Địa phương lúng túng khi nội bộ các trường lục đục

24/04/2015 - 18:31

PNO - PN - Ngày 23/4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị sơ kết bốn năm thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Sau bốn năm, UBND các tỉnh, thành được giao quản lý các trường đại học, cao...

Theo ông Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở GD-ĐT được phân cấp quản lý, đã kiểm tra thực tế đội ngũ giảng viên, trang thiết bị để mở 60 ngành hệ CĐ, 127 ngành bậc ĐH, 53 ngành trình độ thạc sĩ và 16 ngành trình độ tiến sĩ.

Sở cũng tham mưu cho UBND TP.HCM công nhận chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng cho năm trường ĐH tư thục; ra quyết định công nhận hội đồng quản trị của tám trường CĐ và 24 trường trung cấp chuyên nghiệp. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, công tác quản lý các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) tại TP.HCM gặp nhiều lúng túng, nhất là khi xảy ra tranh chấp nội bộ tại các trường, ảnh hưởng quyền lợi người học và gây bất ổn cho tình hình chung.

Ở một số trường ĐH-CĐ NCL xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa các nhà đầu tư, không tổ chức được đại hội cổ đông vì hội đồng quản trị và hiệu trưởng không thống nhất được việc sử dụng vốn…

Nguyên nhân được lý giải do các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH chưa đầy đủ, chưa dự liệu những bất cập phát sinh trong tổ chức, tài chính, hoạt động của các trường ĐH-CĐ để điều chỉnh. Nội dung phân cấp quản lý nhà nước đối với các trường ĐH-CĐ cho UBND cấp tỉnh chưa đầy đủ, đồng thời năng lực quản lý của chính quyền các địa phương đối với các trường ĐH-CĐ cũng còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý.

Nhiều đại biểu đề xuất Chính phủ, Bộ GD-ĐT nên sớm có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH để địa phương có đủ cơ sở pháp lý làm việc, tránh những lùm xùm tranh chấp nội bộ, cũng như có cơ sở pháp lý để giải quyết kịp thời những vụ nội bộ trường “choảng” nhau.

GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI