Nhật ký chuyên Văn

26/07/2015 - 17:38

PNO - PN - Nhật ký chuyên Văn (NXB Trẻ) không phải hồi ký, cũng không phải cuốn sách được viết riêng cho tuổi mới lớn.

Nhat ky chuyen Van

Cuốn sách này được biên tập lại từ những cuốn nhật ký chép tay trong suốt ba năm học của 27 thành viên lớp chuyên văn Amsterdam Hà Nội khóa 1992 - 1995, gồm 1 ông thầy và 26 học sinh (3 con chim quý và 23 con bìm bịp). Nhật ký chuyên Văn đơn giản chỉ là những câu chuyện hàng ngày với những tâm sự buồn vui, sự trải nghiệm và cả những băn khoăn lo lắng của một thế hệ học trò Hà Nội 20 năm trước. Mỗi người một cá tính, một văn phong. Mỗi người có một cách sống, cách nghĩ riêng, nhưng tất cả đều giống nhau là có chung một tuổi trẻ hồn nhiên vô tư, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Họ đã sống thật và hết mình trong những năm tháng ấy.

Mười Văn đã có những ai

Hai mươi sáu đứa, ba trai thôi mà

Hai ba công chúa tinh ma

Đúng là nhất quỷ…thứ ba học trò

Vì là nhật ký của lớp văn, nên từng câu chữ trong mỗi trang viết đều mềm mại, trau chuốt. Những câu văn dí dỏm, những vần thơ con cóc dễ thương, hay đôi khi chỉ là những bức chân dung thầy cô bạn bè được “ký họa” vội vã trong giờ học… tạo nên một Nhật ký chuyên văn rất “văn”.

Bò khô

Ai bán mà mua

Ai cho mà lấy

Ai thừa mà ăn

Vậy mà phút ấy tôi quên

Thấy em tối cứ…thản nhiên “xáp” vào”!

Nhưng dù văn chương có lãng mạn bay bổng đến đâu, sự thật đã học trò thì muôn đời tinh quái, lắm chiêu. Bằng óc sáng tạo của mình, họ đặt cho thầy cô giáo những cái tên thân mật hài hước như “lý ma ma”, “bố già lắm chiêu”, “ông già tốt bụng”, “cô quần áo đẹp,… Những trò nghịch phá đến trời cũng phải sợ như buổi cúp học tập thể, cuộc đại chiến hai lớp Lý - Văn, những “phi vụ” gói chuột vào hộp bắp rang đem tặng hay những ngày hành lanh ướt nhẹp vì biến thành chiến trường của trận đấu súng nước “hào hùng”…

Nghịch phá là thế, nhưng lũ học trò năm ấy cũng có những mặt dễ thương. Họ chăm ngoan và luôn cố gắng học tập, biết sợ, biết lo: sợ cô dò bài cũ, sợ bị gọi lên làm bài, sợ mỗi khi sắp có bài kiểm tra… Biết bài khó, biết thầy giảng khó hiểu, biết bản thân “chậm tiêu”, nhưng vẫn yêu mến thầy và luôn tự nhủ cố gắng từng ngày.  Những học sinh chuyên Văn năm ấy, mỗi người một cá tính, luôn biết thể hiện cái tôi riêng của bản thân, ấy vậy mà lại là một tập thể rất mực đoàn kết, gắn bó nhau kỳ lạ. Tinh thần đoàn kết ấy thể hiện rõ nhất mỗi lần lớp Văn tham dự thi đấu thể thao hay văn nghệ trong trường. Một người thi, tất cả cổ vũ, tất cả hướng về. Ở cái tuổi ấy, còn gì trân quý hơn một trái tim biết vươn lên, luôn sống chân thành và biết vì mọi người?

Nhật ký chuyên Văn mở ra không gian Hà Nội của 20 năm trước, thật trong trẻo giản dị và hồn nhiên. Nếu bạn đang ở tuổi hoa niên, bạn sẽ tìm thấy câu chuyện của chính mình trong đó, sẽ đồng cảm, để rồi biết trân quý hơn những ngày tháng còn được cắp sách tới trường, được gặp bạn bè thầy cô. Còn với những độc giả lớn tuổi hơn, bạn có thể tìm thấy tấm vé về lại tuổi hoa niên của chính mình.

Lê Thúy
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI