Nhạc Việt 2018: Năm của 'những người lạ'

25/12/2018 - 06:00

PNO - Phong cách, màu sắc đa dạng, giới undeground, nhạc indie đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và liên tiếp tạo nên những cú hích lớn trong năm nay.

Văn hóa- giải trí 2018: Những gam màu đối lập

Năm 2018 dần khép lại với nhiều chuyển động phong phú trong các hoạt động văn hoá - giải trí. Như hai mặt song hành của cuộc sống, có những sự kiện mang tính tích cực, tạo bước chuyển mới mẻ nhưng vẫn còn không ít góc tối, tác động không nhỏ đến tâm thế người thưởng thức. 

Sự bứt phá mạnh mẽ của giới underground, nhạc indie

Nếu 2017 được xem là bước đà thì 2018 là thời điểm nhạc indie (independent music - âm nhạc độc lập) và giới underground Việt phát triển rực rỡ, liên tục thu về những thành quả nổi bật. Thậm chí, nửa đầu năm 2018, họ có phần lấn át âm nhạc mainstream (những ca sĩ biểu diễn chính thống).

Những cái tên nổi bật có thể kể đến trong năm 2018 như: rapper Binz, rapper Karik, Đen Vâu, Thái Vũ, Dalab, Ngọt Band, OSAD, Kay Trần, Đạt G... Hàng loạt ca khúc, MV của giới indie, undergorund liên tục được khán giả đón nhận: Người lạ ơi (Orange, Karik), Người âm phủ (Osad), Buồn không em (Đạt G), Buồn của anh (K-ICM, Đạt G, Masew), Đố em biết anh đang nghĩ gì (Đen, JustaTee, Biên), Trạm dừng chân (Kimmese, Đen), Sofar (Binz), HongKong 1 (Nguyễn Trọng Tài), Mình cưới nhau đi (Huỳnh James, Pjnboys), Cô gái M52 (Huy, Tùng Viu), Thằng điên (JustaTee, Phương Ly)…

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Karik, chàng rapper được chú ý sau Người lạ ơi

Các ca khúc kể trên đều đạt lượt nghe trên trăm triệu chỉ trong thời gian ngắn và luôn nằm trong top đầu các bảng xếp hạng âm nhạc nhiều tuần liền. Cuộc chơi của những ca sĩ chính thống đã bị tác động mạnh bởi giới underground.

Ở những sân khấu lớn, những giọng hát này đều được đón nhận nồng nhiệt. Liveshow Ngọt tháng 11 vừa qua tại Hà Nội cháy vé chỉ sau thời gian ngắn mở bán. Tháng 5/2018, Da Lab tổ chức liveshow tại TP.HCM, vé bán sạch trong 5 ngày. Tháng 9/2018, 3.000 vé trong liveshow Hành tinh song song của Thái Vũ cũng không còn sau 1 ngày mở bán.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Thái Vũ, một cái tên đang "gây sốt" với giới trẻ
Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Liveshow của Ngọt cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả

Họ không chỉ hoạt động gói gọn trong môi trường riêng mà còn tạo nên sức ảnh hưởng với thị trường lớn hơn. Đàm Vĩnh Hưng liên tục mời Karik, Binz kết hợp trong các sản phẩm, mang lại màu sắc mới. Anh thừa nhận những nghệ sĩ trẻ đang có sức ảnh hưởng này cũng góp phần quảng bá sản phẩm tốt hơn.

Osad được mời kết hợp trong Em ngủ chưa? của Trịnh Thăng Bình. Hà Trần, Thu Phương, Bằng Kiều… cũng không ngần ngại cover lại những sản phẩm “hot” của những cái tên này, như một sự ủng hộ, cho thấy giá trị của những điều mới mẻ.     

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Rapper Binz kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng trong MV Hello.

Sự phát triển của công nghệ, internet giúp nghệ sĩ underground và nhạc indie dễ dàng tiếp cận khán giả. Dù có thể không được đào tạo qua trường lớp nhưng cơ hội được chia đều cho họ trên thế giới phẳng, chỉ cần có "chất", bắt được gu khán giả, ngay lập tức sẽ được đón nhận.

Điển hình như trường hợp ca khúc HongKong1 của Nguyễn Trọng Tài, xuất phát từ một ca khúc vu vơ được sáng tác trên bàn nhậu cùng bạn bè, ngay lập tức trở thành hiện tượng khuynh đảo làng nhạc Việt. Cùng anh của Ngọc Doli, Người âm phủ của Osad… cũng không nằm ngoài công thức này.

Thằng điên - Justatee - Phương Ly:

Sự lên ngôi của nhạc indie, nghệ sĩ underground cho thấy sự thay đổi về gu thưởng thức âm nhạc của khán giả. Họ không tập trung vào việc PR, đầu tư hình ảnh mà tiếp cận khán giả qua âm nhạc, màu sắc lạ. Trong khi đó, giới ca sĩ biểu diễn chính thống đang rơi vào sự bão hoà, chưa tìm được hướng đi mới.

Những ca khúc “gây bão” trong năm 2018 của giới underground đều mang nét đặc trưng là mộc mạc, giản dị và mang những câu chuyện, cảm nhận hết sức đời thường. Họ mang tiếng nói, cái tôi cá nhân mạnh mẽ vào ca từ, giai điệu. Vì thế, giá trị của chúng không dừng lại ở việc nghe, cảm nhận mà khán giả còn có thể tìm được sự đồng cảm, thấu hiểu.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Đen Vâu, một trong những cái tên tạo được nhiều ấn tượng với nhạc Việt 2018 qua những ca khúc có màu sắc lạ.

Tuy nhiên, con đường của giới underground cũng không hẳn chỉ trải hoa hồng. Việc mang cái tôi quá lớn vào sáng tác khiến một số ca khúc bị phản ứng bởi cách thể hiện kỳ lạ, chứa nội dung, hàm ý hay từ ngữ dung tục.

Bên cạnh đó, khi dần được đón nhận và bước ra sân khấu lớn, giới underground phải đối diện với những lựa chọn mới bởi đây là lúc cần đầu tư hình ảnh để thích nghi với thị trường. Nhưng điều này lại đi ngược với tiêu chí của underground bấy lâu. Chính vì thế, việc chuyển hẳn sang dòng mainstream (như Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn... ) hay vẫn cố giữ phong vị cũ cũng là quyết định khó khăn.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Ca khúc Duyên mình lỡ tạo nên cú hích mới cho Hương Tràm trong sự nghiệp

Sản phẩm âm nhạc “bẩn”: Cần bài trừ

Bên cạnh những mặt tích cực, làng nhạc Việt 2018 cũng có những tín hiệu không vui, trong đó có sự phát triển của những sản phẩm “bẩn”, chứa ca từ hoặc mang nội dung, hàm nghĩa lập lờ, dung tục.

Duyên mình lỡ của Hương Tràm, một trong những ca khúc nổi bật của năm 2018 lại là cái tên khởi xướng cho trào lưu này. Thời điểm quảng bá sản phẩm, ê-kíp của nữ ca sĩ khiến khán giả tò mò với 3 từ đứng đầu #DML. Nhiều dự đoán được đưa ra cho tên ca khúc này, trong đó có cả những cụm từ mang nghĩa thô tục.

Công thức tương tự tiếp tục được ê-kíp Bảo Anh áp dụng cho #NLĐ - Như lời đồn. Tên ca khúc khi được công bố khiến dư luận “dậy sóng” vì chỉ cần "nói lái" sẽ cho ra một ý nghĩa tục tĩu. Erik mới đây cũng đánh lừa dư luận khi tung ca khúc mới với 3 từ #DCM, viết chính xác là Đừng có mơ.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Như lời đồn (sáng tác của Khắc Hưng) do Bảo Anh thể hiện là ca khúc khiến dư luận "dậy sóng".

Ngoài ra, MV Màu nước mắt của Nguyễn Trần Trung Quân hay Mời anh vào team em gần đây của Chi Pu cũng trở thành hiện tượng nổi cộm với những cảnh quay dung tục đầy ẩn ý khiến dư luận xôn xao.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
MV Mời anh vào team em có nhiều cảnh ngụ ý dung tục.

Trước những chỉ trích, các nghệ sĩ thường chọn cách im lặng hoặc đổ lỗi cho sự nhạy cảm của khán giả, rằng người nói vô tình người nghe lại hữu ý. Cứ thế, các sản phẩm “bẩn” xuất hiện nhan nhản.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhận định: “Nguy cơ lớn nhất không phải là những người tạo ra dòng nhạc đó mà là người nghe. Hậu quả đáng ngại nhất là sẽ tạo ra một thế hệ có thẩm mỹ cấp thấp từ người nghe là học sinh cấp 1, cấp 2. Người bán rau bẩn không bị bệnh mà là người ăn bị. Con cháu chúng ta sẽ là người lãnh hậu quả, giống như ăn rau bẩn vậy”.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý văn hoá, truyền thông, cụ thể là Cục Nghệ thuật-Biểu diễn và Cục Phát thanh-Truyền hình và thông tin điện tử “đá" quả bóng trách nhiệm cho nhau mà không có phương hướng giải quyết cụ thể. 

Bolero tuột dốc

Bước qua năm 2018, bolero không còn giữ được vị thế như hai năm trước. Vẫn còn khán giả yêu bolero nhưng thị trường không còn sôi động. Đây cũng là quy luật thoái trào tất yếu khi khai thác ồ ạt, khiến khán giả ngán. Trong khi, với nghệ thuật, khán giả cần cái mới mỗi ngày.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Các sản phẩm liên quan đến dòng nhạc bolero giảm sút rõ rệt về số lượng trong năm 2018.

Nhạc sĩ Vinh Sử từng nhận định: “Bolero phát triển mạnh hiện nay (chỉ thời điểm trước - PV) chỉ là trào lưu. Mà trào lưu thì sẽ qua nhanh và chỉ có những giọng ca đích thực hay những ca khúc có sức sống của bolero mới có thể ở lại với người nghe”.

Số lượng liveshow bolero sụt giảm rõ rệt. Những cái tên từng gây chú ý trong năm 2017 như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên... đều chuyển sang hát nhạc tình, nhạc trẻ. Một số nghệ sĩ hải ngoại về nước như Như Quỳnh, Tuấn Vũ... có tổ chức liveshow bolero nhưng không tạo tiếng vang như mong đợi.

Hàng chục gamshow, chương trình truyền hình tận dụng bolero để khai thác như: Solo cùng bolero, Hãy nghe tôi hát, Người kể chuyện tình, Kịch cùng bolero, Thần tượng bolero, Tình bolero, Cặp đôi hoàn hảo, Tuyệt đỉnh song ca... không còn sức hút để kéo khán giả dù liên tục được đổi mới luật chơi, format hay tận dụng những tên tuổi hot của dòng nhạc này.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Các gameshow về bolero cũng không còn sức hút như thời gian trước.

Lượng thí sinh đổ ra từ các chương trình này ngày càng nhiều nhưng sức hút của bolero đang giảm khiến các danh hiệu rơi vào sự chật vật, thậm chí không có show. Nhiều quán quân bước ra từ các cuộc chơi về bolero nhanh chóng rơi vào quên lãng trong thời gian ngắn. Số lượng này chưa tính đến hàng loạt á quân, giải ba.                 

MV thịnh hành nhưng CD không lỗi thời với nghệ sĩ                              

Trong kỷ nguyên nhạc trực tuyến, việc ra mắt CD, DVD được xem là khá lỗi thời. Chi phí đầu tư cho các sản phẩm này khá tốn kém nhưng trong tình hình hiện nay rất khó thu lời, thường xuyên lỗ vốn, trừ một vài trường hợp cá biệt như Mỹ Tâm. Theo thống kê chính thức từ Billboard năm 2017, thu nhập của một ca sĩ hiện tại chỉ có 9% từ việc bán đĩa.

Thói quen nghe nhạc trực tuyến đã khiến khán giả dần không chuộng CD. Họ có thể xem, nghe ở bất kỳ nơi đâu với điện thoại di động, máy tính bảng, đặc biệt là miễn phí. Trong khi đó để nghe đĩa, CD, DVD lại cần máy móc, thiết bị, khó mang đi xa, tốn nhiều chi phí.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Mỹ Tâm là cái tên hiếm hoi vẫn còn hot trên thị trường băng đĩa.

Vì thế, nghệ sĩ lại chuộng ra single, album để phát hành trên mạng. Hai năm trở lại đây, cuộc đua sản xuất MV trên YouTube để tranh thứ hạng càng trở nên sôi động. Trung tuần tháng 9 đến tháng 11 đã có khoảng 30 MV ra mắt. Nhiều nghệ sĩ còn cho ra đến 2-3 MV trong năm nay như Đàm Vĩnh Hưng, Hoà Minzy, Bích Phương... Tuy nhiên, chất lượng MV không đồng đều.

Ra mắt sản phẩm theo hình thức này, nghệ sĩ có nhiều cái lợi: ít tốn chi phí, sản phẩm có khả năng lan toả mạnh, dễ thu hồi vốn khi có show, ít tốn thời gian hơn sản xuất CD...

Các nghệ sĩ đầu tư xây dựng thành những câu chuyện ngắn để tăng thêm phần hấp dẫn cho sản phẩm, bên cạnh phần nghe. Những sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: Anh đang ở đâu đấy anh (Hương Giang Idol), Rời bỏ (Hoà Minzy), Duyên mình lỡ (Hương Tràm)...

Bảng xếp hạng YouTube (trending YouTube) được ngầm xem như thước đo mới dành cho sản phẩm âm nhạc của ca sĩ. Thị phần trực tuyến ngày càng được nghệ sĩ cạnh tranh khốc liệt.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Sau 6 năm đi hát, lần đầu tiên Hương Giang đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng xu hướng YouTube với MV Anh đang ở đâu đấy anh được dàn dựng như một phim ngắn.

Duyên mình lỡ (Hương Tràm), một trong những MV hot của năm 2018:

Tuy nhiên, năm 2018 đã chứng kiến sự trở lại của nhiều sản phẩm CD, được các nghệ sĩ đầu tư chỉn chu. Tính lùi từ cuối năm trở về đầu năm 2018 có: (Noo Phước Thịnh), (Đông Nhi), (Vũ Cát Tường), (Bích Phương), (Hồ Trung Dũng),  (Nguyễn Hải Yến), Võ Hạ Trâm hát Bảo Chấn,  (Hoàng Quyên)... Sắp tới đây, Lệ Quyên sẽ cho ra mắt cùng lượt 2 CD nhạc ballad và bolero. Ca sĩ Thanh Hà cũng chọn thời điểm cuối năm để giới thiệu đĩa.

Nhac Viet 2018: Nam cua 'nhung nguoi la'
Đông Nhi và album nặng hơn 2 kg vừa được phát hành.

Dù biết khả năng không thu hồi vốn là rất lớn nhưng các nghệ sĩ vẫn quyết định làm bởi với họ, giá trị của album là không đổi. Việc ra đĩa ghi dấu trong sự nghiệp của ca sĩ, thể hiện rõ quan điểm nghệ thuật và sự đầu tư, sáng tạo của họ. CD cũng mang tính kỷ niệm và có khả năng lưu trữ lâu. 

Số lượng nghệ sĩ ra CD trong năm 2018 vẫn chưa đủ để khẳng định thói quen này có hồi sinh hay không nhưng ít nhiều cho thấy những giá trị cũ, bền vững của âm nhạc chưa bị lãng quên. Tuy nhiên, để tồn tại được, các nghệ sĩ cũng tính đến chuyện quảng bá CD mới lạ hơn bằng việc tạo nên mẫu mã hấp dẫn và tăng những giá trị cộng thêm như: quà, sách ảnh, nhật ký... để kích thích khả năng mua của khán giả. Đông Nhi, Vũ Cát Tường, Bích Phương đã thu được những tín hiệu khả quan từ việc này.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI