Nhịn sao để không nhục?

07/10/2018 - 06:00

PNO - Trước ngày tôi về nhà chồng, ba tôi dặn dò: “Chữ nhẫn hay đi với chữ nhục. Con đừng để cuộc sống vợ chồng xuất hiện quá nhiều những chữ này...”. Ngẫm lại, thấy lời ba nói thật chí lý.

Chiều thứ bảy tan sở, trời mưa to, tôi thấy tin nhắn của chồng “anh đi nhậu với anh em, về trễ tí nhé vợ yêu”. Mỗi lần nhận tin nhắn vào đúng “giờ thiêng” là tôi hiểu ổng đi bù khú với bạn bè. Về, có chút hơi men, chồng bảo: “Tui là tui nhịn bà lắm đó, tại vì tui thương bà, chứ nhiều lúc bà quá đáng lắm”.

Nhin sao de khong nhuc?
 

Bất ngờ, tôi vặn lại: “Uống mấy lon rồi mà nói vậy?”. Nhưng tôi biết chồng nói đúng. Lâu nay ổng nhịn mình thiệt. Ví như có hôm đi làm về, chồng chưa kịp dắt xe giùm là tôi lầm bầm “làm gì mà lâu thế?”. Chồng rửa cái chén chưa sạch, tôi gắt “anh rửa chén kiểu gì vậy, khỏi làm đi, để em”. Mỗi lần bực bội, hầu như tôi đều tìm chồng để… trút giận. Chồng tôi vốn hiền lành, thương vợ, nên những lúc như vậy, chỉ cười cười. Nếu chồng nói thêm một câu hay phản ứng lại, chắc câu chuyện đã khác, có thể gây sóng gió.

Ngược lại, những lúc cãi vã, thấy sắc mặt chồng “biến dạng” là tôi im re, không dám hó hé. Đợi lúc ổng nguôi ngoai, hạ hỏa, tôi mới khơi lại câu chuyện dở dang. Có lẽ vì vợ chồng tôi biết “nhịn” đúng lúc nên gia đình ít khi sinh chuyện gì lớn. Điều này, tôi học từ lời dạy của ba và cả cách sống của má tôi, hồi còn ở quê.

Trước ngày tôi về nhà chồng, ba tôi dặn dò: “Chữ nhẫn hay đi với chữ nhục. Con đừng để cuộc sống vợ chồng xuất hiện quá nhiều những chữ này, vì nếu như thế, một ngày nào đó, hôn nhân sẽ đổ vỡ, hạnh phúc sẽ không còn, nếu con không biết tiết chế”. Ngẫm lại, thấy lời ba nói thật chí lý.

Ở quê, mỗi lần tôi thấy ba nổi cơn giận là má tôi im lặng. Má không nói câu nào, dặn các con giữ trật tự cho đến lúc trông ba vui vẻ, bình thường trở lại. Má hiểu ý ba đến mức, chỉ cần nhìn sắc mặt ba là má biết mình nên làm gì để ba nguôi giận. Thỉnh thoảng, má cũng “nổi cơn lôi đình” với ba. Lúc đó, ba tìm cách lảng đi chỗ khác. Ba má đều hiểu, mỗi khi cơn giận chế ngự thì lý trí chẳng thể suy xét được gì nhiều. Có lẽ vì vậy mà hơn 50 năm, ba má vẫn sống với nhau, dù trải qua bao khó khăn, sóng gió.

Nhin sao de khong nhuc?
Ảnh minh họa

Chị Tư của tôi nổi tiếng nóng tính. Mỗi lần kình cãi với chồng là chị đập tan nát đồ đạc trong nhà. Nồi cơm điện, tô chén, thậm chí tủ kính… chị đập tất. Chồng chị cũng thuộc dạng nóng nảy nên sau mỗi lần cãi vã thì nhìn nhà anh chị như một bãi chiến trường. Nhiều lúc, các con của anh chị nhìn thấy cảnh đó, chúng sợ hãi, khóc thét hoặc trốn vào góc nào đó trong nhà. Hậu quả của những trận lôi đình là chị tôi phải sắm sửa lại từng cái chén, từng đôi đũa... Lâu dần, anh rể tôi hiểu ý chị, mỗi lần thấy chị giận là anh bỏ đi. Anh đi uống cà phê hay chỉ cần “tránh xa tầm mắt” chị là ổn. Khi mọi thứ trở lại bình thường, anh với chị mới ngồi xuống nói chuyện. Chị tôi, sau những lần phải sắm lại đồ đạc, cũng đã kiềm chế bớt sự nóng nảy của mình. 

Tôi quen một cặp vợ chồng hay cãi mà hậu quả là hai người… đưa nhau ra tòa ly hôn. Trong lúc nóng nảy, anh chồng tát vợ một cái như trời giáng. Cái tát đó chính là giọt nước tràn ly, kết thúc mọi chuyện. Những tháng ngày hạnh phúc trong quá khứ, những lời yêu thương nồng thắm một thời không thể níu giữ được họ, chỉ sau một trận cãi nhau mà không bên nào chịu nhường bên nào. Thế mới biết, để kiềm chế cơn giận, một trong hai người phải “chịu thiệt” một chút. Lùi một bước trời cao biển rộng hơn là vì chút sĩ diện mà phải ân hận cả đời, đánh mất hạnh phúc.

Ông bà ta có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Kể cả thời chúng ta không còn nấu cơm trên bếp củi thì câu nói ấy vẫn giữ nguyên giá trị cho cuộc sống lứa đôi. Mỗi người nhịn một ít, kiềm chế lại một ít thì sẽ dễ dàng “điều khiển” được đối tác và duy trì hôn nhân êm đẹp.

Như vợ chồng tôi, cái sự “nhịn” của chồng tính ra đâu có thua thiệt điều gì. Bằng chứng là qua bao nhiêu lần, tôi hiểu chồng thực sự thương tôi, muốn gia đình hòa thuận. Biết chồng nhường nhịn, tôi thương chồng nhiều hơn, tập dằn lòng, bớt nóng nảy trong mỗi lần tranh luận. “Cơm sôi bớt lửa”. Chỉ cần thế thôi mà đủ đầy yêu thương. 

 Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI