Con trâu như thế nào hả mẹ?

06/07/2017 - 16:00

PNO - Con trâu từng là bạn thân của tuổi thơ mẹ nhưng với thế hệ của con, lại trở nên quá xa lạ.

Bài văn tả con trâu của con bị cô giáo phê bình bằng logo mặt buồn. Lỗi ấy không hoàn toàn ở con. Hôm ấy con hỏi, con trâu thế nào hả mẹ? Mẹ giải thích qua loa, gõ google cho con xem hình con trâu, nghĩ đơn giản rằng chừng ấy thông tin là đủ.

Con trau nhu the nao ha me?
 

Mẹ còn nói: "Nó gần bằng con voi, cũng đen đen như thế". Con trâu con chưa gặp, chứ voi thì con nhớ như in, vì thường được vào Thảo Cầm Viên. Và trong bài văn tả con trâu, con đã viết: "Con trâu to gần bằng con voi, đen đen như thế, đuôi dài như thế nhưng ngà trâu mọc trên đầu và không có cái vòi".

Mẹ mất ngủ với bài văn có mặt buồn của con. Mẹ buồn vì con mẹ được mẹ đầu tư học nhiều loại kỹ năng, từ giao tiếp cho tới… lãnh đạo nhí, nhưng kỹ năng ấy không thể giúp con trong một bài văn tả con trâu.

Con trâu từng là bạn thân của tuổi thơ mẹ nhưng với thế hệ của con, lại trở nên quá xa lạ. Mẹ nhớ tới những bài văn tả con gà (đã luộc trên mâm cỗ), tả cây chuối (mỗi ngày bố vẫn hái từng quả chín cho em ăn)… Mẹ tin đó là những “nhầm nhọt” có thật.
Mẹ xếp lịch đầu hè cùng con về quê.

Trọn vẹn một tuần mẹ con được sống trong tươi xanh cỏ cây, đồng ruộng, bên heo, gà, trâu, chó; mỗi sáng mai mở cửa đón nắng, gió và tiếng chim cùng ùa vào nhà… Đáp lại lời đề nghị về quê của mẹ, con hờ hững: “Có gì vui không mà mình ở cả tuần vậy mẹ?”. Bố giận con, đóng sầm cửa. Thật tình con chẳng có lỗi, lỗi tại bố mẹ không chủ động nối dài sợi dây gắn kết quê hương với con.

Ban đầu, con thấy cuộc sống ở quê không có gì thú vị. Thấy trẻ con tắm trên sông, con lè lưỡi vì cách đó vài chục mét là trâu tắm. Đi ra cánh đồng lúa, con phải nín nhịn “muốn bể bụng” khi mắc tè. Mặc dù đồng không mông quạnh chỉ có mấy ông cháu rất thân quen con vẫn không chịu “thiên nhiên” mà đợi quay về nhà đi toilet.

Thấy đỉa bơi dưới nước, con đứng lại ngó, nói con cá gì vậy mẹ? Nghe mẹ giải thích tác hại của con đỉa, con lại “làm quá” khi nó bu vào chân. Và mẹ thấy nụ cười của con xuất hiện nhiều hơn mỗi tối, khi con được sà vào ipad trong hai tiếng theo “quy định” của mẹ.  

Không nản, mẹ “thách đố” con: con không đụng ipad, mẹ không đụng điện thoại vào buổi tối. Dần dà, con cũng quen hơn với cuộc sống chân quê. Buổi tối con theo ông lên sân thượng chơi. Khuya, trước khi đi ngủ, con cười thật tươi, nói: "Con đã đọc về các vì sao trong cuốn Bách khoa thư trẻ em, nhưng giờ mới biết chúng có những sự tích, những câu chuyện hay đến thế". Ông ngoại đã kể cho con nghe sự tích nhiều vì sao… 

Giờ thì mẹ tạm yên tâm, nếu năm học tới, cô có yêu cầu tả đồng quê hay bầu trời sao, cánh đồng lúa... con sẽ không còn “ngố” nữa. 

Bạch Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI