Ngày gia đình Việt Nam 28/6: Cuộc trùng phùng giữa khơi

28/06/2017 - 09:55

PNO - Nếu Tổ quốc cần, mẹ sẵn sàng hiến dâng núm ruột của mẹ là con, bởi có yên chốn biên thùy, thì bao người trên đất liền mới bình yên mà sống.

Trên con tàu KN 290 chở đoàn đại biểu của TP.HCM đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, có năm hành khách đặc biệt. Giữa rộn ràng tiếng cười chào nhau, dễ dàng nhận ra họ. Lặng lẽ, hơi ngượng ngập và cái nhìn thu kín.

Ngay gia dinh Viet Nam 28/6: Cuoc trung phung giua khoi
Ông Huỳnh Văn Sơn ở P.3, Q.Bình Tân và con là Huỳnh Quốc Hưng

1. Trước và sau bữa cơm, tôi để ý, hai chị Đào Thị Hồng Hoa và Đỗ Thị Anh Khoa xúm lại phụ giúp tổ nấu ăn, xong ra tựa lan can nhìn biển. Con chị Hoa là chiến sĩ Sầm Khắc Huy, còn Phạm Văn Anh Đại là con chị Khoa, đều đang ở đảo Song Tử Tây. “Không ngờ được thành phố cho ra gặp con” - câu nói từ hai chị, lặp đi lặp lại như lời tạ ơn chân thành. 

“Tôi buôn bán ở chợ Tân Bình. Thằng Đại nhập ngũ tháng 2/2015, bao đêm ngày nhớ con, mỗi khi nó điện về thì cố không khóc, sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của con. Nghe tin được ra thăm con, chị em buôn bán ở chợ la lên trời đất ơi, sướng quá hà, 10 ngày một tháng gì cũng dẹp hết buôn bán, đi liền đi! Tôi nhường cho ba nó, nhưng ổng nói thôi em đi, anh ra biết nói gì với con, thằng Đại thì điện về nói con muốn gặp mẹ”.

Còn chị Hoa thốt lên: “Tôi ở P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, bán tạp hóa, nghe tin được thăm con, đóng cửa liền, thiệt là hên, còn hơn trúng số độc đắc. Thằng Huy nói con ở ngoài này thì mẹ mới có cơ hội ra Trường Sa, chứ con về thì mẹ sao đi được. Có tiền đi nước ngoài dễ như chơi, chứ Trường Sa là không dễ đâu”. 

Đêm trước khi đi, họ không ngủ được. Ai làm mẹ, hẳn hiểu được nỗi nhớ con cháy lòng, mà đâu phải con đi đâu đó rồi về, ưng thì kêu nó về. Con trong tay mẹ ấp ủ nâng niu, một ngày nó tuột khỏi tay mình, đi ra với anh em đồng đội, sống đời lính biển bao gian truân. Chị Hoa trầm giọng: “Nó ở nhà, tôi khổ lắm, nó tham gia dân quân phường, nhưng đêm nào cũng chơi 1-2g sáng mới về, tôi chờ cửa suốt đêm”.

Chị Khoa cũng nói Đại lêu lổng, cho nó đi bộ đội để trưởng thành: “Thằng này ngộ lắm, các bác nó nói đi lính thông tin ở Q.9 sao mày không chịu, ra chi ngoài Trường Sa? Nó cự lại, nói như bác ai bảo vệ đảo của mình! Thế là xin đi hải quân. Thằng em học lớp 9, ngày nào cũng lên mạng mở hình ảnh bộ đội đảo Song Tử Tây. Nhưng rồi nó nói anh nào cũng giống anh nào, nên không biết anh Hai ở đâu”.

Ngay gia dinh Viet Nam 28/6: Cuoc trung phung giua khoi
Bà Đào Thị Hồng Hoa ở Bình Hưng Hòa B và con trai là chiến sĩ Sầm Khắc Huy

Họ đang vượt trùng khơi thăm con. Hành trang mang theo là nỗi nhớ nôn nao, hy vọng. Đứa con nào mà không quyến luyến mẹ. Đi xa, nhớ về mẹ, trong muôn vàn điều đan xen của tình mẫu tử, thì món ăn mẹ nấu hẳn là cồn cào. “Thằng Huy nói mẹ ơi ngoài này không thiếu thứ gì, nhưng con chỉ thèm thịt kho tàu của mẹ thôi. Nhưng đi thế này, sao tôi mang ra được. Ngày 8/3, nó điện về chúc mừng, nói “con yêu mẹ”.

Tôi nghe vậy, khóc òa lên. Nó nói mẹ vững lòng đi, ngoài này anh em thương nhau lắm, con về mẹ sẽ nở mày nở mặt vì con là lính Trường Sa”, mắt chị Hoa ầng ậng nước. Còn Đại thì nói thèm thịt gà luộc, chị Khoa nói ráng đi, ra quân thì về ăn. Mỗi lần lính trẻ điện về đều nói khỏe. Nhưng, mẹ nào chẳng muốn gặp con, dẫu con có nói gì đi nữa, mẹ nhìn mới thỏa lòng. 

Đại kêu “mẹ!” rồi lao đến ôm chầm chị Khoa. Mẹ con cùng khóc. Tôi nhìn mấy đồng nghiệp nữ, ai nấy mắt đỏ hoe. Chị Hoa hỏi bằng giọng hơi lạc đi giữa cái nắng nung người trên đảo Song Tử Tây: “Thằng Huy đâu con?”. Đại nói: “Dạ nó ở bên kia”. Anh sĩ quan hải quân đứng gần lập tức rút điện thoại: “Nói Huy nhanh lên, mẹ đang chờ”. “Trời, con mập khỏe thế này hả con?”.

Chị Hoa thốt lên, hôn không ngừng vào má Huy và nức nở. Huy, chàng binh nhì cao lớn, đẹp trai, thẹn thùng như con gái, khóc như mưa. Đám đông vây quanh họ. Anh sĩ quan nhắc: “Vui đi, khóc chi nữa”. Tôi lùi ra nhìn họ. Hãy để nước mắt rơi cho ngày trùng phùng giữa biển, cho điều không thể đã hóa thành có thể.

Nước mắt mẹ con rơi giữa đảo san hô chập chùng bão tố, giữa trưa nắng gắt và gió biển rát da mặn chát này, là một “xen” không thể lặp lại ở bất kỳ thước phim nào, dù đạo diễn dàn dựng kiểu gì cũng không thể hơn được. Mẹ con đã gặp nhau ở Trường Sa, địa danh mà bất kỳ người dân Việt yêu nước nào nghĩ đến cũng bồi hồi và thấy ngút ngàn xa xôi, có thể cả đời mơ ước mà không thể đến được. 

Đại kiệm lời, đọc thư em trai gửi và cười, nói ngắn gọn rằng, con cảm ơn mẹ đã ra thăm con, cố gắng phấn đấu để trưởng thành, về đất liền sẽ đi học nghề. Còn Huy ngồi dưới cột mốc chủ quyền, khóc nức nở, khiến đồng nghiệp nữ ở HTV khóc theo: “Ra đây, em mới biết thương mẹ bao đêm chờ cửa đợi em về”. Huy quay qua nhìn mẹ: “Con hứa với mẹ, từ nay con sẽ sống có ích”.

Nhìn chị Hoa nước mắt lăn  dài, tôi hiểu, lòng chị đang chất ngất niềm vui. Dễ gì nuôi một đứa con khôn lớn, ở nhà nó nghe bạn bè chứ đâu nghe lời mẹ. Giờ nó nói câu đó, mẹ mãn nguyện biết chừng nào. Quân đội đã thay mẹ dạy con. Tôi nghĩ bên trong câu nói mộc mạc của người mẹ ấy bao hàm cả sự biết ơn. Mẹ đã một lần một mình “vượt biển” sinh con, giờ mẹ lại vượt biển lần nữa.

Nhưng lần này mẹ không cô đơn, bởi đi cùng đồng đội của con và bà con cô bác anh chị. Tôi hỏi chị Khoa về anh lính trẻ Phạm Văn Anh Đại, chị trải lòng: “Chững chạc lắm anh, tôi mừng biết mấy. Bao năm nói nó không nghe lời, giờ nó dặn tôi là mẹ đừng thức khuya, trời lạnh nhớ xoa dầu giữ ấm. Nó trưởng thành rồi anh à”. Con đã lớn khôn. Cả đời mẹ chỉ mong vậy.

2. Ở góc bên kia, các ông Lâm Văn Vui, Đặng Văn Tơ cùng ở Hóc Môn lặng lẽ ôm con trai là chiến sĩ Lâm Quốc Thái và Đặng Công Minh. “Đàn ông họ không bộc lộ cảm xúc”, lời ai đó nói giữa đông đặc ánh nhìn. Tình cha con, lắm khi nó đơn điệu, thấy như hơi lạt.

Nhưng nhìn họ cùng con ngồi xuống ghế đá, trầm tư, tôi biết, có cả một đại dương trong lòng con ốc nhỏ. Gác việc nhà, cha ra đảo thăm con. Cái nắm tay từ bàn tay gầy gò của ông Vui lên cánh tay vạm vỡ của con trai, tôi nghĩ nó nặng hơn một lời thăm hỏi. “Cả nhà khỏe không ba?”. “Ừ khỏe, mẹ con khỏe, nói nhớ con nhiều. Con cố như anh em, đừng phụ lòng mong mỏi của gia đình và chỉ huy nghen con”.

Tôi nhìn cha con họ, ông Vui, ông Tơ và cả ông Huỳnh Văn Sơn ở P.3, Q.Bình Tân thăm con Huỳnh Quốc Hưng, cùng nhìn ra biển, như có luồng sóng vô hình đang lặng lẽ truyền nhau giữa họ. Sơn, Minh là lính trên đảo Nam Yết, dù trước khi đi, ông Tơ và ông Sơn đã được thông báo là có thể đi chuyến sau, vì lần này không ghé đảo Nam Yết, nhưng cuối cùng họ cũng đi. Vì Bộ Tư lệnh Hải quân cho tàu chở Huy, Sơn vượt hơn 20 hải lý đến Song Tử Tây gặp gia đình. 

Thế mới biết, ơn nghĩa của thân nhân chiến sĩ nặng biết chừng nào. Bởi họ là hậu phương, là điểm tựa cho người ở tiền tiêu. Để con được nhìn thấy cha, mà thêm vững lòng, cha nhìn thấy con để yên tâm động viên con bám đảo. Cả ba ông đều xuất thân là lính. Tình cha con cũng là tình đồng đội. Cái nắm chặt tay đủ nói mọi điều. Huỳnh Quốc Hưng khá lém lỉnh: “Ba mập dữ ta, phát tướng kìa”.

Ông già cười khà khà: “Ba khỏe thôi, có ít quà má mày, chị mày gửi nè, con chia cho anh em cùng dùng nghen”. Ông bỗng trầm ngâm mà giọng trang nghiêm: “Tôi từng là lính ở chiến khu Dương Minh Châu. Cho con đi bộ đội Trường Sa, tôi muốn con biết gian lao đời lính để sau này trở về tiến bộ đã đành, nhưng cũng muốn con sau này sẽ dạy con của nó, rằng đất nước mình có điều đặc biệt, là đàn ông luôn phải ở tư thế cầm súng”.

Tôi ngỡ ngàng nhìn ông, khi lời đúc kết ở ông khác gì một sử gia. Lại thấy nặng trĩu ở ông nỗi đau đáu của đời dân với phận nước. Không biết ở chốn nào trên thế giới này, tình quân dân, tình cha con nơi chiến hào, giống như lúc này không? Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên. Đất nước bao phen bon ngựa đá.

Từ thuở cha ông xưa, bao thế hệ đã lên đường, nắm chặt tay nhau trong tư thế sẵn sàng quyết tử. Sứ mệnh treo đầu sóng mà giữ gìn từng thước đất tổ tiên, đâu chỉ riêng người lính, mà nó đọng ở từng nếp nhà, giấc ngủ, bữa ăn của bao gia đình trên đất nước hình chữ S này. Họ buồn vui theo nhịp sóng của từng doi cát, từng rặng phi lao, hân hoan hay lo lắng, căm phẫn hay bình yên, thảy đều như nhịp thở phập phồng của đất liền nối một mạch với nơi đảo xa. 

Phút chia tay đảo Song Tử Tây, tôi hỏi chị Hoa và chị Khoa rằng mẹ con có khóc nữa không, thì nhận được nụ cười tươi rói rằng không đâu, chỉ bịn rịn thôi, mừng vì con khỏe mạnh, nên người. Có niềm vui nào lớn hơn khi cha mẹ thấy con như lột xác ngoạn mục. Bởi cuộc đời con người, đôi khi chỉ cần một dịp, một cơ hội nào đó, ngắn ngủi thôi, họ thay đổi tất cả. Trường Sa đã dạy con thành người.

Quân đội đã rèn con thành một chiến binh. Có đi mới thấy đảo xa như chính nhà mình mà thêm tin yêu. Nếu Tổ quốc cần, mẹ sẵn sàng hiến dâng núm ruột của mẹ là con, bởi có yên chốn biên thùy, thì bao người trên đất liền mới bình yên mà sống. 

Dằng dặc trong tôi khi tiếng còi tàu hú ba hồi chia tay lính đảo, là hình ảnh bao người mẹ, bao người cha tiễn con ra trận. Và lần này, phút hạnh ngộ chừng vài ba tiếng đồng hồ của gia đình họ, khi họ cuống lên trước bao câu hỏi, nói tiếng được tiếng mất vì bồi hồi, dạy tôi rằng, một lần nữa, lũy thép ngăn quân thù đã được dựng lên ở những người sống ở đất liền như chị Hoa, chị Khoa, ông Tơ, ông Sơn. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI