Bi hài chuyện em bé… hai cha

06/11/2017 - 05:00

PNO - Những sai lệch giấy tờ khiến đứa trẻ tự nhiên được “khuyến mãi” một người cha. Ngoài chuyện phải ngược xuôi lo điều chỉnh giấy tờ cho con, người mẹ còn vướng cái ải khó vượt - “lòng người”.

Chị Kim An và anh Thượng Bình (chồng cũ) cùng lớn lên tại một xã nghèo thuộc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, qua mai mối, họ nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới vài ngày, chị Kim An một mình đến UBND xã hỏi thủ tục đăng ký kết hôn (ĐKKH). 

Bi hai chuyen em be… hai cha
Ảnh minh họa

Cán bộ phụ trách hộ tịch xã vốn là bạn học của anh trai chị nên thủ tục được “rút gọn” đến kỳ lạ - không cần có mặt người chồng, chị vẫn được cấp giấy chứng nhận kết hôn với chữ ký và con dấu thật, nhưng không lưu hồ sơ gốc. Anh Bình học ít, chưa bao giờ quan tâm đến các thủ tục giấy tờ nên cũng không hề hỏi vợ về việc có ĐKKH hay không.

Tuổi thọ của cuộc hôn nhân Bình - An chỉ được sáu tháng bởi tính tình cả hai không hợp nhau. Dưới sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, họ “chia tay” nhẹ nhàng, chẳng có đơn ly hôn, không cần tòa án. Anh chị cho rằng cả hai chưa có con, không tài sản chung, cớ gì phải thủ tục rắc rối.

Hậu chia tay, hai người cắt đứt liên lạc. Anh Bình về Gia Lai lập nghiệp, có vợ mới, sinh ba đứa con. Năm 2000, họ ĐKKH, thủ tục “xác nhận độc thân” cho anh khá dễ dàng, do cuộc hôn nhân trước của anh không có hồ sơ gốc.

Chị Kim An cũng vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, chị gặp và sống chung như vợ chồng với một thương gia Trung Quốc, có một con trai chung và không ĐKKH. Vì ngại thủ tục hành chính, được sự đồng ý của “chồng mới”, chị An mang giấy chứng nhận kết hôn bản chính đi làm giấy khai sinh cho con với tên là Nguyễn Văn Ý, có “cha” là tên người chồng cũ - anh Thượng Bình.

Bi hai chuyen em be… hai cha
Ảnh minh họa

Vài năm sau, “cha chính chủ” của cháu Ý muốn đưa cháu về Trung Quốc học tập. Ngặt nỗi, giấy tờ thể hiện cháu Ý là con anh Bình, quốc tịch Việt Nam. Để điều chỉnh khai sinh, đổi tên cha cho con, chị An phải nhờ đến sự hợp tác của chồng cũ. Chị xin số điện thoại, chủ động liên lạc với anh và anh Bình cũng vui vẻ nhận lời. Nào ngờ, gần tới ngày xuất hành theo kế hoạch thì đầu dây bên kia “ò í e”.

Hóa ra, vợ sau của anh Thượng Bình, khi nghe chuyện đã đùng đùng nổi máu Hoạn Thư. Chị quả quyết anh Bình “bắt cá hai tay”, bởi thời gian từ năm 2000-2005, anh Bình thường đi Sài Gòn lấy hàng về buôn bán. Tình ngay lý gian, anh Bình vốn kiệm lời, không “đấu khẩu” nổi vợ mới, nên quyết định “miễn tiếp vợ cũ”, cho nó lành.

“Tôi nói không là không, chị đừng hòng nối lại tình xưa với chồng tôi. Chị mà ngoan cố kiếm ảnh, đừng trách tôi” - nhận được lời vợ mới của chồng cũ nhắn chuyền qua cầu nối họ hàng, chị Kim An hoàn toàn bế tắc chuyện trả tên cha cho con. 

Thương Thủy

Nhờ tòa giải quyết nếu có tranh chấp 

Theo quy định của Luật Hộ tịch 2014 (LHT) và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LHT thì giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Nội dung giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân. Các thông tin trong giấy khai sinh liên quan đến người được đăng ký khai sinh; cha mẹ người được khai sinh như: họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch… (điều 14, LHT).

Chuyện của cháu Ý, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (LHNGĐ) và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 21/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LHNGĐ thì: Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp (điều 101, LHNGĐ). Vì vậy, yếu tố thiện chí của người “chồng cũ” sẽ quyết định thẩm quyền, thời gian giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì “trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân theo quy định tại khoản 2 điều 3 của luật này, tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào sổ hộ tịch; trường hợp nơi đăng ký hộ tịch là cơ quan đại diện thì thông báo cho Bộ Ngoại giao để chuyển đến cơ quan đại diện ghi vào sổ hộ tịch (điều 30, LHT)...

Trường hợp thay đổi quốc tịch, cụ thể cha ruột cháu bé muốn cháu bé chuyển sang quốc tịch Trung Quốc thì phải làm thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các điều 27, 28, 29, 30 Luật Quốc tịch 2013. Trong đó, miễn thủ tục xác minh nhân thân cho người dưới 14 tuổi.

ThS. TRẦN HOÀI NHÂN - Công ty luật TNHH Vĩnh Huy, Q.Tân Phú, TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI