Đừng mang thói khôn vặt ra 'chơi' EVFTA

04/07/2019 - 13:00

PNO - Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn, thế nên cần nhìn nhận Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) từ nhiều hướng...

Ý kiến chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp - Trần Đình Cửu với Hiệp định EVFTA được ký kết cách đây ít ngày. Ông Cửu cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam với trình độ phát triển thấp hơn, đặc biệt với quy mô và năng lực phần lớn là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa thì sẽ có nhiều thách thức, yêu cầu đặt ra. 

Phóng viên: Những yêu cầu thách thức đặt ra cho DN Việt Nam là gì thưa ông?

Chuyên gia Trần Đình Cửu: Khi thuế quan hạ xuống đến mức 0% khả năng hàng Việt Nam thâm nhập vào châu Âu và hàng châu Âu vào Việt Nam rất lớn. Nhưng ở đời không ai cho không ai bao giờ. Khi thuế quan đi xuống thì hàng rào kỹ thuật cũng sẽ nhiều hơn. Đây là lẽ đương nhiên.

Hàng rào kỹ thuật là gì? Có rất nhiều thứ. Ví dụ, tiêu chuẩn sản phẩm dịch vụ muốn bán vào châu Âu dứt khoát phải cao. Trước tiên doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị, cải tiến đột phá sáng tạo liên tục để có thể đáp ứng chuẩn mực sản phẩm rất cao đó. 

Vậy nên muốn chớp lấy cơ hội vào được thị trường châu Âu thì phải vượt qua những thách thức liên quan đến hàng rào kỹ thuật.

Thủ tướng nói rằng, Hiệp định này tạo ra con đường cao tốc. Rất đúng! Đã là đường cao tốc thì chỉ dành cho những chiếc xe đạt tiêu chuẩn của chuẩn cao tốc mới chạy được. Nếu chỉ quản lý theo kiểu cũ, kiểu đối phó thì chúng ta không thể nào lên đường cao tốc được. Phải cải tiến từ bây giờ để chớp ngay từ bây giờ.

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp - Trần Đình Cửu

* Xin ông nói rõ cụ thể là DN phải đầu tư, cải tiến đột phá ra sao để phù hợp với hàng rào kỹ thuật?

- Nếu muốn hàng hóa có chất lượng ổn định đáp ứng hàng rào kỹ thuật đòi hỏi doanh nghiệp phải có chất lượng quản lý ổn định. Tiêu chuẩn quản lý hiện đại nhất và phổ biến hiện nay là ISO 9001:2015. Còn DN nào về sản xuất thực phẩm, nông nghiệp, thủy hải sản thì về mặt chất lượng phải áp dụng tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000; BRC…

Đồng thời phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc. Nguyên vật liệu và tất cả các thứ nhập về phải nằm trong các nước có Hiệp định thì mới giảm thuế. Nếu áp dụng hệ thống quản lý vừa nêu trên thì việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Còn tồn tại những kiểu gian lận như nhập hàng Trung Quốc, đánh tráo lẫn lộn rồi đội lốt “Made in Viet Nam” (sản xuất tại Việt Nam) để xuất đi thì sẽ có chuyện. Việc làm này cần phải dừng ngay.

Châu Âu rất quan tâm đến môi trường, họ luôn xem các doanh nghiệp có bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không và đòi hỏi cần phải áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Đặc biệt, họ còn xem doanh nghiệp có tiết kiệm năng lượng không và phải áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001.

Dung mang thoi khon vat ra 'choi' EVFTA
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp Trần Đình Cửu

Ngoài ra, một điều quan trọng đối với châu Âu là họ kiểm soát rất chặt công ty bán hàng vào thị trường của họ. Đó là vấn đề con người, cán bộ công nhân viên. Chúng ta có đối xử công bằng với cán bộ công nhân viên theo đúng luật an toàn lao động hay không. Nếu có thì phải áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm giải trình xã hội để hoàn thiện các điều kiện làm việc cho người lao động tại các DN, trang trại hay văn phòng SA8000, tiêu chuẩn an toàn sức khỏe nghề nghiệp là ISO 45001.

DN Việt hãy nhớ rằng, họ đòi hỏi chúng ta áp dụng tiêu chuẩn thật chứ không làm hình thức hoặc “diễn”.

* "Diễn" là như thế nào thưa ông?

- Muốn làm ăn với DN, khách hàng từ châu Âu sẽ tiếp xúc và đặt hàng thử rồi sau đó sẽ đặt lô hàng lớn. Tuy nhiên có một thực trạng là DN Việt thường làm mẫu mời chào đạt yêu cầu, nhưng sau đó hàng hóa xuất đi lại không đạt yêu cầu hoặc các DN chỉ áp dụng các tiêu chuẩn một thời gian rồi sau đó bỏ.

Khách hàng từ châu Âu có một mối lo rất lớn về vấn đề này. Họ không tin tưởng vì nhiều DN Việt Nam vẫn làm chưa thật và vẫn còn “diễn”. Hiện số lượng DN Việt Nam có giấy chứng nhận các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật trên rất nhiều nhưng chỉ có khoảng 20% DN bán được hàng vào châu Âu và 20% DN này làm thật, không làm hình thức và không “diễn”.

Cách đây 4 tháng có một ông giám đốc của công ty rất lớn, đã bán hàng cho châu Âu khoảng 3-4 lô hàng. Ông ta gọi điện thoại cho tôi, công ty ông ta có giấy chứng nhận ISO 9001, SA8000, ISO 45001. Sau khi mua 4 đợt hàng, khách hàng châu Âu cử đại diện tới đánh giá thì công ty ông ta rớt chỉ tiêu SA8000 liên quan tới việc tăng ca quá quy định tại Việt Nam. DN này cho rằng đối thủ cạnh tranh kế bên cũng cho công nhân tăng ca nhiều nhưng tại sao đánh giá đạt yêu cầu, hay có vấn đề tham nhũng gì không. Từ đó không muốn sửa sai, lại muốn “phù phép” để lọt qua việc đánh giá.

Tôi bảo không tốt, hãy cải tiến giảm việc tăng ca, làm thật đi. DN này cho biết, giảm tăng ca bằng cách tuyển thêm người thì chi phí sẽ đội lên, lỗ vốn... Hơn nữa, nếu không cho công nhân tăng ca họ sẽ nghỉ hết, bởi công nhân rất thích tăng ca vì nhờ việc tăng nên lương cao.

Nghe qua hợp lý và không phải một DN nói, mà đây là DN thứ 47 nói với tôi câu này. Tôi từng bí mật khảo sát nhân viên không có mặt của ban lãnh đạo. Tôi hỏi, thực chất các bạn có thích tăng hay vì điều gì? Công nhân trả lời, tụi em không muốn tăng ca, chỉ quan tâm tổng thu nhập ngày càng cao, cuộc sống tốt hơn. Do tổng thu nhập thấp quá, thành ra phải cắn răng tăng ca để tổng thu nhập tăng lên. Em dưới tỉnh lên, buổi tối không làm gì nên phải tăng ca, tăng ca mệt lắm. Không có thời gian dành cho cuộc sống riêng hay gia đình...

Nói đi phải nói lại, quả thật DN này không thể nâng lương cho nhân viên, nhân viên lại muốn tổng thu nhập cao. Chẳng qua, hãy nhìn vào thực chất trong công ty, năng suất lao động của người Việt Nam cực kỳ thấp, trong công ty có quá nhiều lãng phí, từ đầu vào đầu ra, hàng tồn kho nhiều. Để cải tiến, buộc DN phải đầu tư trang thiết bị mới, đồng nghĩa với việc phải vay số tiền rất lớn, đội chi phí nhiều. Nhưng nếu không cải tiến thì sao được?

Đến giờ này có rất nhiều DN bán hàng cho châu Âu mười mấy năm, đơn cử như thủy sản Minh Phú, may Việt Tiến, may Nhà Bè… họ đã vắt óc để cải tiến. Việc cải tiến sẽ tạo hiệu ứng “domino”, sẽ nâng cao năng suất, giảm chi phí, đến khi bán thu được lợi nhuận, có tiền đầu tư tiếp. Do đó DN muốn tận dụng cơ hội phải vượt qua thách thức đó. Phải làm thật chứ không “diễn”, có như thế chúng ta mới đón được.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hoa (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI