Du lịch bức tử môi trường - bài học cay đắng từ Thái Lan

26/04/2017 - 09:21

PNO - Du lịch bức tử môi trường mang lại không ít bài học cay đắng cho các nước láng giềng Việt Nam, tương tự như vụ phá rừng phòng hộ ở Phú Yên để phục vụ cuộc thi hoa hậu tới đây.

Hơn 100ha rừng phòng hộ ở Phú Yên đang bị phá để làm sân golf, khách sạn, resort nhằm chào đón cuộc thi hoa hậu vào tháng Bảy tới, dù hoạt động trên đến nay vẫn chưa được cấp phép.

Việc làm này cho thấy tư duy làm du lịch ngẫu hứng, chỉ ham cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả. Cách làm du lịch bức tử môi trường như vậy không hề thiếu những bài học cay đắng từ thực tế. 

Du lich buc tu moi truong - bai hoc cay dang tu Thai Lan
Một bãi biển du lịch của Thái Lan ngập ngụa trong rác - Ảnh: Mirror

Thái Lan - quốc gia được mệnh danh là thiên đường du lịch, hiện đang buộc phải nhìn lại cách làm du lịch của họ, trước khủng hoảng môi trường đang xảy ra.

Mới đây, Hải quân Hoàng gia Thái Lan vừa phát hiện một “đảo rác” có chiều dài lên đến 10km, dày đặc chai nhựa, bao ni lông, túi xốp khó phân hủy, lềnh bềnh ở khu vực gần đảo Koh Talu và các khu nghỉ dưỡng của tỉnh Prachuap Khiri Khan, nơi khách du lịch rất yêu thích.

Thuyền trưởng Noppadon Thintaeb đã chụp cảnh tượng bầy hầy trên mặt nước biển đó đăng lên facebook. Trước những hình ảnh xấu xí này, cộng đồng mạng Thái Lan quyết liệt yêu cầu chính quyền phải có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh du lịch. 

Đảo Koh Phi Phi gần vịnh Maya 30 năm trước là một điểm đến hoang sơ, bao quanh bởi rừng rậm, nay đã thành “nạn nhân” mới nhất của ô nhiễm. San hô quanh vịnh chết gần hết, mà nguyên nhân là bị các mỏ neo của tàu cao tốc kéo lê dưới đáy biển, nước thải từ chuỗi khách sạn, việc xả rác vô tư của khách du lịch phá hủy.

Koh Phi Phi có thể là hòn đảo tiếp theo bị đóng cửa sau nhiều đảo du lịch đã bị đóng cửa vì chính quyền không chấp nhận hy sinh môi trường cho du lịch. Chỉ mới tháng Mười năm ngoái, Thái Lan đã đóng cửa bãi biển tuyệt đẹp của đảo Koh Tachai.

Tổng giám đốc Cơ quan quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn động thực vật hoang dã Thái Lan Thanya Netithammakun cho biết: “Chúng tôi phải đóng cửa hòn đảo để khôi phục môi trường cả trên đảo và vùng biển, trước khi chúng tôi bó tay với những thiệt hại về sinh thái mà hòn đảo này đã phải hứng chịu”.

Việc thường xuyên quá tải khách du lịch, gấp 15 lần mức quy định, khiến chính quyền địa phương không thể quản lý nổi, dẫn đến thả lỏng việc giám sát các hành vi hủy hoại môi trường từ những du khách vô ý thức. Trước đó, Thái Lan cũng đã đóng cửa quần đảo Similan, Mu Surin, đảo Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai. 

 Theo Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index-HPI) do Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation) của Anh đưa ra, quốc gia có chỉ số cao nhất lại là đất nước nhỏ bé Costa Rica ở khu vực Mỹ Latinh.

Nhà báo môi trường người Anh Gaia Vince đã đến Costa Rica tìm hiểu vì sao nơi này dẫn đầu bảng xếp hạng HPI. Điều Gaia nhìn thấy khá đơn giản: Costa Rica không đi vào lối mòn như các quốc gia láng giềng.

Đất nước này thoát khỏi đói nghèo, ma túy bằng sự vươn lên từ việc đầu tư cho môi trường. Trong khi các khu rừng trong khu vực bị đốn sạch để phục vụ cho công nghiệp hóa và du lịch thì Costa Rica làm ngược lại. Họ phủ xanh diện tích ngày càng nhiều hơn.

Chính quyền nước này nhận ra, không ai có thể thành công khi khai thác triệt để thiên nhiên, thay vì chung sống với những giá trị tự nhiên. Việc quản lý du lịch chặt chẽ ở Costa Rica đã gây ấn tượng mạnh cho Gaia Vince.

Các khu vực du lịch sinh thái luôn hạn chế tối đa lượng khách du lịch được đến, nhằm bảo đảm việc giám sát không để họ gây hấn với môi trường. Phần lớn lợi nhuận từ du lịch được tái đầu tư cho các trường học và dịch vụ công ích.

Mỗi sáng thức dậy trong tiếng chim hót, nhìn ngắm những chú khỉ vui nhộn và rừng cây xanh mát, là bức tranh tuyệt diệu mà thiên nhiên dành tặng trở lại cho người dân Costa Rica.  

Năm 2017 được Liên Hiệp Quốc chọn là Năm quốc tế của du lịch bền vững vì sự phát triển. Mỗi năm, ngành công nghiệp không khói tạo ra lợi nhuận 1.260 tỷ USD trên toàn thế giới và đã đến lúc các quốc gia cần thắt chặt các quy định quản lý ngành du lịch, để đây thực sự là ngành phục vụ đời sống tinh thần cho con người.  

THIÊN NHƯ (Theo Bangkok Post, Express, LifeGate)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI