưa cho vợ được một ít tiền. Hoài làm biên tập ở một nhà xuất bản, chắt chiu dè xẻn từng chút, chỉ khi nào chồng về nhà mới dám cắm tủ lạnh, mua trái cây bỏ vào. Những ngày có anh, căn phòng trọ chật hẹp của hai người mới trở nên ấm cúng; còn thì Hoài lại thui thủi một mình ra vào. 

Gay roc, pho phac vi ganh nang nha chong
 

Nhà chồng Hoài ở quê, có ba anh em, anh cả làm công nhân xây dựng, cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Em gái út làm nhân viên vệ sinh ở bệnh viện tỉnh, thu nhập rất ít ỏi. Chỉ mỗi chồng Hoài là được ăn học, nhưng  suốt thời sinh viên cũng phải làm phục vụ bàn, trông giữ xe, gia sư để kiếm thêm tiền sinh hoạt. Hoài thương anh chỉ vì anh chịu khó, thật thà. Hoài tin, người như anh sẽ biết trân trọng vun vén cuộc sống gia đình.

Cha mẹ chồng đã già, hay đau yếu, nhất là căn bệnh gan của cha chồng. Tiền thang thuốc cho cha mẹ chồng do vợ chồng Hoài cáng đáng. Lấy nhau mấy năm trời, nào cha mẹ chồng ốm  đau, nào con cái bé bỏng, vợ chồng Hoài không dư nổi một đồng. Thi thoảng thiếu hụt Hoài còn phải về vay mẹ đẻ, nói là vay nhưng chẳng biết bao giờ mới trả.

Rồi ông trời cũng thương, chồng Hoài vừa làm kỹ thuật cho công ty vừa nhận thầu phụ mấy hạng mục nhỏ, sau đó là lập đội thi công. Có kinh nghiệm và biết quản lý, anh dần kiếm được khá khá. Gom góp mấy năm, vợ chồng cũng mua được đất xây nhà ở thành phố. Lúc đó cha chồng Hoài đã qua đời, hai người đón mẹ chồng vào phụng dưỡng. Hoài khéo vun vén nên mẹ chồng nàng dâu cũng ấm yên.

Nhưng, cuộc đời vốn không bằng phẳng. Hai đứa con sinh đôi của anh cả học xong cấp ba rồi đậu đại học, nên anh chị gửi gắm cho vợ chồng Hoài. Thật khó mà từ chối vì các cháu ở quê lên, đường sá không rành, thành phố lại là nơi phức tạp. Dù biết nhận các cháu vào ở mọi thứ sẽ bị xáo trộn, các con mình cũng bị ảnh hưởng nền nếp sinh hoạt nhưng Hoài vẫn phải đồng ý.  

Hai con gái của Hoài phải chia sẻ phòng với chị con bác. Phòng đọc sách bị thu hẹp lại, ngăn vách làm phòng cho cậu anh. Hoài vốn chỉn chu, nhà cửa luôn sạch sẽ gọn gàng, các con Hoài cũng rất có ý thức giữ gìn không gian chung và tự sắp xếp mọi thứ ngăn nắp. Hai thành viên mới thì lại chẳng có ý niệm gì về việc giữ cho toilet khô ráo sạch sẽ. Những chiếc khăn tắm, khăn bông trắng tinh dùng lau tay cứ bị tận dụng vô tội vạ vào những chuyện khác.

Nhà vừa lau xong còn ướt đã đầy những dấu chân của người cháu trai. Hoài nhắc nhở các cháu nhiều lần nhưng thật khó thay đổi được những thói quen đã hình thành từ bé. Hai con gái Hoài mất không gian riêng, lại vướng víu người anh họ, nên mọi thứ trở nên rắc rối và bất tiện. Đứa con gái nhỏ còn hồn nhiên nhưng con gái lớn thì không ít lần hờn dỗi, khóc với mẹ.

Tuy phiền phức, quỹ thời gian lại eo hẹp nhưng Hoài vẫn còn có thể thu vén được những vụn vặt ấy. Bài toán lớn hơn là chuyện kinh tế gia đình. Công việc của chồng Hoài khi thuận lợi, khi lại khó khăn, lại thêm nợ xây nhà còn chưa trả hết; trong khi số tiền ít ỏi anh chị chồng gửi hàng tháng lại không thấm tháp gì so với tiền ăn uống, sinh hoạt của hai cháu. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, cầm tiền đi chợ cho bảy tám người, lúc nào Hoài cũng có cảm giác bị mất tiền.

Hoài không dám bảo anh chị đưa thêm sợ mang tiếng, nhưng chắt bóp mãi thì mẹ con Hoài khổ lây, lại còn mẹ chồng tháng nào cũng phải đi bệnh viện… Cứ thế, Hoài gầy rộc đi. Hoài không dám than thở với mẹ đẻ sợ mẹ lo lắng, nhưng cuộc sống càng lúc càng trở nên ngột ngạt. Vài lần kêu ca với bạn bè, ai cũng mắng Hoài dại.

Thi thoảng, Hoài giật mình nhận ra quỹ thời gian dành cho hai con gái mình ngày càng ít; những việc nội trợ thì mất thời gian nhiều hơn; đêm đêm lại thức khuya hơn, lọ mọ viết lách kiếm thêm thu nhập… Hình như đã lâu Hoài quên mất việc bôi kem dưỡng da, cả ngày quay cuồng với bao nhiêu công việc. Hoài vẫn tự hỏi biết bao giờ mình mới thoát được cảnh này, có khi chưa kịp sống cho mình thì đã già…

Hoài đổ bệnh. Hôm ấy chị đang phơi quần áo trên sân thượng thì thấy đầu óc quay cuồng, ngã sõng soài ra đất. Hàng xóm có chị bác sĩ khá thân, chạy sang kiểm tra và tư vấn tỉ mỉ cho Hoài biết về hội chứng rối loạn tiền đình. Rằng, các triệu chứng này có thể trở đi trở lại bất cứ lúc nào vì nhiều lý do, cách phòng ngừa tốt nhất là sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Ngày hai lần chị bác sĩ còn đến tiêm Tanganil cho Hoài. Phải nằm mất mấy ngày Hoài mới gượng dậy được, chân tay rã rời cứ như mượn của người khác.

Gay roc, pho phac vi ganh nang nha chong
 

Nhà thiếu bàn tay chị đâm ra bừa bộn, nhếch nhác. Mở nắp nồi cơm thấy mốc vàng mốc xanh. Thùng rác đầy ắp những hộp cơm thừa. Hai đứa cháu đã 18, 19 tuổi mà để nhà cửa như thế thì đoảng quá. Hoài càng giận các cháu càng thấy thương thân mình. Chị lại lúi húi thu dọn nhưng sức lực như tan biến đâu hết, chị ngồi bệt xuống sàn nước mắt trào ra. Hai con gái vừa đi học về, thấy mẹ ngồi khóc cũng khóc theo. Rồi con gái lớn lăng xăng thu dọn…

Ngay lúc ấy Hoài xác định phải thay đổi, không thể cố gắng mãi theo cách này được nữa. Nếu chị tiếp tục cưu mang hai đứa cháu như vậy, chúng sẽ trở thành những người ích kỷ, thụ động, chỉ biết hưởng thụ. Chị sợ các cháu tổn thương nên chưa từng nặng lời, nhưng rồi chúng sẽ có gia đình riêng, cần phải biết lo toan, chia sẻ. Hoài điện thoại gọi chồng về. 

Tối hôm ấy là một cuộc họp gia đình. Nhìn vợ gầy rộc, nhà cửa bừa bộn, con gái lớn thút thít khóc, trong mắt con còn có cả sự oán hờn, anh giật mình. Trong cuộc họp, con gái lớn mới tám tuổi đã dõng dạc rằng sẽ kiếm tiền mua căn hộ khác đón mẹ và em ra ở riêng, để mấy mẹ con được sống như ngày trước. Chồng và mẹ chồng Hoài như bừng tỉnh.

Ngay hôm sau, anh tìm nhà trọ cho hai đứa cháu. Cũng đã quen với cuộc sống ở thành phố, chúng cần ra đời để va vấp mà khôn ra, cần tự chịu trách nhiệm về bản thân, có gì khó khăn anh chị sẽ hỗ trợ. Người xưa đã có câu 'Anh em kiến giả nhất phận'! Giờ thì anh đã nhận ra bấy lâu mình dồn lên vai vợ bao nhiêu gánh nặng, chỉ mải miết với các công trình xa. Nhìn vợ ngủ bình an bên cạnh, mặt vẫn hiện rõ vẻ phờ phạc, lòng anh trào lên bao thương cảm. Anh hiểu vợ đã chịu đựng quá lâu và tự nhủ sẽ bù đắp cho vợ thật nhiều. 

Hoàng Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI