Ảo tưởng Kpop

02/08/2013 - 11:08

PNO - PN - Đêm nhạc Lee Min Ho tại Việt Nam hoãn vô thời hạn vì ế vé là minh chứng mới nhất cho ảo tưởng trong tham vọng kinh doanh các show ca nhạc quốc tế ở Việt Nam.

Ao tuong Kpop
Đêm nhạc của Super Junior được đánh giá là thành công lớn về khán giả lẫn truyền thông
nhưng vẫn thất bại về doanh thu

Công ty tổ chức show diễn tại Việt Nam, VDC Entertainment, cho biết, họ mới chỉ bán được 122 vé, thu về khoảng 458 triệu đồng, quá ít so với con số 3.500 vé dự kiến. Thú nhận này hẳn là rất đau đớn bởi trước đó, trong buổi họp báo công bố thông tin chính thức về đêm nhạc vào ngày 26/6, đại diện ban tổ chức thông báo: “Chúng tôi rất tin tưởng vào thành công của đêm nhạc vì trong số khoảng 3.500 vé dự kiến đã có 2.000 vé được đặt, 500 người chắc chắn mua. Còn khoảng 1.000 vé được ban tổ chức chia ra bán thành hai đợt”.

VDC Entertainment quá non trẻ, nên những gì mà công ty này nhìn nhận về thị trường kinh doanh các show nhạc Hàn có phần lạc quan tếu. Có thể những lần chứng kiến đám đông fan cuồng Kpop ở Việt Nam trong hai năm qua đã khiến họ ảo tưởng rằng việc mời Lee Min Ho sang Việt Nam có thể là “một món hời”.

Ngặt nỗi, đám đông fan cuồng kia và những đêm nhạc nghẹt thở vì chen lấn mỗi dịp sao Hàn sang Việt Nam, chỉ là “hàng miễn phí”, được tổ chức định kỳ nhân các dịp như kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Hàn, sự kiện quảng bá văn hóa có chủ đích từ phía nước bạn nhắm tới thị trường Việt Nam... Những đêm nhạc mang tính thương mại 100% của Kpop tại thị trường Việt Nam đến nay chưa từng có chương trình nào thắng lợi về doanh thu.

VDC Entertainment cũng chưa nhìn thấu bài học thất bại về doanh thu của hai nhà tổ chức Việt - Hàn (Công ty D&D và Enter One) trong hai đêm Bi-Rain coming to Vietnam, diễn ra sáu năm trước (10 và 11/3/2007). Với mức đầu tư một triệu USD cho chương trình trên, dù nhận được nhiều lời khen từ khâu tổ chức đến chất lượng chương trình, nhưng đến nay công ty D&D đã “tắt tiếng” trong việc mời sao ngoại. Những hàng ghế trống ở Sân vận động Quân khu 7 năm ấy hẳn đến giờ vẫn ám ảnh họ.

Nguyên nhân thất bại của các show ca nhạc quốc tế tại Việt Nam nói chung và những show nhạc đến từ Hàn Quốc nói riêng, đều xuất phát từ khán giả chính của những show này - khán giả tuổi teen Việt Nam, vẫn là những khán giả xin tiền bố mẹ để mua vé. Trong khi đó, giới teen ở Nhật, Hàn, hay Singapore, thậm chí Thái Lan đều có thể tự làm thêm kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hơn nữa, đời sống của những nước này đều cao hơn Việt Nam, lớp khán giả này dư sức tích cóp để mua một tấm vé đi xem show có giá lên tới 100 - 200 USD, thậm chí, có thể bỏ tiền túi bay sang Việt Nam theo thần tượng.

Đặc tính trên đã đánh đổ bất cứ show diễn đình đám nào thuộc làn sóng teen pop hay Kpop trong khu vực khi đến Việt Nam. Sẽ còn rất lâu nữa Việt Nam mới có thể trở thành điểm dừng trong các tour diễn vòng quanh châu lục hoặc thế giới của các ngôi sao đình đám. Ai đó muốn dùng “liều thuốc thử” khi đem những tour diễn tầm cỡ về Việt Nam, nếu không có những đại gia muốn quảng bá thương hiệu đứng ra tài trợ, chẳng phải là ảo tưởng lắm sao?

 M.I.N.H

Từ khóa Ảo tưởng Kpop
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI