Xúc động tiết dạy văn khiến học trò bật khóc

05/04/2017 - 14:04

PNO - Thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh cùng các học sinh lớp 10A2 trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đã “hô biến” tiết học thành một “talk show” mang tên "Kiếp đá". Tiết học khiến nhiều học sinh bật khóc.

Talkshow "Kiếp đá" lấy cảm hừng từ ba tác phẩm Chinh phụ ngâm, Dạ cổ hoài lang, Hòn vọng phu.

Lớp học với ánh đèn dầu và Dạ cổ hoài lang

Vẫn trong không gian của phòng học thường ngày, nhưng hôm ấy trở nên mộng mị khi chỉ có ánh sáng lóe lên từ ngọn đèn dầu bé xíu, những khúc nhạc không lời khơi gợi cảm xúc vang lên, những câu chuyện được kể, những cảm xúc được sẻ chia.

Trên mỗi bức treo những bài viết cảm nhận của học sinh được thiết kế như những tờ báo trong thời chiến. Sự cộng hưởng của âm nhạc réo rắc, không gian hoài niệm đã đẩy cảm xúc người học lên cao. Ánh đèn dầu le lói như đưa người học trở về quá khứ, chứng kiến số phận bi thương của những người phụ nữ trong chiến tranh, mất mát và đau thương.

Căn phòng học hằng ngày bỗng chốc vỡ òa những tiếng nấc nghẹn khi em Mỹ Tâm hát đầy xúc động ca khúc Dạ cổ hoài lang. Em chia sẻ: “Em không nghĩ một ngọn đèn nhỏ bé lại mang lại nhiều cảm xúc khác lạ đến vậy”.

Xuc dong tiet day van khien hoc tro bat khoc
Thầy và trò cùng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong tiết học văn đầy sáng tạo

Ý tưởng tạo nên một tiết học để học sinh nhớ mãi được thầy giáo dạy ngữ văn Đỗ Đức Anh ấp ủ từ lâu và bất đầu triển khai cho học sinh từ cuối tháng 3. Tiết học rơi vào đúng giai đoạn nước rút ôn tập học kỳ 2 nên thời gian để thực hiện vô cùng khan hiếm. Với quyết tâm cùng nhau tạo ra cái mới, thầy và trò mày mò thực hiện từng khâu một, dù đó là ngày nghỉ cuối tuần hay cao điểm ôn thi.

Ngay từ câu gợi mở trên tấm poster đã thu hút người học hiểu được phần nào nỗi thương chờ vô vọng của những người phụ nữ trong thời chiến: “Em chờ anh buồn đau hơn kiếp đá”. Đề tài biệt ly trong văn học vốn quen thuộc nhưng để các em học sinh lớp 10 thấu cảm được quả là không dễ.

Thầy Đức Anh chia sẻ: “Chọn cách này để học sinh tiếp cận bài học mà vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, gần gũi như thưởng thức một chương trình nghệ thuật chứ không cưỡng ép kiến thức vô đầu các em bằng giảng bình truyền thống”.

Xuc dong tiet day van khien hoc tro bat khoc
Tiết học có Poster bắt mắt do chính học sinh làm

Chương trình có nhiều phần: trò chơi; trao đổi kiến thức trên bàn tròn văn học, đọc ngâm thơ về đề tài vợ lính; hát Dạ cổ hoài lang; chia sẻ những cánh thư hay… tất cả đều tự tay học sinh thực hiện. Điều khiến tiết học thú vị là học sinh trao đổi như cuộc trò chuyện chứ không phải kiểu thuyết trình kiến thức khô khan. Giáo viên chỉ đóng vai trò là cố vấn của tiết học và tham gia với tư cách như một người học cùng xây dựng và trò chuyện với học sinh. Điều đó tạo nên sự gần gũi nhẹ nhàng.

Hết những giây phút rôm rả, ở “Kiếp đá” thi thoảng lại bắt gặp những gương mặt khẽ cúi xuống che đôi mắt rưng lệ khi nghe thầy đọc nhưng câu thơ về cảnh chia biệt “Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” hay “Anh đang ở trong niềm thương nhớ của em”. Một tiết học chạm vào niềm cảm xúc của các em học sinh như thế, quả là không nhiều. Mang kiến thức thì dễ nhưng để lại những rung cảm thẳm sâu trong trái tim của các em học sinh mới là điều cần làm của người dạy văn.

Cần nhiều hơn sự sáng tạo trong dạy và học

Để có được tiết học này, hẳn nhiên cả thầy và trò đã không chỉ dừng lại ở một đoạn trích nhỏ trong sách giáo khoa. Cả một chủ đề lớn của văn học được đem ra bàn tròn. Em Vương Nghĩa, học sinh lớp 10A2 đã tự tay biên soạn và tổng hợp thành sách toàn bộ những bài viết của chương trình.

“Khi làm chương trình này, em bắt buộc phải tìm hiểu nhiều tác phẩm khác ngoài đoạn trích trong chương trình sách giáo khoa. húng em còn được tạo cơ hội để nhìn ngắm và suy ngẫm lại cả những điều đã cũ – những tác phẩm mà mình đã đọc, đã nghe từ tấm bé. Hơn hết, em còn được thực hành cả những kĩ năng như kĩ năng biên tập, kỹ năng làm báo, phỏng vấn”, Nghĩa hào hứng kể.

Ngoài mang đến kiến thức, việc tự tay thực hiện những tiết học thế này còn giúp học sinh rèn các kỹ năng khác. Đôi khi những kĩ năng ấy chỉ được đào tạo chuyên biệt trong các trường đại học thì các em học sinh phổ thông đã được giới thiệu và tạo cơ hội thực hành.

Đã từ lâu, người ta nói nhiều đến việc đổi mới trong giảng dạy nhưng việc dạy văn hiện nay ở nhiều trường phổ thông vẫn bị rơi vào lối mòn, dẫn đến tâm lí “chán văn” của học sinh. Nhiều giáo viên cũng đã nỗ lực đổi mới nhưng nếu ví sự đổi mới này như một làn gió thì những tiết học như kiểu của thầy Đỗ Đức Anh và các em học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân thực sự đã thổi một làn gió mát lành đến những tâm hồn học sinh. Dẫu vậy, dường như cơn gió này còn chưa đủ mạnh để lan toả rộng rãi. Nên chăng, cần nhân rộng những tiết dạy và học sáng tạo như thế này để khu vườn văn chương đón thêm nhiều du khách ghé thăm và ở lại.

Cô Đặng Thị Sang, giáo sinh môn ngữ văn chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được tham dự một tiết học văn ấn tượng đến thế. Ấn tượng bởi vì nó để lại trong tôi rất nhiều cung bậc khác nhau, một bữa tiệc cảm xúc ngọt ngào. Tôi nghĩ, nhiều giáo viên, giáo sinh tham dự tiết học này sẽ có có cảm xúc giống tôi, lúc hào hứng, lúc suy tư, lúc lại chìm đắm với những dòng thơ do chính học sinh sáng tác và cũng rất bất ngờ trước khả năng của học sinh. Tôi thấy những tiết học như thế này thật sự bổ ích, bởi nó đem đến cho học sinh cơ hội được nói, được thể hiện cảm xúc và khả năng của mình. Đối với người giảng dạy văn, tôi nghĩ cần đưa phương pháp dạy học thực tế để làm mới việc dạy học văn, mang lại sự cảm thụ thực sự cho người học, khuyến khích các em cảm nhận, bày tỏ cảm xúc và từ đó tích lũy kiến thức cho chính mình.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Việc đổi mới cách giảng dạy, dạy học theo dự án như những tiết học văn nêu trên đang được nhà trường triển khai sang những môn học khác. Học sinh thích cái gì mới nên rất hứng thú, hiệu quả tiếp thu cũng khác hẳn. Chúng tôi còn thiết kế tiết đọc sách với chủ đề "hẹn hò cùng sách" để khuyến khích các em siêng đọc sách một cách chủ động. Ban đầu là những quyển sách văn học sau đó mở rộng ra các loại sách, phim tài liệu về khoa học”.

Túc Mạch

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI