Điều then chốt của hôn nhân: Trao nhau năng lượng tích cực

15/10/2017 - 09:00

PNO - Những tưởng không có gì nói với nhau là an, nhưng thực ra, cãi nhau đôi khi cũng là một kênh truyền thông hiệu quả. Phớt lờ nhau, phần ai nấy sống, lạnh lùng với nhau trong chính nhà mình sẽ gây sức tàn phá kinh khủng.

Người Nhật làm một thí nghiệm trên những cây nấm. Họ trồng ba cây nấm với cùng nhiệt độ, điều kiện sống, điều kiện chăm sóc như nhau. Với cây số một, ngày nào họ cũng nâng cây nấm lên, nói với nó những lời tiêu cực, rằng nó dở, xấu, nó không thông minh, không thể làm được việc gì, chỉ là đồ ăn bám… Với cây thứ hai, người ta chỉ nâng lên và bỏ xuống, không nói gì. Cây thứ ba, họ dịu dàng nâng lên mỗi ngày, nói những lời hay, khen nó xinh đẹp, thông minh, bảo rằng nó làm đúng và cứ tiếp tục như thế.

Ngày qua ngày. Đến khi nấm trưởng thành, kết quả thật bất ngờ. Cây thứ nhất héo úa, tơi tả, chực chờ gục ngã. Cây thứ hai phát triển bình thường. Còn cây thứ ba cao lớn khỏe khoắn, tươi xinh, sum suê, phát triển vượt bậc.

Dieu then chot cua hon nhan: Trao nhau nang luong tich cuc
 


Một thí nghiệm thứ hai về việc chuyển tải thông điệp yêu thương đến những hũ cơm. Người ta lấy một ít cơm, chia đều vào bốn hũ như nhau. Hũ thứ nhất dán những từ ngữ tốt đẹp như “tôi yêu bạn”, “hạnh phúc”… Hũ thứ hai dán chữ “đồ ngu”. Hũ thứ ba dán dòng chữ “bạn làm tôi tổn thương nhưng tôi tha thứ và luôn chúc lành cho bạn”. Hũ thứ tư không ghi gì cả. Sau vài ngày, cơm trong hũ thứ nhất trắng tinh, không có vết mốc. Cơm ở hũ “đồ ngu” hư thiu rất nhanh. Hũ thứ ba, tình trạng cơm vẫn tốt, gần bằng hũ thứ nhất, chỉ có một vài vết mốc. Hũ cuối cùng, không dán gì, tình trạng cơm cũng hư thiu, chỉ thua hũ thứ hai một chút. 

Hai câu chuyện về truyền tải ý nghĩ yêu thương và thù hận khiến chúng ta phải dừng lại, nghĩ suy. Cây cỏ, thức ăn còn như thế, con người sẽ thế nào?

Những tác động xấu ảnh hưởng đến hôn nhân

Sang là một kỹ sư xây dựng, mãi đến năm 38 tuổi anh mới lập gia đình. Lận đận trong công việc, anh lẹt đẹt là kỹ sư giám sát công trình, trong khi bạn bè đồng môn ào ạt thăng tiến. Lập gia đình muộn cũng vì chuyện này, Sang thấy mình chưa làm được cái gì ra hồn, chấp nhận mức lương đủ sống như thế. Đôi lần cũng muốn ra riêng, nhưng Sang lại sợ đủ điều. Khi có vợ, áp lực kinh tế càng nặng nề, làm tháng nào xài tháng đó, nhà thì ở chung với anh vợ.

Ngân, vợ Sang, mở miệng ra là bảo “anh quả là vô dụng”. Hôm nhà anh vợ có tiệc, Sang về muộn, chưa kịp ăn gì thì có người hỏi thăm công việc của anh. Ngân nhanh nhảu phán “ảnh thất nghiệp, muôn đời có làm được cái gì ra trò đâu”. Sang tâm sự, anh thấy mình ngày càng héo úa, sống trong suy nghĩ đó chẳng có gì hào hứng, không lấy gì làm vui. Những tưởng kết hôn, sẽ thêm người chia sẻ, hiểu và thông cảm với mình, đằng này lại tiếp tay nhấn chìm anh xuống mấp mé địa ngục.

Dieu then chot cua hon nhan: Trao nhau nang luong tich cuc
Ảnh: Internet

Sang nghĩ mình sai lầm khi cưới vợ ở tuổi này, ngày xưa một mình, chẳng có ai sỉ vả, thế lại hay. Sang giờ thiếu tự tin, không còn là anh kỹ sư đàn hay hát giỏi nức tiếng ngày xưa. Anh như cây nấm thứ nhất trong thí nghiệm của người Nhật, ngày nào cũng phải nghe những lời tệ hại nên có lẽ Sang tin rằng mình thực sự dở, không làm nên trò trống gì. 

Hôn nhân hạnh phúc cần rất nhiều yếu tố. Nhưng hôn nhân bất hạnh đôi khi chỉ cần một yếu tố nhỏ, bản thân người trong cuộc lại không thèm lưu tâm. Việc khen chê bạn đời của mình là một nghệ thuật sống. Như việc người ta trồng cho mình những cây nấm hay làm những hũ chứa cơm.

Cô Vũ Nga là một nhà báo về hưu, sống một mình. Lâu lâu hồi tưởng lại nguyên nhân thất bại của đời sống hôn nhân, cô vẫn cho rằng, lý do lớn nhất là vợ chồng không nói chuyện gì với nhau, như chuyện cây nấm thứ hai, chuyện của hũ cơm thứ ba. Cây nấm vẫn lớn lên, bình thường nhưng không có gì đặc biệt. Hũ cơm vẫn bị hôi thiu dù chẳng ai nói gì đến mình.

Hôn nhân cũng vậy, những tưởng không có gì nói với nhau là an, nhưng thực ra, cãi nhau đôi khi cũng là một kênh truyền thông hiệu quả. Phớt lờ nhau, phần ai nấy sống, lạnh lùng với nhau trong chính nhà mình sẽ gây sức tàn phá kinh khủng.

Những lời yêu thương nuôi dưỡng hôn nhân

Hình ảnh bạn dễ gặp nhất là cảnh vợ chồng ngồi cùng nhau trong quán cà phê, mỗi người một chiếc điện thoại và cắm đầu vào đấy. Kịch bản chung ai cũng từng hình dung là vài năm sau, khi qua cơn mặn nồng, họ sẽ giống những người bạn cùng nhà, yên lặng nhìn nhau, tự hỏi mình có hạnh phúc không?

Dieu then chot cua hon nhan: Trao nhau nang luong tich cuc
Ảnh: Internet

Vợ chồng chị Phương (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) đôi khi vẫn bị hàng xóm cười, kháo nhau rằng nhà đó sến lắm. Vì anh Thường, chồng chị, hầu như lúc nào cũng khen vợ mình. Anh bảo con gái mình là hãy “thần tượng mẹ nè, mẹ con rất giỏi”. “Món này mẹ nấu là ngon nhất Sài Gòn”, anh vẫn đùa như thế với vợ. Lâu lâu biết chị lo lắng về cân nặng của mình, anh lại nói “em mặc bộ này nhìn ốm đi mất ký ấy nhỉ”, rồi khen vợ cắt kiểu tóc này nhìn trẻ hơn. Chị Phương kể mình vui lắm, vì biết chưa phải là người nấu ăn ngon nhất, nhưng thích nấu vì chắc chồng ăn ngon miệng những món chị làm. 

Anh Thường bảo rằng, nói với nhau lời yêu thương không nhất thiết phải là “yêu em”, mà là những điều tích cực. Nhìn một người phụ nữ sẽ biết họ có được sống trong ngôi nhà nhiều năng lượng hay không. Họ vui tươi, thong dong, tràn đầy nhiệt huyết, là họ đang hạnh phúc. Những người đang sống như cây nấm thứ ba, chẳng bao giờ nghe được một lời yêu thương, sẽ nhàu nhĩ, buồn lo, tối tăm mù mịt. Bản thân những người ấy cũng sẽ không bao giờ nói được một lời yêu thương với người khác.

Năng lượng tích cực trong hôn nhân thực sự rất cần thiết. Hình dung một sáng thức dậy, chồng nói “sáng nay nhìn vợ xinh quá”, thì cả ngày hôm ấy bỗng dưng vợ tin mình đẹp thật. Nét tươi vui, hạnh phúc sẽ bừng lên sáng ngời trên khuôn mặt người vợ. Hay một bữa nào đó, chồng thay cái đèn phòng tắm, vợ vu vơ bảo “nhà không có anh thì tối tăm mãi thôi”, có lẽ chồng sẽ vui đến mấy ngày. Năng lượng giống như tài khoản ngân hàng, nó chỉ còn hoạt động khi ta cứ liên tục nạp thêm tiền vào. Nếu hôn nhân chỉ toàn những điều tiêu cực, nghe những lời tiêu cực, nói những lời không vui thì cũng như tài khoản, sẽ đến hồi cạn kiệt, trống rỗng. 

John Mordechai Gottman, nhà tâm lý học được biết đến với các công trình về sự ổn định hôn nhân và phân tích mối quan hệ thông qua các quan sát khoa học trực tiếp, đã phát biểu “cặp đôi tích cực" khác “cặp đôi tiêu cực" ở chỗ, các cặp tích cực truyền cho nhau mọi cảm xúc trên dải cảm xúc, từ giận dữ, khó chịu, thất vọng và tổn thương cho đến yêu thương và tôn trọng. Dù đang tranh cãi về vấn đề gì thì họ cũng vẫn gửi đi thông điệp rằng: đối phương được yêu thương và được chấp nhận”.

Đó phải chăng là điều then chốt nhất của hôn nhân: trao nhau những nguồn năng lượng tích cực.

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI