Của biếu - của lo

27/11/2017 - 09:11

PNO - Những phiên tòa khác đang tiếp tục chờ họ phía trước, nhưng những mất mát tình cảm đã không thể khỏa lấp chỉ vì sự nhập nhằng, thiếu rạch ròi tiền hùn - của biếu.

- Mẹ! Mai con ghé nhà mẹ chơi. Con mới về Việt Nam.
- Con ghé một mình hay đi với ai, để mẹ biết chuẩn bị cơm nước?
- Con ghé một mình. À… cái nhà, mẹ đã làm giấy tờ chưa? 
- Chưa con.
- Vậy mẹ khỏi lo. Con đã nhờ luật sư giúp làm giấy tờ hợp thức hóa cho con đứng tên đồng sở hữu.
- Đồng sở hữu gì, mẹ không hiểu?
- Vậy chứ chẳng lẽ mai này mẹ chết, cái nhà này cho vợ chồng con Út hưởng trọn sao?
- Nhà này là nhà của mẹ. Không có thằng rể nào nhào vô đây hưởng hết.

Đầu dây bên kia vọng sang câu văng tục và tiếng dập điện thoại. Đứng tên giùm - đoạt nhà...

Cua bieu  - cua lo
Nhà cao cửa rộng nhưng bà Bạch N. chưa thể an cư vì chàng rể cũ từ xa quyết liệt tranh chấp.

Phát pháo đầu tiên trong cuộc tranh chấp tài sản giữa bà Trương Thị Bạch N. (60 tuổi, ngụ P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM) và chàng rể Phạm Thanh T. (định cư ở Mỹ). Do khoảng cách địa lý, bà N. chỉ thoáng gặp T. một lần độ 10 năm trước, khi chưa cưới con gái bà. Vợ chồng T. có con, nhưng do mâu thuẫn lối sống nên đã ly hôn vào năm 2012. Ở phiên xử sơ thẩm tại TAND TP.HCM vào giữa năm 2016, “nguyên mẹ vợ” và “nguyên chàng rể” cũng không có cơ hội diện kiến nhau. 

Phía anh T. cho rằng, trước khi vợ chồng ly hôn, vì muốn có chỗ ở khi về Việt Nam nên anh đã mua thửa đất ở Q. Bình Tân (nơi cư ngụ hiện tại của bà N.). Thời điểm này, do không đủ điều kiện đứng tên chủ quyền nhà nên anh nhờ mẹ vợ là bà N. đứng tên giùm. Anh đã chuyển 40.000 USD về cho bà N. để mua đất. Anh còn nhờ người quen mang tiền về cho bà N. nhiều lần nữa để xây nhà. Thiết kế, thi công, giám sát công trình đều là người của anh thuê. Khi công trình hoàn thành, anh định hồi hương và đề nghị bà N. hoàn trả tài sản thì bà không đồng ý. Yêu cầu khởi kiện của anh T. là hoàn lại cho mình 1/3 giá trị căn nhà, tương ứng với 1,2 tỷ đồng. Hai phần còn lại thuộc về bà N. và con gái bà - vợ cũ của anh T.

“Không phải như vậy. Tôi ức lắm!” - bà N. ngồi sụp xuống, hai tay ôm ngực, nhường lời cho người đại diện. Theo đó, bà N. phủ định chuyện đứng tên giùm nhà, đất của con rể. Chính bà mua đất, xây cất nhà từ nguồn tiền bán căn nhà của mình ở Q.6, TP.HCM; bán căn nhà của mẹ bà cho cũng ở Q.6 cộng với số tiền bà tích lũy từ thù lao đi hát cải lương, buôn bán và vay mượn. Bà hỏi nhiều câu “phản đề”: “Nếu T. muốn nhờ người đứng tên nhà giùm thì tại sao lại là bà mẹ vợ mà T. chỉ thoáng gặp một lần 10 năm trước, mà không là người thân nào trong gia đình T. vẫn đang sống ở Việt Nam?”... hay dứt tình, tranh của? 

Cua bieu  - cua lo
Ảnh: Internet

Phủ định nội dung nhờ đứng tên nhà của “cựu rể”, nhưng bà N. xác nhận vợ chồng T. từng gửi về biếu bà 40.000 USD. Nếu T. muốn lấy lại tiền, bà đồng ý trả một phần với điều kiện các bên tự thỏa thuận.

“Thực tế, thời điểm xây cất, tôi vẫn hằng ngày ra công trình để kịp thời yêu cầu chỉnh sửa những chi tiết không ưng ý. Có một số bất đồng phát sinh giữa tôi với người giám sát, với T., nhưng tôi đã chủ động tự quyết vì nhà của tôi, phải theo ý muốn của tôi. Phát hiện trình độ của người giám sát T. thuê quá yếu kém nên chỉ hơn ba tháng từ ngày khởi công, tôi đã thay người. Nếu là nhà của T., tôi có thể tự quyết được sao?” - bà N. chốt lại diễn biến quá trình xây dựng nhà.

Ở cách nửa vòng trái đất, vợ cũ của anh T. khẳng định căn nhà trên là do mẹ chị mua đất, tự bỏ tiền xây dựng. Thời điểm đó, chưa ly hôn, nhưng vợ chồng không đóng góp tiền hay công sức tạo dựng căn nhà của mẹ, chỉ có khoản tiền 40.000 USD gửi về làm quà cho mẹ. Từ khi kết hôn năm 2003 đến khi ly hôn năm 2012, anh T. không về Việt Nam nên không có chuyện mua đất trong khoảng thời gian này.

Phiên xử sơ thẩm giằng co vì cố hòa giải thống nhất số tiền hoàn trả. Phía anh T. giảm đề nghị từ 1,2 tỷ đồng xuống còn chẵn 1 tỷ đồng. Thời gian mới phát sinh mâu thuẫn, bà N. chấp nhận trả cho T. 700 triệu đồng với điều kiện đôi bên tự hòa giải, không đưa đơn ra tòa. Nay việc tranh chấp đã ra đến chốn pháp đình, bà yêu cầu tòa xử theo đúng quy định pháp luật, không đồng ý trả tiền cho T. nữa.

Khoản tiền đã lớn càng lớn khi niềm tin và tình thương giữa mẹ vợ và chàng rể chưa kịp nhen đã cháy rụi với mồi lửa là tờ đơn khởi kiện. Không tâm phục khẩu phục với phán quyết của tòa sơ thẩm buộc bà N. hoàn trả 1 tỷ đồng trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà N. kháng cáo.

Một phiên tòa khác đang chờ họ phía trước, nhưng những mất mát tình cảm đã không thể khỏa lấp chỉ vì sự nhập nhằng, thiếu rạch ròi tiền hùn - của biếu. 

Tô Diệu Hiền

Tặng cho vô điều kiện, không được đòi lại

Theo quy định pháp luật, tài sản đã tặng cho thì bên tặng cho không được đòi lại (trừ việc tặng cho có điều kiện, các điều kiện này không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Chẳng hạn như: cha mẹ tặng nhà cho con và yêu cầu con phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ; con cho tiền cha mẹ xây nhà và yêu cầu cha mẹ phải cho con ở một thời gian… và các điều kiện này phải thể hiện rõ ràng trong các văn bản, giấy tờ, giao dịch về tặng cho tài sản. Nếu bên nhận tặng cho vi phạm thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản). Vợ chồng anh T. cho bà N. 40.000 USD, nếu việc tặng cho này không có điều kiện thì anh T. không có quyền đòi lại.

Anh T. cho rằng mình bỏ tiền mua đất, xây nhà, nhờ bà N. đứng tên, hoặc hùn tiền mua đất xây nhà, hoặc công sức đóng góp trong căn nhà đó, nay muốn đòi lại phần tài sản này thì anh T. phải có nghĩa vụ chứng minh. Nếu bà N. không thừa nhận và anh T. không có đủ giấy tờ, tài liệu và bằng chứng để chứng minh thì yêu cầu của anh T. sẽ không được tòa án chấp nhận. Trường hợp bà N. không thừa nhận, nhưng anh N. có chứng cứ thuyết phục để chứng minh cho yêu cầu của mình thì tòa án có thể xem xét phần hùn hoặc công sức đóng góp (nếu có) cho anh T.

Luật sư Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI