Cơ hội của con

22/07/2018 - 10:00

PNO - Tôi chỉ có một con gái, năm nay 17 tuổi. Ba con bé bỏ rơi mẹ con tôi, đi theo người đàn bà khác từ khi nó được 4 tuổi. Nay nó đã lớn, trổ mã, ba nó nhắn về, có ý đón nó đi...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi chỉ có một con gái, năm nay 17 tuổi, đang học lớp 11. Ba con bé bỏ rơi mẹ con tôi, đi theo người đàn bà khác từ khi nó được 4 tuổi, tôi không muốn con khổ, nên ở vậy nuôi con từ đó tới giờ. Tuy nhiên, tôi chỉ nuôi được hình hài của con mà không nuôi dạy được tính cách, nó lớn lên, tính tình ngày càng giống ba. Nó tiêu xài phung phí, trong khi tôi cặm cụi kiếm từng đồng.

Tôi chỉ là một nhân viên siêu thị, để lo được cho con ăn học tới bây giờ, tôi đã phải cật lực lao động. Vậy mà nay, nó mua một cái áo cả triệu bạc không tiếc, đi học, bữa nào tôi không đưa đón được, bạn nó không chở được là nó đi taxi. Tôi cố gắng hết sức để chiều con, nhưng không tránh khỏi có những lúc cũng bất lực, kể lể, nói chuyện phải quấy với nó, là nó bỏ đi chỗ khác không thèm nghe. 

Co hoi cua con
 

Nay nó đã lớn, trổ mã, ba nó nhắn về, có ý đón nó đi. Ba nó có vợ và gia đình đang sống ở Thái Lan, không biết giàu có gì không nhưng hứa hẹn đủ điều, nói hiện đang có nhà hàng rất lớn, muốn đưa con sang phụ quản lý tiền bạc. 

Con gái tôi coi đây là cơ hội đổi đời, không hề cân nhắc đúng sai, muốn đi với ba ngay lập tức. Tôi nói con ráng học xong lớp 12, bề gì cũng có cái bằng tú tài sau này còn đi làm đi học, nhưng nó dứt khoát không. Tôi quá biết tính chồng cũ của tôi, qua đó có khi cho nó chạy bàn, bóc lột sức lao động, gả bán kiếm tiền chứ nào có coi giọt máu của mình ra gì. Nếu còn chút thương con, sao mười mấy năm qua không một lời thăm hỏi. Tôi nói với con hoài, nhưng nó vẫn nhất định không nghe. Chị cho tôi lời khuyên, tôi phải làm sao bây giờ?

Trần Thị Phi (TP.HCM)

Chị Phi thân mến, 

Một mình nuôi con, gánh nặng lớn nhất đôi khi không phải là cơm áo, mà là phần dạy dỗ cho con nên người. Chị cũng thấy xung quanh mình đó, “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nhiều bậc cha mẹ bất lực với những quyết định của con, đến mức từ con không nhìn mặt. Giữa hai thế hệ luôn có khoảng cách, khó hiểu nhau, khó chia sẻ với nhau. Nói vậy, để chị vơi bớt những đau khổ trong lòng - không phải tất cả đều là lỗi của mình chị ạ. Mình vẫn tiếp tục khuyên nhủ con, nhưng nếu con khăng khăng như vậy, nhiều khi cũng phải tôn trọng, vì đây là chọn lựa của con. 

Co hoi cua con
Ảnh minh họa

Trước mắt, chị thử vượt qua những định kiến, bức xúc của mình, để trao đổi thẳng với chồng cũ: con gái chị chưa tròn 18 tuổi, nói gì thì nói, nó chưa đủ tư cách pháp nhân để quyết định hay chọn lựa một mình. Mục tiêu của cuộc nói chuyện này không phải là để ngăn cản con bé, mà là để trì hoãn, cho bé còn đủ thời gian học xong lớp 12, như chị mong muốn. Nếu trong trái tim người đàn ông ấy còn chút tình phụ tử, chị cố thử khơi lại. Nói chuyện với con, chị cũng nói mình ủng hộ việc con đi, nhưng nên chậm lại một chút, việc nào xong việc đó.

Trường hợp hai cha con khăng khăng đi cho bằng được, vẫn còn có những rào cản pháp lý khác nữa, chị hãy tìm đến tham vấn luật sư, đến Hội Phụ nữ, chính quyền, trường lớp. Chị cất giữ giấy tờ tùy thân của con bé, nên việc đi nước ngoài, sống ở nước ngoài phải có ý kiến đồng ý của chị thôi. Không phải ai muốn giật con mình đi là được ngay. 

Tình mẫu tử là thiêng liêng và bền vững, con chị lúc này có thể quyết định sai, nhưng sau này, về lâu về dài, có khi nó nghĩ lại. Con mình còn trẻ, còn xốc nổi, mình đừng bỏ rơi, đừng dứt tình mà hãy tìm tiếng nói chung với con. Mong chị mạnh mẽ lên chị nhé. 

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI