Bốn năm mẹ giấu con, cha đi tìm trong vô vọng

09/08/2017 - 10:50

PNO - Trong suốt hai năm, bé G.L bị cách ly khỏi gia đình bên nội và cha. Anh T. cho biết, nhiều lần đến thăm con đã không được chị N. tạo điều kiện...

Khi đang xác minh đơn cầu cứu của chị T.N. (ngụ ở Q. Gò Vấp, TP.HCM) về quyết định cưỡng chế buộc giao con cho chồng cũ sai luật của cơ quan Thi hành án dân sự (THA DS) Q.Tân Bình (TP.HCM), chúng tôi lại tiếp nhận đơn tố cáo của chồng chị N. về việc chị chống lệnh cưỡng chế thi hành án, không giao con cho anh…

Bon nam me giau con, cha di tim trong vo vong
 

Luật có như không?

Chúng tôi theo anh H.T lên căn gác ở Q. Gò Vấp, nơi có một góc nhỏ rực rỡ sắc màu với hàng chục chiếc xe, máy bay, mô hình lắp ráp… và rất nhiều quần áo của bé trai. Anh T. nghẹn ngào: “Suốt bốn năm qua, đi công tác ở đâu thấy áo quần đẹp, đồ chơi lạ, tôi đều sắm cho con. Ban ngày đi làm, tối về thì ngồi lặng bên những món đồ chơi và những bộ quần áo này… nhưng tôi không biết con ở đâu mà đưa”.

Năm 2009, anh H.T và chị T.N kết hôn sau một thời gian yêu thương, bé G.L ra đời vào năm đó. Anh H.T.  làm giám đốc tiếp thị cho một công ty, chị T.N. là tiếp viên hàng không. Hạnh phúc được một thời gian thì hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, tình cảm rạn nứt dần do bất đồng quan điểm và lối sống. Họ thuận tình cùng nhau ra tòa án Q.Tân Bình. Theo bản án ly hôn sơ thẩm ngày 28/9/2012 và phúc thẩm ngày 24/7/2013, chị N., được quyền nuôi con, anh T. thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nhưng suốt hai năm sau, bé G.L bị cách ly khỏi gia đình bên nội và cha. Anh T. cho biết, nhiều lần đến thăm con đã không được chị N. tạo điều kiện. Chị N. nói: “Anh T. ít khi tới thăm con, thậm chí không cấp dưỡng nuôi con, nhưng lại đổ lỗi cho tôi. Anh còn thường xuyên nhắn tin qua điện thoại và cả  trên mạng xã hội cho tôi với những lời lẽ thô tục, làm phiền, gây rối, xúc phạm và xuyên tạc tôi”. 

Bất bình, anh T. làm đơn khởi kiện để giành lại quyền nuôi con. Xét thấy chỗ ở của chị N. không ổn định, lại khó liên lạc, tòa án đã chấp nhận đơn xin thay đổi quyền nuôi con của anh T. Vụ kiện cả hai cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm ngày 16/7/2015 và ngày 18/11/2015 các tòa đều giao quyền trực tiếp nuôi con cho anh T. Thế nhưng, sau đó, cơ quan THA DS Q. Tân Bình không thi hành bản án. 

Cùng thời gian này, chị N. làm đơn cầu cứu khắp nơi. Chị cho rằng TAND Q.Tân Bình ra quyết định “cấm xuất cảnh” và cưỡng chế thi hành án, buộc chị giao con cho anh T. nuôi dưỡng không đúng quy định pháp luật.

Anh T. hỏi: “Vì sao cô ấy vi phạm bản án của tòa mà THA không động tĩnh? Như vậy thì… luật để làm gì?”

Bon nam me giau con, cha di tim trong vo vong
Ảnh minh họa

Không giao con, phạt tới 3 triệu đồng

Ngày 26/7, trả lời phóng viên về khiếu nại của chị N. và anh T., ông Nguyễn Hoàng Chiến - Chi cục trưởng Chi cục THA DS Q. Tân Bình cho biết, những quyết định chưa được xuất cảnh và cưỡng chế THA với chị N. do cơ quan này ban hành đều đúng luật”. 

Riêng phần khiếu nại của anh T. về việc Chi cục và Viện Kiểm sát không có quyết định khởi tố đối với chị N., ông Chiến nói: “Theo khoản 2 điều 120 Luật THA, trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế, buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Theo quy định hiện hành, mức phạt 3.000.000 đồng với hành vi không giao con theo quyết định của tòa của chị N. lại thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục THA DS TP.HCM chứ không phải của THS DS Tân Bình. Tuy nhiên, theo Cục THA DS TP.HCM, hiện chị N. đang khiếu nại hai quyết định của Chi cục chúng tôi, nên trước mắt đang giải quyết khiếu nại mà chưa xem xét việc áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính chị N. Vì vậy, cũng chưa có cơ sở để chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự đối với chị N. về tội không chấp hành án”. 

Chị N. đã khởi kiện ra TAND Q. Gò Vấp để giành quyền nuôi con trở lại. Ngày 14/4/2017, TAND Gò Vấp ra thông báo thụ lý vụ án. Hiện tại, anh T. đang khiếu kiện về việc thụ lý “tréo ngoe” này. 

Trong trường hợp TAND quận Gò Vấp đưa vụ án ra xét xử mà lại tuyên trái với nội dung của bản án phúc thẩm ngày 18/11/2015 của TAND TP.HCM, thì cơ quan nào có thẩm quyền tổ chức thi hành án? Chúng tôi nêu ra giả thiết này và được ông Nguyễn Hoàng Chiến trả lời: “Đây thật sự là vấn đề mới, chưa từng có trong tiền lệ. Nếu điều đó xảy ra, cần phải có hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ của Cục THA DS TP.HCM”.    

Ths. Hoàng Kim Chiến (nguyên Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp) phân tích: Đến hôm nay, bản án phúc thẩm ngày 18/11/2015 của TAND TP.HCM  vẫn có giá trị cao nhất và buộc các bên phải thi hành. Cơ quan THA có quyền buộc chị N. phải thực hiện phán quyết của tòa, việc cơ quan THA DS TP.HCM lấy lý do phải trả lời khiếu nại mà chậm trễ trong việc THA là chưa tròn trách nhiệm. Tôi cho rằng Cục THADS TP.HCM cần có phản hồi sớm nhất về những khiếu nại của cả chị N. lẫn anh T. để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp các bên”. 

Nghi Anh

Đừng lôi con vào cuộc chiến

Đứa con không phải là món hàng để giành giật hay chia chác, nhưng thực tế, trong câu chuyện này, bé G.L. thật sự đã bị cha mẹ giành giật. Chị N.T. có thể đảm bảo việc nuôi dưỡng con tốt nhất, nhưng khi chị nhân danh tình mẹ, cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa con với gia đình bên nội là trái luật và chưa nghĩ thấu đáo cho con.

Khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha hoặc mẹ bao giờ cũng chịu những tổn thất tinh thần khó bù đắp. Thế nên, anh chị cần chuyển hóa tình thương thành sự hy sinh. Cần bình tâm suy nghĩ, dùng lý trí suy xét xem G.L về sống cùng ai sẽ tốt cho bé hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.   

Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI