'Nâng cấp' làn da nhờ ánh sáng

07/04/2019 - 18:40

PNO - Chiếu gì, soi gì, làm ở đâu an toàn thì không phải ai cũng am hiểu và được trang bị kiến thức đầy đủ.

Công nghệ ánh sáng làm đẹp lên ngôi, trở nên thông dụng tới mức phái đẹp đã quen với những lời khuyên: “Bị sẹo à, đi spa chiếu laser đi, da sạm rồi đấy, đi chiếu đi hoặc đi soi và chiếu ánh sáng xóa nhăn đi”. Thế nhưng, chiếu gì, soi gì, làm ở đâu an toàn thì không phải ai cũng am hiểu và được trang bị kiến thức đầy đủ. Trước khi quyết định can thiệp trị liệu lên cơ thể, bạn cần được tư vấn bởi người có chuyên môn. Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Phòng khám chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - hiện có rất nhiều loại ánh sáng được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ da. 

Ánh sáng đỏ (ánh sáng collagen)

Collagen là protein được tạo ra bởi các tế bào nguyên bào sợi trong lớp hạ bì của da. Nó chịu trách nhiệm cho độ đàn hồi và sự mềm mại của da. Trong quá trình lão hóa, da mất khả năng sản xuất collagen. Từ đó, các vết chân chim và nếp nhăn xuất hiện trên khuôn mặt, đặc biệt là xung quanh mắt.

Ánh sáng “collagen” trong liệu pháp ánh sáng làm đẹp còn được gọi là ánh sáng đỏ cung cấp năng lượng kích thích sản xuất collagen, tăng cường lưu thông và sửa chữa mô. Sự tác động này giúp da săn chắc, mờ nếp nhăn và khỏe mạnh hơn. 

Các vấn đề về sắc tố không mong muốn làm da trở nên “cũ kỹ” vì những đốm nâu hoặc tàn nhang bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra ở các loại da. Theo thời gian, dưới tác động của nhiều yếu tố (ánh nắng mặt trời, stress, thức khuya…), các hệ thống vận hành trong cơ thể dần trở nên chậm chạp khiến da sản xuất quá mức sắc tố, còn được gọi là melanin. Liệu pháp ánh sáng sẽ nhắm vào các tế bào sản xuất melanin nằm ở lớp dưới cùng của lớp biểu bì da. Nhờ vậy, các đốm đen trên da mờ dần, để lộ tông da màu sáng hơn, trẻ trung, mới mẻ hơn.

'Nang cap' lan da nho anh sang

Ánh sáng Led

Ánh sáng led (light-emitting diode) mới được ứng dụng gần đây trong kỹ thuật trẻ hóa da và cải thiện nhiều rối loạn da khác như mụn trứng cá, sẹo. Đây là liệu pháp sử dụng mức năng lượng thấp, không xâm lấn, không gây tổn thương nhiệt, kích thích và điều hòa các quá trình sinh học, giúp sửa chữa và tái tạo tế bào.

Đèn led ánh sáng xanh dương có tác dụng diệt vi khuẩn, giảm viêm, cho thấy hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá thể nhẹ và vừa. Đèn led ánh sáng đỏ với bước sóng dài hơn dùng để tác động xâm nhập sâu hơn, có thể tác động trực tiếp vào tuyến bã, tăng tác dụng kháng viêm, ngăn ngừa tăng sắc tố, trị sẹo mụn trứng cá và còn tác động trên các tế bào trong lớp bì, làm tăng năng lượng cho hoạt động tế bào. 

Nhờ đó, đèn led còn làm tăng quá trình sửa chữa, tái tạo mô, tăng sản xuất collagen và sợi đàn hồi, giúp cải thiện kết cấu, giảm nếp nhăn, tông màu da, ngăn ngừa sẹo và se khít lỗ chân lông. Liệu pháp ánh sáng không xâm lấn hiệu quả và an toàn, không đau, không cần nghỉ dưỡng trong quá trình cải thiện vẻ ngoài của da.

'Nang cap' lan da nho anh sang
 

Laser 

Laser là thiết bị khuếch đại ánh sáng, tác động chủ yếu trên 3 mô đích trong da gồm nước, sắc tố (melanin) và huyết cầu tố (hemoglobin). Laser ngày càng được sử dụng rộng rãi, liên tục có những bước tiến mới để cho ra đời nhiều loại laser đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực chăm sóc da. Có ba loại laser phổ biến trong công nghệ ánh sáng làm đẹp là xâm lấn, không xâm lấn và vi phân.

'Nang cap' lan da nho anh sang
 

- Laser xâm lấn gây bong tróc thương tổn ở lớp thượng bì trên cùng của da, giúp tái tạo bề mặt da, đồng thời làm tăng nhiệt độ lớp bì bên dưới, thúc đẩy sản xuất collgagen, cải thiện đáng kể đốm nâu, nếp nhăn, sẹo mụn, một số rối loạn sắc tố da; giúp da săn chắc. Nhìn chung, laser xâm lấn cho hiệu quả đến 50% trong việc giảm nếp nhăn, sẹo lõm và rối loạn sắc tố nông nhưng thời gian hồi phục kéo dài, nguy cơ biến chứng cao.

- Laser không xâm lấn là phương pháp đầy hứa hẹn với ít tác dụng phụ, thời gian nghỉ dưỡng ngắn hơn so với laser xâm lấn; cho thấy hiệu quả trong điều trị tổn thương sắc tố, nếp nhăn và sẹo. Tương tự laser xâm lấn, laser không xâm lấn cũng tác động chủ yếu lên mô đích là nước trong lớp bì, làm nóng collagen và tái tạo lớp bì. Hơn nữa, phương pháp này không gây tổn thương lớp thượng bì, không bong tróc da. Nhìn chung, phương pháp này đạt hiệu quả cao, an toàn trong cải thiện nếp nhăn, trẻ hóa da, làm sáng da… nhưng cần nhiều đợt điều trị hơn và có thể không đạt được mức độ hài lòng cao như laser xâm lấn.

- Laser vi phân: là kỹ thuật mới áp dụng cho cả laser xâm lấn và không xâm lấn, tạo những cột tổn thương nhiệt vi điểm trên da mà không ảnh hưởng đến vùng da xung quanh. Do đó, laser vi phân giúp giảm nguy cơ biến chứng và có thời gian hồi phục ngắn. Laser vi phân thường cần nhiều đợt điều trị nhưng có thể đạt hiệu quả cao và kéo dài trong trẻ hóa da tương tự với laser xâm lấn tái tạo bề mặt, mà không cần thời gian nghỉ dưỡng và ít tác dụng phụ. Hiệu quả tối ưu thường đến sau 2-3 tháng điều trị. Phương pháp này còn giúp cải thiện tình trạng sẹo mụn, tăng sắc tố, nám má, giãn mạch và trứng cá đỏ.

Tại hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 36, trong chuyên đề về da liễu tổ chức ngày 16/3 tại TP.HCM, giáo sư - tiến sĩ Trần Hậu Khang - Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam - đã nhận định liệu pháp ánh sáng hiện nay đang được sử dụng rất rộng rãi không chỉ để điều trị bệnh lý về da mà còn là một xu hướng được ứng dụng đối với thẩm mỹ. Nhiều bằng chứng cho thấy, trị liệu bằng ánh sáng cải thiện rất đáng kể các vấn đề về mạch máu, sắc tố, sẹo... Tuy nhiên, để việc điều trị đạt được hiệu quả, bác sĩ lâm sàng cần hiểu rõ về cơ chế của từng loại ánh sáng cũng như tình trạng bệnh lý của da để có lựa chọn thích hợp.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI