Đàn bà xem việc trở thành 'siêu nhân nội trợ' là bổn phận của đời mình

14/03/2017 - 06:30

PNO - Còn gì nặng nề hơn cho một người phụ nữ bằng cái nhận xét, căn nhà của họ 'nhìn như không có phụ nữ'? Thế còn người chồng và tất cả những người ông chồng khác đang ở đâu?

1. Chiếc xe đạp cà tàng chỉ còn trơ cái khung bạc màu của chị khuất dần vào bóng đêm. Người ta còn thấy được bóng dáng chiếc xe là nhờ ở vị trí của chiếc yên sau đang lắc lư một cái máy giặt cồng kềnh còn nguyên trong thùng. Chị cong người cố đạp dấn tới, tay ghìm chặt cái ghi đông đang loạng choạng. Chiếc xe lảo đảo, ngã nhào. Chị gồng mình đỡ lại nhưng bánh trước đã hổng lên khỏi mặt đất, chiếc xe đổ ập sang một bên. 8g tối. Đường quốc lộ vắng tanh. Chị dáo dác trước sau trong khi vẫn gồng mình cố đỡ chiếc xe. Thấy chúng tôi đi ngang, rồi dừng lại bên cạnh, chị cười cười với vẻ ngượng ngùng, ái ngại.

Dan ba xem viec tro thanh 'sieu nhan noi tro' la bon phan cua doi minh
 

- Sao chị không để cửa hàng giao về nhà? - bạn tôi vừa đỡ giúp chị cái máy giặt lên, vừa hỏi. Chị chỉ cười khổ, loay hoay mở sợi dây để ràng lại cái máy giặt đang nằm nửa trên nửa dưới. Thêm một người đàn ông đi bộ ngược chiều dừng lại phụ một tay. Họ có vẻ quen biết. Chị càng như lúng túng gấp bội. Ở đây, dường như người ta chỉ cần đi ngang con đường nào đó mỗi ngày thì xem như đã có quen biết với người dân trên quãng đường đó.

Người đàn ông tay đỡ chiếc xe, miệng càm ràm trách: “Răng mà dại! Cái xe như “cái trành” làm răng mà chở?”. “Cái trành” là cách người dân ở đây gọi những chiếc xe chỉ còn trơ khung. Chị một tay ôm “cái trành”, một tay giữ sợi dây ràng, vụng về phụ đỡ hai người đàn ông.

Ngắm nghía cái máy giặt đã nằm ngay ngắn vào chỗ cũ trên phần yên sau xe đạp, hai người đàn ông kết luận: “Chiếc xe không cách chi chở được”, rồi nhất định bảo chị gọi nhân viên cửa hàng điện máy đến chở giúp. Chị ngần ngại, rồi cười thẹn, nói: “Cái máy này không phải mua, mà là mới bốc thăm trúng thưởng ở công ty...”. Người đàn ông “à” lên một tiếng, buột miệng: “Rứa răng không kêu chồng ra chở về? Tui kêu ổng nghen!”. Chị vội vã lấy thế ngồi lên yên xe, gạt đi ý kiến của người đàn ông: “Thôi, chừ ổng nhậu nhẹt ở đâu rồi, lèm bèm ổng chửi, mệt”.

Rồi cũng cái điệu bộ rụt rụt rè rè, chị gật đầu cảm ơn chúng tôi, đạp xe đi. Chiếc xe tròng trành rồi bắt đầu loạng choạng nhích từng chút, chị vẫn cắm cúi đạp. Người đàn ông nhìn theo, lắc đầu nói với chúng tôi: “Rứa chớ về có khi còn bị chồng đập cho nữa! Không phải cứ trúng thưởng cái máy giặt là được khen đâu!”.

2. Hôm ấy là chiều 30 tết, vừa dọn dẹp xong, mấy má con đang chuẩn bị nấu mâm cơm cúng cuối năm thì có người đến giao bộ bàn đá. Đám trẻ con ào ra mừng rỡ. Mấy má con nhìn quanh tính toán xem để bộ bàn ở đâu cho hợp lý. Bộ bàn được xếp đặt xong, khoảng sân như ấm cúng hơn. Mấy má con kéo nhau vào bếp, vội vội vàng vàng người xào kẻ nấu cho kịp giờ cúng.

Đang loay hoay trong bếp, thấy có mấy người hàng xóm bước vào sân, cất tiếng chào hỏi. Má tôi tất tả chạy ra chào khách, rồi ngó ngược lên gác, gọi ba. Ba tôi vừa sửa sửa cổ áo, vừa bước xuống, vui vẻ mời khách ngồi ngay bộ bàn đá mới. Từ cửa sổ căn bếp còn đang bừa bộn công việc, tôi thấy vẻ thảnh thơi của những người đàn ông thật xa lạ và... khó hiểu. Đến khi ba tôi hăm hở chạy vào tủ rượu xách ra một chai “rượu quý mười tám năm” gì đó, tấm tắc khoe: “Đãi mấy anh em mừng năm mới sắp đến và... mừng bộ bàn mới luôn!”, tôi mới thực sự... ngỡ ngàng.

Chị dâu tôi vẫn cắm cúi xào nấu. Má tôi dừng cắt gọt, dừng cả những nhắc nhở, thúc giục, nhấp nhổm ngóng chừng ngoài sân. Hễ thấy ba và bạn nhậu “có vẻ như đang cần cái gì” là má lật đật chạy đi lấy. Thấy má cực thân quá, tôi nhắc: “Má cứ để ba tự lo được rồi!”. Không trả lời, má tất tả cầm đôi đũa ra cho người khách vừa mới tới, miệng phân trần: “Tết nhứt tới nơi mà nhà cửa còn bề bộn vầy đây, mấy chú thông cảm nghen!”.

Chị dâu một tay làm thoăn thoắt, một tay đấm đấm cái lưng đã đau từ hôm 28 tết, sau một phen dọn dẹp từ trong nhà ra ngoài vườn. Má đã quay vào bếp, đôi tất chuyên dùng cho người bị chứng dãn tĩnh mạch đã lấm lem vì đôi chân cứ sấp ngửa chạy ra chạy vào, bất chấp những giữ gìn của một bệnh nhân dãn tĩnh mạch nặng. Anh trai tôi vừa đi đâu đó về, sà luôn vào bàn nhậu.

Tôi lướt qua từng người trong nhóm đàn ông đang thảnh thơi ngồi khề khà, thử hình dung về những người đàn bà của họ. Ông Sáu Thé quần áo nghiêm chỉnh ngồi kia là chồng bà Sáu, mới lúc trưa còn gánh đọt bí đi bán ngang nhà tôi. Vợ ông Ba Nhân tôi cũng vừa gặp ngoài chợ, còn tất bật mang vác hàng chục ký rau củ, thịt cá cho ba ngày tết. Còn chị Sang, cô Nguyệt, chị Hiền, má, chị dâu tôi... toàn những hình ảnh lam lũ, cực nhọc, quáng quàng thu vén, bày biện. Còn “người đàn ông của họ” thì đang ở đây...

Dan ba xem viec tro thanh 'sieu nhan noi tro' la bon phan cua doi minh
 

Còn hàng trăm, hàng vạn người đàn bà nữa, vẫn tự xem việc trở thành 'siêu nhân nội trợ' là trách nhiệm, là danh dự, là bổn phận của đời mình; để nếu có lỡ để nhà cửa bất toàn chút đỉnh, hoặc phải phiền chồng chút đỉnh, là cuống cuồng nhận lỗi, cuống cuồng bỉ bai mình để… xoa dịu người đối diện.

Cũng thế, hàng ngàn người mẹ bao nhiêu thế hệ, trong đám cưới đứa con gái vụng về của mình, vẫn rụt rè nhận lỗi trước mặt sui gia: “Con gái tôi chưa giỏi chuyện nhà cửa, có gì mong anh chị thông cảm và dạy dỗ giúp”. Mặc kệ chàng rể ngoài cái tuổi đủ để lấy vợ hợp pháp, thì có gì chứng minh mình đã trưởng thành không, người ta chỉ lấy cái thước đo “người đã có gia đình” mà đo mỗi người phụ nữ.

Một lần, chị chồng của cô bạn học tới thăm nhà. Cô em dâu (là bạn tôi) cũng vừa về nhà sau một ngày làm việc, đứa con trai được bố đón về trước đó đã kịp bày bừa đồ chơi khắp nhà. Thoáng nhìn, người chị chồng mau miệng nhận xét: “Nhà cứ như không có phụ nữ hen?”. Kiểu nói đó nghe thật quen, thật thuận tai, mà cũng thật cay nghiệt. Còn gì nặng nề hơn cho một người phụ nữ bằng cái nhận xét, căn nhà của họ “nhìn như không có phụ nữ”? Thế còn người chồng và tất cả những người ông chồng khác đang ở đâu trong những bộn bề, nhọc nhằn ấy? Những người đàn ông đó chẳng lẽ… vô hình?

 Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI