Con em sẽ gọi anh là cha, nếu em không chê anh nghèo

01/01/2018 - 15:36

PNO - Hồi đó, duy nhất một lần tui hỏi về cha, má tui đâu trả lời, má tui hát vầy nè: “se sẻ nó đẻ mái đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi”.

Bận đám sẻ thôi làm tổ trên mấy ngọn cau mà chuyển qua mái đình, ấy là cái năm Thìn mưa bão triền miên. Lũ về, đánh dạt mấy gốc bần, rã nát dề lục bình. Con sông Rãi Quạt sạt lở nghiêm trọng. Mấy chục nhà nằm ngay mép bờ, chuồi xuống sông theo từng đợt sóng. Cái đình làng cũng bị gió quật xiêu vẹo xơ xác. 

Con em se goi anh la cha, neu em khong che anh ngheo
 

Giữa sớm tinh mơ ngày bão tan, lấp ló đầu đình một con nhỏ mặc bà ba tím hoa cà, quần lãnh Mỹ A đen tuyền, run rẩy nước mắt vắn dài. Thầy Năm Tú thương cảm theo câu chuyện con nhỏ than khóc phận đời chìm nổi long đong. Thì thôi cũng thêm bát đũa cơm cháo qua ngày, biết đâu duyên số con nhỏ dạt theo bão táp phong ba mà về nương náu cái đình này. 

Nhưng con nhỏ phần nữ nhi, đình làng nào giờ chỉ một mình thầy Năm Tú, e chẳng tiện. Thầy thu xếp một chái nhỏ phía sau gian bếp cho nó tá túc. Dặn dò cẩn thận ai ron ren hỏi tới hỏi lui thì nói là cháu thầy miệt Hồng Ngự lên phụ đỡ lúc ương yếu bệnh hoạn. 

Mùng Tám - thằng con trai hoang của làng, là đứa đầu tiên phát hiện Út Thà trong đình, bữa nó trèo lên sửa mái ngói giùm thầy Năm Tú. Nó thấy bóng người nhỏ nhắn, nước da trắng ngần, tóc dài mướt rượt trong bộ đồ lam thùng thình, đang ngồi lên thụp xuống nhóm củi sau chái bếp. 

Trời trưa đổ nắng, đám sẻ háu đói ríu rít gọi bầy ỏm tỏi phía góc mái, vang động không gian tĩnh lặng. Mùng Tám chuyền qua cây sa la cạnh đình, tót xuống, phủi bụi tay chân, rồi chui thẳng vào bếp.

- Cô gì đó ơi, tui đói rồi, hồi sáng trước khi lên huyện thầy nói đói thì chui xuống bếp.

Thằng con trai vừa hơn hai mươi, thân hình sạm đen theo từng mùa nắng đồng, tay chân chai sần theo từng nhịp chèo mỗi bận lớn ròng con nước, nhìn lấy nhìn để đứa con gái đang lui cui bày biện đồ ăn. 

- Dạ thầy có dặn, con mần sẵn mâm cơm mời chú dùng trưa.

Dứt lời con nhỏ khuất liền sau cái chái bếp, bỏ thằng con trai ngẩn ngơ với mớ bòng bong câu hỏi. 

Con em se goi anh la cha, neu em khong che anh ngheo
 

Hằng ngày Út Thà lau chùi quét dọn kỹ càng từ trong ra ngoài, cơm nước vườn tược cũng một tay nó vén khéo chu toàn. Bận mấy bà mấy dì đon đả hỏi han, nó cứ y lời thầy mà thưa, tuyệt không hề thêm bớt. Cứ vậy mà nó tá túc cũng ngót nghét hơn hai tháng.

Đám choai choai trai tráng của làng, thỉnh thoảng ghé đình, dòm tới ngó lui, nhưng rồi gặp thầy Năm Tú, cả đám cong đuôi bỏ chạy. Mỗi thằng Mùng Tám là có dịp gặp gỡ Út Thà nhiều nhất. Mà nói chi cái chữ nhiều, thằng Mùng Tám lại ức dạ. Gặp bận nào cũng chỉ một câu rồi con nhỏ trốn biệt:

- Dạ chú để mớ dây lạc trên bàn, chiều con gói bánh.

- Dạ, thầy nhờ chú đem mớ sen về cúng bà Bảy, má ông trưởng làng.

“Dạ” thì con nhỏ lần nào cũng dạ, mà “chú” thì con nhỏ lần nào cũng chú, rồi khuất liền sau cái chái bếp. Mà hông lẽ “cô Út quên luôn từ chú giùm cho tui nhờ, chớ tui mới có hơn hai mươi à cô Út”. Mùng Tám có kịp nói đâu, lần nào cũng định bụng sẽ nói câu này, nhưng hễ nhìn đôi mắt rười rượi buồn đó, nó chùng lòng, im luôn suốt buổi. 

Mùng Tám không có cha, chính xác thì cả cái làng này không ai biết cha nó. Má nó chửa hoang. Ngoại nó thương con gái nhưng vì dòng họ theo nghề giáo nên đành cắt đất, cất chòi phía ruộng cho má nó tự sinh tự sống. Thỉnh thoảng bà lén ông ngoại, đêm hôm khuya lắc lội ruộng dấm dúi cho má nó ít tiền, mớ đồ này đồ nọ mà xài, chỉ vậy thôi, thương con thiệt thòi, nhưng lỡ lầm này họ tộc đâu ai dám cưu mang. 

Thằng Mùng Tám đẻ nhằm ngày Sao Hội, ngày kỵ, nên quặt quẹo, ốm yếu khó nuôi, khóc dạ đề suốt trong tháng. Làng bảo nó khắc tinh từ trong bụng, lại càng xa lánh má con nó. Thầy Năm Tú nghe chuyện, xin nó về đình, đặt tên Đức, lót thêm chữ Phước. Thầy nói với má nó, coi vậy mà thằng nhỏ sẽ lớn khôn, nhân tánh thiện lương nghen!

Rồi má Mùng Tám mất đúng lúc nó cúng đốt mười hai tuổi, vậy là xong cái căn số của má nó. Mùng Tám không hiểu sao mình chẳng khóc khi thấy ông ngoại qua viếng má nó, cũng là qua nhìn một lần rồi về. Hận nào dữ thần vậy trời, má nó mãn phần rồi, không lẽ bấy nhiêu năm dằn vặt thế, chưa đủ xá tội sao. Chắc ngoại không biết, má nó thương nhớ ngoại lắm đó đa. Lời cuối cùng má nó dặn, là tết nào cũng phải qua nhà ngoại lạy nghen con!

Ông trưởng làng đùng đùng giục người kéo lên đình, làm cho rõ chuyện con Út Thà bụng chửa lum lúp. Mấy bà, mấy dì ngoài chợ rần trời con Út Thà chửa hoang từ trước khi về làng nương nhờ ở đình. Thằng Mùng Tám cũng chạy theo sau bén gót, trong lòng nóng ran.

- Làng biết Thầy lòng dạ tốt lành, thanh trong, nhưng sao con Út Thà về làng có được bao nhiêu lâu đâu, giờ cái bụng to đùng đùng. Lời dị nghị truyền từ đầu trên xóm dưới, lan qua làng khác. Thầy biểu tui ăn nói sao?

Thầy Năm Tú nhìn rảo khắp đình, những gương mặt chai sạn theo thời gian, có phúc hậu, có đanh đá, có chua ngoa, có bao dung và chắc cũng có yêu thương mà. Đời đãi bôi nhau vậy thôi, chứ tận cùng tuổi này, heo may xế bóng, không lẽ cái tình của con người với nhau không đậm đà theo tuổi đời. 

Thầy nghĩ ngợi đôi chút, rồi đứng lên thắp vài nén nhang cho tiền nhân, đoạn chậm rãi bộc bạch.

Cọp chết để da con người ta chết để tiếng, làng mình nào giờ đôn hậu bao dung, chuyện con Út Thà là phận đời bạc bẽo, xuôi dòng quá duyên đình làng mình, ai đời muốn số phận mình hẩm hiu, nhưng cái chuyện phước phần đâu thể nói trước, chẳng là lầm lỡ thì cũng xui rủi kiếp người, đoạn trường mình ên nó chịu, mình chỉ là che chở tạo phước cho làng, nó biệt xứ không chốn dung dưỡng, mình cưu mang một mạng người bằng xây bảy tháp phù đồ, huống hồ làng mình còn nhớ chuyện má thằng Mùng Tám không, chắc ông trưởng làng đâu muốn thêm một đứa trẻ cù bơ cù bất sống thiếu tình thương, không có cha. 

Ông trưởng làng đau đáu ruột gan. Đoạn khẽ khàng đứng lên giãi bày. Thôi thì cùng là kiếp người với nhau, làng mình vốn phồn thịnh, đôn hậu, nên cứ để thầy Năm Tú liệu bề toan tính. Việc nhân nghĩa cốt hợp lòng dân. Làng mình lấy chữ nhân làm gốc mà sống. Vậy nên cũng từ chữ nhân mà bao dung như bao đời tổ tiên.

Mọi người lại dáo dác ra về, đôi lời xì xào nho nhỏ.

Đêm tĩnh mịch, chỉ có vài tiếng gió lùa qua từng tán lá cau. 

Nhưng chẳng ai hay, dưới gốc cây sa la bên hông mái đình, Mùng Tám lặng lẽ xòe tay hứng từng đóa hoa rơi. Thầy Năm Tú từng dạy, sa la là hoa hiếu hạnh, tinh anh của trời đất, ai mà hứng được thì nguyện ước sẽ viên mãn.

Nó cứ ngồi dưới gốc cây, mặc sương đêm mờ cả hai mắt. Đôi tay vẫn xòe ra thật rộng, tựa thể sợ không hứng trọn đóa sa la. Út Thà ơi Út Thà, đời má nó nghiệt ngã lắm, Út Thà đừng như vậy nha. Tự dưng Mùng Tám thấy tim mình đau. Đau lắm. 

Bận thằng Mùng Tám ngồi ngoài sân đình, đóng cái giường tre cho Út Thà, nó ngửa mặt theo từng cánh chim bay. Tụi sẻ nó bay đi đâu thì chạng vạng sẩm tối cũng tụ về tổ trên mái đình.

Thằng Mùng Tám quanh quẩn đi đâu mần thuê mần mướn, thì chiều chiều thể nào cũng ghé đình, dúi vào tay Út Thà hết thứ này đến thứ nọ. Khi cái bánh, khi hộp sữa, lúc lại bộ quần áo trẻ con. Có nhiêu tiền nó mua đồ hết. Nó có đói thì ghé chái bếp của đình, Út Thà lúc nào cũng để dành cơm cho nó. Quần áo nó rách thì Út Thà vá cho. 

Con em se goi anh la cha, neu em khong che anh ngheo
 

Bữa giỗ má nó, Út Thà phụ nấu mâm cơm cúng. Nó thắp hương mà khấn, má chịu hông, cơm của con dâu má nấu đó. Mà chắc má nó chịu rồi, nên đêm đó, Mùng tám nằm mơ thấy má dẫn nó lên đình, má mặc áo dài màu nâu hiền ơi là hiền, hình như trong giấc mơ Út Thà cười với nó.

Mùng Tám đóng cái giường mất ngót ba ngày là xong. Út Thà biết hông, hồi đó, duy nhất một lần tui hỏi về cha, má tui đâu trả lời, má tui hát vầy nè: “se sẻ nó đẻ mái đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi”.

Cái giường này tui lỡ tay đóng theo ni của phòng tui. Giờ đóng lại hết được rồi. Nếu không chê tui cù bơ cù bất, thì ưng về nhà tui nha, con Út Thà kêu tui bằng cha, tui sẽ hát nó nghe câu hát mà má tui từng dạy. 

Câu hát buồn vậy mà rót vào buổi chiều êm ả thanh âm bình yên đến lạ. 

 Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI