Gộp tết người Mông vào tết Nguyên đán: Một quyết định lạ lùng!

26/12/2018 - 10:03

PNO - Vẫn biết tiếp biến là điều không thể tránh khỏi trong quá trình hội nhập, nhưng giữ cái gì và bỏ cái gì vẫn là hai câu hỏi cần được ngành văn hóa trả lời một cách rốt ráo.

Văn bản số 30/TB-UBND của xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) ngày 18/12 nêu, “Kể từ tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trở đi, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông 4 xã chuyển sang ăn tết Nguyên đán của cả nước (không tổ chức ăn tết trước tết Nguyên đán một tháng như trước đây)”. Thông báo này đang gây ra nhiều dư luận trái chiều.

Dân đồng thuận?

Nội dung văn bản này dựa trên kết quả hội nghị tổng kết quy ước 4 xã giáp ranh, bao gồm Lóng Luông, Vân Hồ của huyện Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (Hòa Bình), tổ chức vào ngày 7/12 tại Lóng Luông. Nội dung này nhận được 95% người dân đồng thuận, 5% còn lại là những người không biết chữ, không có con em đi học - theo chia sẻ của ông Sùng A Màng, Chủ tịch xã Pà Cò, với báo chí.

Gop tet nguoi Mong vao tet Nguyen dan: Mot quyet dinh la lung!
Nếu không có gì thay đổi, từ tết Kỷ Hợi năm 2019 trở đi, đồng bào dân tộc Mông thuộc 4 xã Lóng Luông, Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia (Hòa Bình) sẽ chuyển sang ăn tết Nguyên đán như cả nước, bỏ tết cổ truyền riêng - Ảnh: Lê Bích

Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM chiều 25/12, ông Sùng A Màng cho biết, việc lấy ý kiến nội dung chuyển tết người Mông thành tết Nguyên đán được đưa ra lấy ý kiến của dân rồi mới họp. Lý giải cho sự thay đổi, ông Màng cho rằng, để con em tập trung học hành, nghỉ tết dài ảnh hưởng tới phát triển kinh tế địa phương, chưa kể những hệ lụy khác từ các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên con số đồng thuận tới 95% mà chính quyền Pà Cò đưa ra, lại khiến người ta đặt dấu hỏi về độ khả tín. Tỷ lệ đó là ý kiến được lấy trong phạm vi một nhóm người của một xã hay toàn bộ đồng bào đang sống trên địa bàn 4 xã của hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La như trên?

Nhờ người kết nối, liên lạc với anh P.A. (hiện sống ở xã Pà Cò), anh cho biết: “Tới đây, đồng bào Mông sẽ ăn tết Nguyên đán như người Kinh”. Hỏi chính quyền xã có hỏi ý kiến anh về chủ trương nhập tết không, anh P.A. trả lời: “Không biết lắm, nghe cán bộ bảo thế thì dân nghe thôi”. Từ câu chuyện này, đặt ra một câu hỏi khác: liệu có một sự áp đặt từ phía chính quyền đối với đồng bào hay không?

Gop tet nguoi Mong vao tet Nguyen dan: Mot quyet dinh la lung!
Liệu đang có sự áp đặt nào về việc gộp tết Mông và Tết Nguyên đán tại một số xã của Lai Châu, Hoà Bình?

Theo thông tin từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cục đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan xác định nguồn gốc của văn bản trên. Chuyện làm việc với dân chưa hay chỉ là quy ước của lãnh đạo cũng sẽ được làm rõ. Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận thì ngành văn hóa sẽ có tiếng nói với chính quyền, làm sao để vẫn giữ được ngày tết các dân tộc.

Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, trong câu chuyện này, phải xác định rõ sự chuyển đổi đó là mong muốn của người dân hay chính quyền. Anh nói: “Nếu tự đồng bào muốn thay đổi, ăn tết theo người Kinh thì không nói. Rõ ràng, ta không thể ép đồng bào giữ cái mà người ta không còn nặng lòng với nó nữa, dù đó sẽ là một điều đáng tiếc.

Cũng như người Kinh chúng ta đón Giáng sinh (vốn là ngày lễ của người Thiên chúa giáo), nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày đồng bào H’Mông đồng thuận đón Giáng sinh, kể cả những người không có tín ngưỡng. Thế nhưng, nếu có sự ép buộc hoặc tác động từ phía chính quyền thì đó là hành động thiếu tôn trọng văn hóa các tộc người, đi ngược tiêu chí bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia”.

Gop tet nguoi Mong vao tet Nguyen dan: Mot quyet dinh la lung!
Vào ngày tết của người Mông, người dân xã Pà Cò mặc áo mới, đưa nhau đi chơi khắp các bản 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định: “Tết của người Mông là một di sản văn hóa của một trong những cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mỗi cộng đồng tộc người có những giá trị văn hóa riêng, chúng ta phải tôn trọng”. Trong chuyện “gộp tết” này, nên có một ứng xử hợp lý hợp tình đối với văn hóa, với chủ thể văn hóa đó. Theo anh, điều quan trọng nhất là ý kiến cộng đồng đó ra sao.

Có ý kiến cho rằng, chuyện gộp tết người Mông vào tết Nguyên đán nói nhỏ sẽ nhỏ, vì mang tính địa phương; nhưng nói lớn sẽ lớn, vì nó liên quan tới nhiều vấn đề về kết nối và bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người mà câu chuyện của dân tộc Mông là một ví dụ.

Thông thường, với những quyết định dạng này, phải có đánh giá tác động văn hóa. Thế nhưng, trước sự phản ứng của Cục Văn hóa cơ sở và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, có thể thấy, ngành văn hóa dường như không hề được đề nghị tham vấn, mà là 4 xã tự quyết với nhau. Tất nhiên, nói như nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, nếu đây là ý muốn của đồng bào, ta có cấm cũng không được. Đó là quyền của người ta, nhưng nếu đó là ý muốn mang tính “phủ đầu” của chính quyền, thì câu chuyện lại khác.

Gop tet nguoi Mong vao tet Nguyen dan: Mot quyet dinh la lung!
Ngày tết của đồng bào Mông vùng cao có những nét văn hóa đặc sắc thu hút nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu

Hiện nay, tình trạng bản sắc văn hóa bị “xói lở”, tính đa dạng văn hóa được cào bằng về một mối đang diễn ra từng ngày. Vẫn biết tiếp biến là điều không thể tránh khỏi trong quá trình hội nhập, nhưng giữ cái gì và bỏ cái gì vẫn là hai câu hỏi cần được ngành văn hóa trả lời một cách rốt ráo. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam (Hội Văn hóa di sản Việt Nam):

"Phải xem lại công tác bổ túc văn hóa ở địa phương”

* Phóng viên: Anh nghĩ gì về quyết định nhập tết của người Mông vào tết Nguyên đán, đang gây ồn ào dư luận?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam: Nhiều người hiểu sai về tết của người Kinh nói riêng và của các dân tộc khác nói chung. Mỗi vùng miền đều có những đặc trưng văn hóa riêng biệt; chẳng hạn, lễ mừng cơm mới phải được tổ chức sau ngày mùa. Lễ hội cầu ngư, cầu mưa cũng phải gắn liền với cuộc sống của con người ở vùng miền đó. Từng có đề nghị sáp nhập tết dương lịch và âm lịch với lý do tiện cho công việc, sản xuất, kinh doanh khi hội nhập với thế giới.

Nhưng người ta quên mất một điều: văn hóa thì không thể sáp nhập được, vì nó là cuộc sống của những chủ thể văn hóa khác nhau, ở những địa bàn khác nhau, tùy điều kiện tự nhiên - sinh hoạt - tín ngưỡng mà tạo ra những nghi thức, nghi lễ khác nhau, trong khoảng thời gian nhất định. Những người chủ trương sáp nhập như thế, theo tôi, là đang góp phần hủy hoại văn hóa.

Gop tet nguoi Mong vao tet Nguyen dan: Mot quyet dinh la lung!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam

* Giữa lúc văn hóa người Kinh ảnh hưởng nhiều tới văn hóa những tộc người khác, sự đa dạng văn hóa có vai trò quan trọng ra sao?

- Văn hóa của mỗi dân tộc là một sự khác biệt. Chúng ta chỉ có thể phân biệt dân tộc này với dân tộc khác thông qua văn hóa. Không phải vô cớ mà UNESCO xếp hạng những di sản, phong tục khác nhau. Tại sao thế giới người ta không đặt vấn đề sáp nhập văn hóa mà Việt Nam lại cứ đòi sáp với nhập? Tôi nghĩ là do sự thiếu hiểu biết của những người đề xuất. Thậm chí người ta cũng chẳng quan tâm tới phản ứng của cộng đồng xem liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu dùng mệnh lệnh hành chính để ép buộc.

Gop tet nguoi Mong vao tet Nguyen dan: Mot quyet dinh la lung!
Dựa vào văn hóa để nhận diện sự khác nhau giữa các dân tộc, vì vậy bản sắc văn hóa riêng cần phải được giữ gìn 

* Nhưng ở trường hợp cụ thể này, chủ trương đó lại nhận được sự đồng thuận của đa số người dân?

- Tôi nghĩ, từ đầu, cách đặt vấn đề của chính quyền đối với người dân đã không đúng. Sự suy giảm đang diễn ra trong lòng chủ thể văn hóa ấy. Thay vì phải tích cực khôi phục, phát huy thì chính quyền lại nghĩ tới chuyện sáp nhập. Theo tôi, trách nhiệm của những người quản lý văn hóa không được thể hiện trong những chuyện như thế này. Phải tuyên truyền cho người dân, để họ hiểu được sự đáng quý của văn hóa mà người ta gìn giữ nhiều đời nay.

 * Anh đánh giá như thế nào về trình độ chung của đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa ở các địa phương hiện nay?

- Ngoài một số cán bộ có tâm, có trách nhiệm, đa số cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn còn thiếu hiểu biết về văn hóa cũng như yếu kém trong quản lý văn hóa tại địa phương. Họ không chú tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của những nét văn hóa cần được phát huy. Tôi cũng không rõ công tác bổ túc, giáo dục văn hóa diễn ra như thế nào. Đây là việc rất quan trọng, vì trong một thế giới phẳng, người ta chỉ có thể dựa vào văn hóa để phân biệt, nhận diện quốc gia, dân tộc. Ở ta, việc này đang bị thờ ơ.

* Xin cảm ơn anh. 

Du Nguyên

 Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI