Kịch cùng bolero: kịch đủ, boléro thiếu

24/07/2018 - 17:30

PNO - Sau 3 tập phát sóng, chương trình 'Kịch cùng boléro' mùa thứ hai vẫn chưa làm thỏa lòng người hâm mộ dòng nhạc boléro.

Là game show truyền hình đầu tiên có sự kết hợp giữa nghệ thuật kịch nói với dòng nhạc boléro ở Việt Nam, Kịch cùng boléro được kỳ vọng sẽ mang đến những màu sắc thú vị cho khán giả qua việc lồng ghép và đưa nhiều tác phẩm nhạc boléro vào những vở kịch thuần Việt.

Thế nhưng, trải qua mùa phát sóng đầu tiên và sau 3 tập ra mắt công chúng ở mùa thứ hai, "món ăn" mới lạ trong thời điểm bão hòa game show vẫn chưa thật sự làm thỏa lòng người xem.

Kich cung bolero: kich du, bolero thieu
Tiết mục Biển rộng trời cao của đạo diễn trẻ Minh Tuấn

Dù đứng song hành cùng kịch trong tên gọi của chương trình, những gì mà các đạo diễn thể hiện qua hơn một mùa phát sóng đã khiến khán giả yêu mến nhạc boléro cảm thấy hụt hẫng khi không được thỏa phần nghe.

Trước đó, nhà sản xuất Kịch cùng boléro từng chia sẻ rằng, điều mà ban tổ chức muốn hướng đến là mang lại cho khán giả những cảm xúc đặc biệt khi thưởng thức hình thức nghệ thuật kịch nói được hòa cùng những giai điệu boléro. Và để có một tiết mục hoàn chỉnh, phần kịch sẽ được đạo diễn lên kịch bản, dàn dựng trước, sau đó mới chọn nhạc boléro phù hợp để đưa vào tác phẩm, tạo điểm nhấn cho người xem.

Đến nay, công bằng mà nói, Kịch cùng boléro đã mang đến cho khán giả nhiều tác phẩm kịch nói hấp dẫn, đa dạng về hình thức lẫn nội dung, nhưng vẫn thiếu dấu ấn của boléro trong âm nhạc. 

Ở tập 3 - Kịch cùng boléro mùa thứ hai, tiểu phẩm của đạo diễn Minh Tuấn mang tên Biển rộng trời cao chỉ sử dụng các bài hát Mẹ tôi (sáng tác: Trần Tiến), Nhật ký đời tôi (sáng tác: Thanh Sơn), Phượng hồng (thơ: Đỗ Trung Quân, nhạc: Vũ Hoàng).

Kich cung bolero: kich du, bolero thieu
NSƯT Công Ninh

Có thể thấy, trong ba tác phẩm, duy nhất ca khúc Nhật ký đời tôi là nhạc boléro. Giám khảo - NSƯT Công Ninh tiếc nuối nhận xét: "Những bài hát em đưa vào tiết mục rất hợp lý, mang đến cảm xúc mạnh với khán giả, nhưng gần như em không sử dụng nhạc boléro trong tác phẩm này. Tôi nghĩ nếu đưa các ca khúc boléro vào tiết mục thì khán giả sẽ còn thổn thức nhiều hơn nữa".

Hay trong tiểu phẩm Trời sa mưa giông, đạo diễn Minh Tuấn cũng chỉ đưa vào hai bài hát boléro trong số bốn ca khúc của vở kịch. Không riêng gì Minh Tuấn, nhiều đạo diễn ở cả hai mùa đã không sử dụng hoàn toàn nhạc boléro trong tác phẩm. Nếu đạo diễn Ngọc Duyên là người lồng ghép tinh tế nhiều bài hát boléro nhất thì Xuân Trang là đạo diễn ít sử dụng nhạc boléro hơn cả ở chương trình mùa đầu tiên. 

Bên cạnh sự thiếu hụt về mặt âm nhạc, người xem cũng chưa cảm nhận rõ vai trò tạo điểm nhấn của boléro trong chương trình này. Bởi, nhiều đạo diễn sử dụng ca khúc không hợp lý, những bài hát không thuộc nhạc boléro để đưa vào vở kịch đã không tạo được sự kết nối giữa boléro với kịch.

Như trường hợp của đạo diễn Bảo Châu dùng ca khúc Linh hồn tượng đá (sáng tác: Mai Bích Dung) để kết tiểu phẩm Tấm lòng son ở tập 2 Kịch cùng boléro 2018, khiến các giám khảo tranh cãi.

Kich cung bolero: kich du, bolero thieu
Tiểu phẩm Tấm lòng son của đạo diễn Bảo Châu

NSƯT Công Ninh cho rằng những bài hát đạo diễn Bảo Châu đưa vào kịch không phù hợp do bản phối của ca khúc không nhất quán với màu sắc âm nhạc của cả tác phẩm. Đồng tình với ý kiến đó, NSƯT Hữu Quốc nhận định: "Ca từ ca khúc Linh hồn tượng đá đặt vào tiết mục phù hợp nhưng bài phối lại không phù hợp nên thấy sượng".

Lý giải về sự thiếu hụt boléro trong phần âm nhạc của chương trình, đại diện ban tổ chức Kịch cùng boléro cho biết: "Chương trình không hoàn toàn chỉ sử dụng nhạc boléro. Vẫn có các bài hát thuộc dòng nhạc khác đan xen. Ban tổ chức cũng không bắt buộc thí sinh phải sử dụng hết nhạc boléro trong tác phẩm, bởi nó còn phụ thuộc vào tình huống, nội dung kịch. Đôi khi, việc đưa ca khúc boléro vào tình huống kịch lại không phù hợp, bị khiên cưỡng, nên đạo diễn phải lồng ghép thêm bài hát ở thể loại nhạc khác".

Dẫu vậy, game show này vẫn được xác định là sự kết hợp kịch cùng nhạc boléro. Công chúng có quyền trông chờ nhiều hơn nữa sự hiện diện của những bài hát boléro trong các tác phẩm kịch có thời lượng 20 phút.

Quang Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI