Gái lấy chồng phải biết 'thủ tiền' phòng thân

16/02/2017 - 11:22

PNO - Có tiền mới tự tin. Phụ nữ giữ tiền cũng chỉ vì con cái, đó là chưa kể đôi khi còn mua cho cha mẹ mình đồng quà, tấm bánh.

Đến bây giờ, đã gần bốn mươi năm qua rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in lần cãi nhau giữa ba mẹ tôi về chuyện đầu tư tiền bạc. Trong gia đình, ba tôi là người làm ra tiền, mẹ tôi cả cuộc đời chỉ có một nghề duy nhất là nội trợ. Tiền kiếm được ba tôi đưa hết cho mẹ để chi dụng trong gia đình, ông chỉ giữ lại một ít chi tiêu riêng như thuốc lá, đổ xăng, ăn sáng, đãi bạn bè...

Gai lay chong phai biet 'thu tien' phong than
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tánh mẹ tôi tiết kiệm, bà cân đối thu chi rất vén khéo nên hầu như một thời tuổi nhỏ chúng tôi luôn được đầy đủ trong chừng mực phù hợp với tình hình gia đình. Một hôm, trong cơn ngái ngủ, tôi nghe ba và mẹ tranh cãi kịch liệt. Ba tôi muốn làm ăn với bạn bè bằng cách đóng cổ phần vào một ngân hàng để có được một chân trong hội đồng quản trị. Ba tôi biết mẹ dành dùm được nhiều vàng, ông đòi mẹ bán vàng đưa tiền cho ông. Mẹ tôi không đồng ý, nhưng bà cũng chỉ có một lý lẽ duy nhất là “sợ mẻ” tiền. Ý bà là, để vàng vẫn chắc ăn hơn!

Cuối cùng, ba tôi, với lập luận rất vững chắc, bởi số tiền đó do ông làm ra nên ông muốn đầu tư thế nào là quyền của ông, mẹ tôi chỉ có nhiệm vụ giữ tiền và bây giờ phải đưa tiền cho ba. Ngậm ngùi, mở tủ đưa ba tôi đem bán hết số vàng dành dụm bấy lâu. Sau đó mẹ giận ba tôi đến gần ba tháng (chưa kể lúc nào bà cũng thở dài thườn thượt vì trong nhà… không còn vàng!).

Sau năm 1975, các ngân hàng bị đóng cửa. Số tiền cổ phần của ba tôi trong ngân hàng bị đóng băng (sau này có nhận được một ít, không đáng kể). Ba tôi thất nghiệp. Từ một người quen chỉ huy người khác, suốt ngày ông ngồi hút thuốc hay ngáp vặt! Mẹ tôi thay ba, gánh vác gia đình. Bà mở một quán bán hàng tạp hoá ở nhà, giao ba nhiệm vụ coi hàng mỗi khi bà đi chợ hay đi lấy hàng. Gian hàng tạp hoá nhỏ xíu vậy mà cũng nuôi được ba anh em chúng tôi học đại học ở Sài Gòn thời bao cấp.

Anh trai ra trường, có công việc làm ở thành phố, rồi anh lập gia đình. Thấy vợ chồng anh sống trong căn phòng chật hẹp ở khu tập thể, mẹ bàn với ba tôi mua cho anh ngôi nhà. Tôi vẫn còn nhớ nét mặt căng thẳng của ba: “Tiền đâu mà mua?”. Lúc ấy mẹ tôi mới nói: “Em có tiền!”. Thì ra, qua bao sóng gió, mẹ tôi vẫn còn giữ một ít vàng từ hồi ba làm ra tiền. Mua nhà cho anh tôi xong, mẹ còn cho tôi một ít để ra riêng.

Sau này, mỗi khi nhớ lại những ngày đã qua ba tôi thường hay nhắc: “May mà hồi đó mẹ mày biết lo xa”. Còn mẹ tôi thì vẫn nói: “Nhiệm vụ giữ tiền là của phụ nữ. Giữ ở đây là giữ cho con cái, cho mai sau. Không phải lúc nào lý lẽ của chồng cũng đúng cho dù tiền đó là tiền do chính chồng làm ra”.

Kinh nghiệm thứ hai là của chị họ tôi. Trong gia đình, hầu như mọi chi tiêu chị đều cáng đáng. Chồng chị làm nghề tự do. Công bằng mà nói, thỉnh thoảng anh kiếm được những khoản tiền khá lớn và tiền đó anh sửa nhà, sắm xe, sắm tiện nghi trong gia đình… Quãng đời cực nhất của chị là thời gian xí nghiệp chị giải thể. Thất nghiệp, chị về mở hàng bánh canh trước nhà.

Gai lay chong phai biet 'thu tien' phong than
Ảnh minh họa. Nguồn: Interent

Nỗi cực nhọc ở đây không phải vì vất vả thức nửa đêm, dậy gà gáy mà là thái độ của anh. Anh cho đó là chuyện vặt, kiếm bạc lẻ; không những thế, anh còn đá thúng đụng nia mỗi khi không hài lòng điều gì đó, thỉnh thoảng anh lại mắng chị buôn bán vặt làm ôi mặt anh! Thế nhưng, không buôn bán thì làm gì? Ít ra, mỗi ngày chị cũng kiếm được tiền chợ cho bốn miệng ăn.

Gia đình anh chị cứ lục đục như vậy hoài, cao trào nhất khi chị biết tin anh có bồ. Việc gì đến đã đến. Sau năm năm chịu đựng, không chỉ cải vã mà đôi lúc chị còn bị anh đánh đến sưng mắt, sưng mặt, anh chị ra toà. Phân chia tài sản, anh lấy cái nhà, thối lại cho chị gọi là một nửa (với giá nhà rẻ mạt). Chị ra đi cùng với hai con (toà phân chia mỗi người nuôi một con, nhưng hai con không ai chịu theo bố).

Ngậm ngùi cầm số tiền ít ỏi chồng đưa, chị vay mượn thêm anh chị em mua một căn nhà nhỏ,  chỉ bằng 1/3 căn nhà cũ rồi lầm lũi nuôi hai con học xong đại học cũng bằng hàng bánh canh.

Giờ đây, con cái có công ăn việc làm ổn định, chị cũng đã thảnh thơi. Nhớ lại những ngày đã qua, chị nói: “Hồi đó chị không có tiền để giữ riêng, bao nhiêu tiền mình làm ra đều chi phí cho gia đình hết; cứ nghĩ ổng làm tiền nhiều, cần gì lớn có ổng đưa. Ra khỏi nhà gần như phải làm lại từ đầu”.

Kinh nghiệm của chị là phụ nữ phải thủ tiền, phải dành một khoản tiền riêng cho mình để phòng thân. Không có tiền mình nhút nhát lắm, chẳng dám quyết gì hết. Có tiền mới tự tin. Phụ nữ giữ tiền cũng chỉ vì con cái, đó là chưa kể đôi khi còn mua cho cha mẹ mình đồng quà, tấm bánh. Một thời ở với chồng, chị cứ phải lén lút dấm dúi cha mẹ tiền, cứ sợ chồng nói là lấy tiền của chồng đem về cho gia đình mình!

Cuộc sống đa dạng, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, và đôi lúc, trong nghịch cảnh, đồng tiền cũng là một cứu cánh cho phụ nữ phòng thân!

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI