Bạo hành tinh thần, nỗi đau không thể đo đếm

22/08/2017 - 12:00

PNO - Hương cúi mặt nghẹn ngào khi nước mắt chực tuôn ra nhưng cô cố kìm vì đang trong bàn ăn cơm cùng cả gia đình. Nỗi đau khổ tuyệt vọng khiến cô nghĩ ước gì có một phép màu làm mình trở nên mạnh mẽ hơn.

Hương là một giáo viên giỏi được học sinh và đồng nghiệp yêu mến. Thế nhưng, sau những giờ đứng lớp về nhà cô luôn cảm thấy lo sợ. Đó là nỗi lo lắng về tâm trạng của chồng. Hương trở nên ít nói, trầm mặc trong chính gia đình mình. 

Bao hanh tinh than, noi dau khong the do dem
Bạo hành về tinh thần ăn mòn. Ảnh minh họa

Từ sau khi cưới cô đã lờ mờ nhận ra chồng mình cộc cằn không còn như lúc đang yêu. Những năm đầu sau hôn nhân, khi vợ chồng có mâu thuẫn, trong lúc nóng giận chồng Hương thường nói những câu nói thô lỗ chỉ trích cô không thương tiếc. Sau khi nguôi giận, anh tỏ ra hối lỗi và bù đắp cho cô và Hương bỏ qua. Nhưng rồi lâu dần, các cơn nóng giận của chồng Hương không còn đoán biết vì lý do gì, chúng khiến cô luôn cảm thấy có lỗi, luôn phải dò ý chồng trước khi làm bất cứ việc gì. Thậm chí chọn mua một tấm áo mới cho mình, Hương cũng lo không biết chồng có vừa ý không.

Hôm nay, nhà có hai người cháu bên Hương đến ở nhờ đi thi đại học. Đang trong bữa cơm, anh không vừa ý vì cả buổi sáng cô quên không lấy đồ trong máy giặt ra phơi, cô bối rối xin lỗi chồng, “Thôi mà anh các cháu đang ăn, em xin lỗi”. Vậy mà chồng Hương vẫn lớn tiếng giữa bàn ăn: “Cô chẳng bao giờ làm gì nên hồn! Cô còn quên như thế nữa thì khôn hồn!”. Xấu hổ trước các cháu nhưng Hương nuốt nước mắt vào trong, niềm cay đắng, buồn chán trong Hương lại dâng trào, nghẹn ngào…

Đây là một trong những câu chuyện điển hình về bạo hành tinh thần, chúng hiện xảy ra khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Rất nhiều phụ nữ đang phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng về tâm lý. 

Theo thống kê, có hơn 53% phụ nữ Việt đã bị bạo hành, vùng Tây Nguyên và Bắc Việt Nam có tỷ lệ cao hơn hẳn. Đặc biệt vùng nông thôn có 4/10 phụ nữ được hỏi đều trả lời họ không cảm thấy gia đình là nơi an toàn hạnh phúc.

Do tính chất âm thầm nên bạo hành tinh thần là loại bạo lực gia đình phổ biến nhất và có thể trở thành bạo hành thể xác vì chị em phụ nữ thường cố chịu đựng, vì không hiểu biết hoặc sợ bị trả thù hoặc giữ sĩ diện cho gia đình. 

Bao hanh tinh than, noi dau khong the do dem
Cha mẹ không hạnh phúc ảnh hưởng nhiều lên tâm lý và tương lai của trẻ. Ảnh minh họa

Tầm quan trọng và sức tàn phá của loại bạo hành này vẫn chưa được đánh giá đúng mức tại Việt Nam, tuy nhiên, bạo hành tinh thần gây ra đau đớn âm thầm và kéo theo nhiều hệ lụy. Theo các chuyên gia tâm lý, nạn nhân trực tiếp của bạo hành tinh thần sẽ bị tổn thương về độ tự tôn bản thân, mất sức phấn đấu và làm việc, trầm cảm tự đổ lỗi có khả năng dẫn đến ức chế mất kiểm soát hành vi. 

Trẻ em lớn lên trong môi trường có cha mẹ bị bạo hành tinh thần có khả năng cao trở thành người bạo hành trong gia đình trong tương lai hoặc ngược lại, mất tự tin, giao tiếp kém ảnh hưởng đến thành công của trẻ. Tác hại đối với xã hội là vô cùng to lớn vì phụ nữ cũng là một nguồn lao động cung cấp sức cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Phụ nữ cần làm gì?

Trong nhiều trường hợp người bị bạo hành chưa muốn ly hôn và khả năng thay đổi hành vi ở người phối ngẫu là khó thì người bị bạo hành có thể bảo vệ bản thân bằng các hình thức và chiến lược đối phó:

- Bỏ ngoài tai những lời nói hành vi bạo hành, chú trọng yêu thương phát triển bản thân

- Mạnh mẽ đặt ra giới hạn cho các lời nói và hành vi chấp nhận được.

- Không quan tâm, vì càng tỏ ra quan tâm và dễ tổn thương càng bị lạm dụng.

- Không tự đổ lỗi bản thân.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ động viên từ người thân, bạn bè, dành nhiều thời gian cho những người có thể giúp bạn phát triển bản thân.

- Dự phòng trường hợp khẩn cấp. Bắt đầu để dành tiền riêng, chuẩn bị sẵn túi đồ ở nơi an toàn để khi cần có thể rời đi an toàn.

Phạm Ngọc Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI