Trao nhầm trẻ sơ sinh ở Bình Phước: Giám đốc bệnh viện nói thẳng

18/07/2016 - 15:14

PNO - Ông Thanh cho rằng, giữa con và tiền thì gia đình anh Tuấn chỉ được chọn 1 trong 2. Cá nhân bác sĩ làm sai thì không thể lấy tiền của tập thể bệnh viện ra để đền bù.

Lấy con ra gây sức ép?

Sáng ngày 18/7, trước những yêu cầu của 2 gia đình trong vụ việc trao nhầm con xảy ra vào năm 2013, ông Hoàng Văn Thanh – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) cho rằng, các gia đình đang lấy chính con của mình ra gây sức ép với bệnh viện nhầm mục đích thỏa mãn số tiền đền bù.

Ông Thanh cho biết, trong buổi làm việc với 2 gia đình vào hồi tháng 5/2016 gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn (ngụ huyện Hớn Quản) đòi đền bù 270 triệu đồng, còn gia đình anh Vũ Đình Khiên (ngụ thị xã Bình Long) yêu cầu đền bù từ 300 – 500 triệu đồng.

“Đây là số tiền quá lớn, làm sao tôi có thể đền bù được. Không thể lấy số tiền tập thể để đền bù cho những sai sót cá nhân. Sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn, tất cả phải chấp nhận, điều quan trọng là trả 2 bé về đúng vị trí của nó chứ không thể lấy các cháu ra ngã giá cho mục đích tiền bạc” – ông Thanh chia sẻ.

Trao nham tre so sinh o Binh Phuoc: Giam doc benh vien noi thang
Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) - nơi xảy ra vụ trao nhầm trẻ sơ sinh vào năm 2013 (Ảnh: VNE).

Ông Thanh tâm sự, là người đứng đầu bệnh viện có cá nhân y tá, bác sĩ làm sai nên ông phải chịu trách nhiệm đứng ra xử lý, dàn xếp sao cho ổn thỏa. Trong thời gian qua, ông Thanh chịu rất nhiều sức ép từ dư luận, đơn vị quản lý, 2 gia đình trao nhầm còn và đặc biệt là từ chính bản thân mình.

Ông Thanh bảo: “Từ khi biết được sự thật đến nay, nhiều đêm tôi cũng mất ăn mất ngủ. Ngày làm việc quên đi thì không sao, tối về nằm cạnh vợ con lại nghĩ đến 2 đứa trẻ cũng giống như con mình mà trằn trọc không thể ngủ được, mong sao phải giải quyết thật nhanh sự việc để 2 cháu được nhận bố mẹ thực của mình”.

Ông Thanh cho biết, hướng giải quyết của bệnh viện đền bù cho mỗi gia đình 10 tháng lương tối thiểu (tương đương khoảng 12 triệu đồng) là hợp lý. Nếu gia đình nào không đồng ý mà kiện ra tòa thì ông cũng đành chấp nhận.

Bản thân cũng là người làm cha, làm mẹ, ông Thanh đưa ra câu hỏi với 2 gia đình: “Giữa con và tiền thì bố mẹ phải chọn con trước chứ, chứ sao lại là tiền? Sự việc nhầm lẫn thì rõ rồi, quan trọng là cách xử sự để 2 đứa bé nhiều năm sau mở ra coi lại thấy được tình cảm người lớn dành cho chúng như thế nào!”.

Trao nham tre so sinh o Binh Phuoc: Giam doc benh vien noi thang
Gia đình anh Tuấn vẫn chưa chịu trao nhận lại con vì nhiều lý do (Ảnh VNN).

Trả lại con xong mới kỷ luật

Ông Thanh cho hay, phương án sắp tới sẽ mời đại diện 2 gia đình, chính quyền địa phương 2 bên cùng các cơ quan truyền thông tham gia cuộc họp rồi lấy tình cảm khuyên nhủ để hai gia đình chấp nhận đầu tiên phải trao nhận lại con rồi mới tình đến các chuyện tiếp theo.

Còn chuyện xử lý những cá nhân sai phạm, ông Thanh cho biết: “Hiện những y tá, bác sĩ liên quan đến chuyện trao nhầm con giữa 2 gia đình đã có bản tường trình, thừa nhận lỗi của mình khi để cho sự việc xảy ra. Trước tiên, bệnh viện đã có cuộc họp rút kinh nghiệm sâu sắc để sự việc này không được tái diễn”.

Ông Thanh khẳng định, những cá nhân liên quan đến sự việc chắc chắn sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo mức độ sai phạm và Luật Lao động. Nhưng đó chưa cấp thiết bằng việc tiến hành đàm phán với hai gia đình để họ trao nhận lại con.

“Trong cơ quan, người nhân viên sai thì lãnh đạo sai chứ ai nữa? Tôi cũng đã nghiêm khắc kiểm điểm lại mình, cố gắng hết sức để 2 cháu bé trở lại đúng vị trí rồi sẽ có phương án xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm” – ông Thanh nói.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI