Đóng tiền cơm tháng

17/09/2017 - 12:00

PNO - Lấy chồng tưởng thoát cảnh nhà trọ nào đâu giờ phải đóng tiền còn cao hơn khi còn độc thân!

Chị Hạnh Dung kính mến, 

Em lấy chồng được hơn một năm, chưa có con. Hiện em ở chung với nhà chồng, em có công việc, có thu nhập, nhưng gia đình chồng bắt đóng tiền hàng tháng, tiền cơm, tiền điện nước, tiền mua sắm vật dụng. Cứ vài bữa má chồng em lại hỏi có tiền không, cho má mượn đỡ. Mượn thì có, nhưng má không trả bao giờ. Tính ra, tiền em nộp mỗi tháng nhiều hơn tiền em ở trọ. Chồng em thì không có lương thường xuyên nên ảnh nói em đóng cho cả hai vợ chồng. 

Dong tien com thang
Ảnh minh họa

Nhiều khi em nghĩ, hồi xưa chưa lấy em, chồng em ở trong nhà cũng ăn xài như vậy, có đóng tiền đâu. Tự nhiên lấy em về, em phải đóng tiền cơm cho chồng em nữa! Lúc cưới em, gia đình em trả lại tiền nạp tài không lấy, lẽ ra ba má chồng em phải đưa bọn em sắm đồ cưới, đằng này má chồng em tự mượn luôn đến nay chẳng nói một lời. Chuyện tiền bạc đã rất chi li chặt chẽ, thỉnh thoảng má em còn gọi điện nói em mua thứ này thứ nọ, hay đi chợ nấu ăn đãi cả nhà cuối tuần, cũng là em bỏ tiền ra. 

Quá mệt mỏi, em bàn với chồng xin ba má cho ở riêng, tới đâu thì tới, em cũng còn được xài đồng tiền mình làm ra. Má không cho, lấy lý do chồng em là con trai út. Má chồng em là người hay ngồi lê đôi mách, nói chuyện thêm trước bỏ sau, kể với hàng xóm láng giềng là em ăn xài phung phí. Tuy giận, nhưng em vẫn ráng giữ miệng, chưa bao giờ lớn tiếng trả lời hỗn hào.

Em vẫn đang cố lơ cho qua mọi chuyện, nhưng chồng em quá trẻ con, sống dựa dẫm, không quyết được chuyện gì. Em chỉ mong anh ấy biết lo và chia sẻ khó khăn, cùng em dành dụm cho tương lai, nhưng không biết sao để anh thấy phải ra khỏi nhà thì mới lo được, chứ sống chung như vầy, em bức xúc lắm…

 Thu Hoàng (TP.HCM)

Em Thu Hoàng thân mến

Bức xúc chủ yếu của em là về chuyện tiền bạc. “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhất là tiền do mình mồ hôi nước mắt làm ra, ai chẳng xót. Nhưng nếu em không tập trung vô chuyện tiền, né tránh nó để giải quyết chuyện khác, Hạnh Dung e là chuyện khác cũng hỏng theo. Ví dụ, mình cứ khăng khăng đòi ra khỏi nhà, chưa ra được, mình bức xúc, có thể làm hỏng mối quan hệ với nhà chồng và ảnh hưởng luôn đến tình cảm của vợ chồng. Cứ xác định rằng mình còn ở trong nhà một thời gian nữa, thử tìm cách để chuyện tiền nong không làm cho mọi chuyện xấu đi, em nhé.

Dong tien com thang
Ảnh minh họa

Ví dụ, trước nay, má hỏi tiền, em đưa liền thì lần sau má sẽ hỏi tiếp. Người ta chỉ hỏi tiền đối với người mà người ta nghĩ là đang có tiền, còn biết không có, ai hỏi làm chi. Em cứ nói rõ với má, con làm một tháng được chừng này lương, nộp cho má các khoản chừng này, còn lại đổ xăng, ăn trưa, tiêu vặt, hết. Nếu trước rộng rãi quá, nay có thể nói lý do nào đó để cắt giảm, ví dụ công ty giảm lương.

Thời gian đầu có lẽ sẽ khó chịu, sau đó thì má cũng quen thôi. Tiền nào lương, tiền nào chồng em đưa, tiền nào đưa má, tiền nào chi dùng việc khác... em ghi sổ sách rõ ràng để chồng thấy rõ tình hình tiền bạc trong nhà, đồng thời cũng có thể thấy hằng tháng em đã nộp nhiều nộp ít thế nào. Chứ nếu chuyện má đã cầm của em bao nhiêu tiền mỗi tháng, em nói 10 đồng, má nói 6 đồng, tranh cãi mất lòng nhau.

Phụ nữ giỏi ở tài thu vén, nếu em bình tĩnh lại và rõ ràng mọi chuyện, em cũng thấy mình có thể có một khoản tiền để dành cho những việc lớn, việc riêng, em sẽ thoải mái hơn. Chúc em khéo léo cư xử để vượt qua giai đoạn khó khăn này.   

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI