Chưa giành được chồng đã vi phạm luật

21/03/2018 - 16:14

PNO - Thời đại số hóa đem đến cho con người nhiều tiện ích, trong đó có việc sử dụng thiết bị định vị (TBĐV) - thiết bị gắn vào phương tiện, đồ vật, ........

Thời đại số hóa đem đến cho con người nhiều tiện ích, trong đó có việc sử dụng thiết bị định vị (TBĐV) - thiết bị gắn vào phương tiện, đồ vật, và có khả năng truyền/nhận tín hiệu từ các vệ tinh, các hệ thống định vị toàn cầu, từ đó xác định vị trí của phương tiện, đồ vật đó trên mặt đất.

Chua gianh duoc chong da vi pham luat
Ảnh minh họa

Cá nhân/tổ chức sử dụng TBĐV để nghe lén, theo dõi vị trí, lấy thông tin người khác mà chưa được phép là hành vi xâm phạm bí mật đời tư (BMĐT). Tuy pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định cụ thể về định nghĩa, phạm vi liên quan đến BMĐT, bảo vệ BMĐT đã được quy định trong Luật Hiến pháp và nhiều luật chuyên ngành. Việc cá nhân/tổ chức sử dụng TBĐV để theo dõi, đánh ghen có thể dẫn đến nhiều tình huống, hậu quả khó lường. Khi xảy ra vụ việc cụ thể, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: tính chất, động cơ, mục đích hành vi, thiệt hại xảy ra… để lựa chọn chế tài và mức hình phạt. Một số tình huống và chế tài có thể được áp dụng như sau:

Đối với chế tài hình sự, người vi phạm có thể bị khởi tố theo các tội danh như: tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi riêng tư khác của người khác (điều 159) với hình phạt từ cải tạo không giam giữ (một năm) đến phạt tù ba năm. Nếu sử dụng TBĐV theo dõi tình địch và sau đó có hành vi vu khống, làm nhục người khác hoặc đánh nhau gây thương tích thì có thể bị khởi tố theo các tội danh tương ứng như: cố ý gây thương tích (điều 134); làm nhục người khác (điều 155); vu khống (điều 156)…  

Nếu hành vi sử dụng TBĐV của cá nhân chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự thì sẽ xử lý hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, điển hình:

+ Hành vi “Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc BMĐT của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm” bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng (điểm a, khoản 2, điều 51, Nghị định số 167).

+ Hành vi “Tiết lộ BMĐT hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định” có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng (điểm b, khoản 2, điều 64, Nghị định 174).

+ Nếu tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội có hành vi sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Khoản 1, Điều 65, Nghị định số 174).

 Ngoài ra, người xâm phạm BMĐT phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh liên quan xâm phạm BMĐT… (khoản 3, điều 51, Nghị định 167).

Cần lưu ý, việc sử dụng TBĐV xâm phạm BMĐT người khác có thể bị nạn nhân khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường. Căn cứ và nguyên tắc bồi thường áp dụng theo điều 584, 585 - Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế về vật chất, tinh thần xảy ra, tính chất, mức độ lỗi... 

 ThS. luật Trần Hoài Nhân (Công ty Luật TNHH Vĩnh Huy, Q. Tân Phú, TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI