Hãy để bé mang họ của anh

05/05/2019 - 06:00

PNO - Em không thể để bé ở nhà với ngoại hoài, rồi sẽ đến lúc bé vào lớp Một. Chi bằng hãy cho anh làm ba của bé, hãy để bé mang họ của anh. Anh sẽ tới trường mẫu giáo đón con...

Sinh em bé, suốt hai năm cô ru rú trong nhà, dù chuyện chẳng thể giấu giếm hàng xóm được nữa. Má cô vừa vỗ về vừa nói khích, đã dám quyết giữ con lại mà nay không dám bế con ra đường chơi là sao? 

Cô không biết nói gì. Đúng là chính cô xin ba má cho phép mình được giữ giọt máu của kẻ phụ bạc. Cô không hy vọng một cuộc sám hối trở về, cô biết là mình lầm lẫn, cô hối hận rất nhiều, thậm chí ý nghĩ từ bỏ từng xuất hiện. Nhưng rồi cô quyết định giữ lại. Con của mình. Cô tự nhủ từng ngày. Con của mình. 

Hay de be mang ho cua anh
 

Nhưng khi em bé còn nằm trong bụng và cô có quyền chọn lựa ở ẩn trong phòng hoặc đợi trời tối hẳn mới chui nhanh vào taxi để đi đâu đó, khá dễ dàng. Thậm chí, khi cô vừa bước ra sân mà đụng ánh mắt xoi mói của bà hàng xóm thì cô cũng có một chọn lựa khác nữa là quay lưng về phía hàng rào. Cô như con đà điểu, thiên hạ nhìn thấy mặc kệ, miễn mình không nhìn thấy họ! Rồi cũng qua được từng ngày.

Nhưng em bé lên hai tuổi không cho cô quyền ẩn nấp nữa. Em bé đòi được ra sân, về phía có con chuồn chuồn bay thấp bay cao chấp chới gây bao xao động. Em bé hay ngóng ra cổng, nơi có những bông hoa lấp ló bờ rào cùng bước chân người qua lại khơi gợi bao nỗi tò mò. Em bé nhoài khỏi vòng tay bà ngoại và mẹ để chập chững đi ra sân và ngước lên trời cao, không hiểu vì sao mình phải nheo tít mắt lại mà mặt trời thì rực rỡ nhường kia…

Má cô là người vội vàng chạy theo để nâng đỡ em bé, còn cô lùi lại sâu hơn, có khi cô lùi tận bếp với lý do chính đáng là nồi canh sắp sôi. Vừa cố tìm sự bận bịu trong bếp cô vừa khổ sở nhận ra mình không đủ can đảm như mong muốn. Cô không thể bắt em bé quay lưng lại hàng rào, ngược lại, em bé háo hức hướng về phía giọng nói và cô líu lưỡi không làm sao đối đáp lại câu hỏi xóc óc của bà hàng xóm: “Chà, bé kháu quá ha. Giống ai vậy ta?”.

Má cô thở dài, người ta đâu thể lẩn trốn suốt đời được, đến khi em bé lớn thêm nữa thì càng khó. Thôi được rồi, tạm thời để em bé lại đây với má, còn con thì hãy đi đến một nơi nào đó không ai biết chuyện của mình để mà sống cho ra sống. Va chạm cọ xát với đời đến khi nào vững vàng hơn thì về với con. 

“Làm sao biết khi nào mình vững vàng hả má?”, cô bật câu hỏi như một đứa trẻ cần bám víu. “Còn gì khác nữa, trong cảnh này thì vững vàng có nghĩa là bình thản cho thiên hạ biết mình có một đứa con”, má cô đáp lời thẳng thừng. Vậy, đôi khi có những định nghĩa khác biệt.

Thế là cô đến nơi này, làm kế toán cho công trình xây dựng. Ngày tiễn cô đi, má làm mặt giận hỏi, hết việc rồi hay sao mà đâm đầu vô làm kế toán công trình? Má khuyên ra đi là muốn cô có cơ hội chữa lành vết thương và làm lại cuộc đời chứ có phải tiếp tục trốn tránh đâu.

Cô cũng biết là rất cực so với làm kế toán trong phòng có máy lạnh, nhưng mà cô thấy hợp với mình. Không dễ một sớm một chiều cô bứt ra được thói quen từ khi biết mình có thai. Công trình xa xôi, điều kiện thiếu thốn và công việc vất vả, nơi đó không có những người đàn bà rảnh rang xoi mói chuyện người khác và không có những cô gái xinh đẹp để mà nhìn ngó nhau ghen tỵ, cũng không có những người đàn ông lãng mạn dễ khiến người khác xao lòng và dễ lỗi lầm. Nơi đó toàn là cát đá, sắt thép, xi măng và thầy thợ như nhau, người nào cũng bụi bặm trần ai và dễ cáu gắt. 

Hay de be mang ho cua anh
Ảnh minh họa

Công trường nắng chang chang, cô dễ dàng giấu mặt mình sau tấm khẩu trang. Cô trở lại là con đà điểu mà đà điểu nơi này chẳng những không phải nhìn thấy ai mà cũng chẳng sợ ai nhìn thấu mình.

Chỉ có điều cô không biết, chưa biết, rằng trái tim có thể nhìn xuyên thấu, huống chi là tấm khẩu trang vài ba lớp vải. Người kỹ sư xây dựng la to khi cô đi ngang qua giàn giáo: “Đang chuyền gạch kìa, nguy hiểm.” Trong khi cô ngước lên để có thể nghe rõ hơn người kia đang yêu cầu gì mình thì anh nhảy xuống khỏi giàn giáo vừa lặp lại câu cảnh báo vừa cầm tay cô kéo nhanh về phía khác. Cú cầm tay để lại trên làn da cô lấm chấm bụi xi măng, lẽ ra nên phủi ngay nhưng chẳng hiểu sao cô cứ để yên đó và cảm nhận nỗi ram ráp khiến trong lòng xốn xang…

Giải lao, anh em thợ thầy túm tụm hút thuốc, anh đi về phía cô đang ngồi nép bên hông lán trại đầy quần áo phơi phóng và hỏi như vu vơ: “Nắng quá ha?”. Cô “dạ” và nhớ lời má, bình thản cho thiên hạ biết mình có một đứa con. Cô lấy điện thoại ra, cho anh thấy hình nền là em bé nhoẻn cười khoe hai cái răng cửa như răng thỏ. Rồi cô gọi điện thoại trò chuyện với con. Em bé đã biết bi bô nhiều câu khiến trái tim người nghe nhoi nhói. Ừ, mẹ cũng nhớ con nhiều lắm. Cuối tuần mẹ về thăm con. Bây giờ mẹ phải làm việc đây.

Cất điện thoại vô túi, cô nhìn anh đang đi về phía giàn giáo và thấy mặt đất dưới chân mình xao động. Không dễ vững vàng như má nói. Nhưng phải vậy thôi. Còn cách nào khác đâu.

*

Ngày qua ngày, cô và anh gặp nhau trong những lần ký phiếu giao nhận xi măng, sắt thép… Anh dặn dò cô chốn công trường lỡ trời mưa thì phải thế này và trời nắng thì nên thế kia. Cô cảm ơn và tự vệ bằng cách lấy điện thoại ra trò chuyện với con. Bây giờ thì cô vững vàng hơn nhiều rồi. Cô kể cho anh nghe về con của mình, bé là con gái, hơn bốn tuổi, lẽ ra bé đã đi mẫu giáo nhưng mà vẫn ở nhà với ngoại. 

Hay de be mang ho cua anh
Ảnh minh họa

Má có lý, tự mình nói ra sự thật khiến gánh nặng trong lòng được nhẹ đi nhiều lắm, và chuyện cũng đơn giản hơn.

Cho đến một hôm, anh hỏi:

- Chắc bé giống em lắm ha? 

- Sao anh biết? 

- Ừ, thì nghe cách em nói chuyện với con tình cảm quá nên anh đoán vậy. Rồi anh bật ra, cuối tuần này cho anh cùng về với em thăm bé được không?

Cô mở to mắt nhìn anh, không muốn khóc mà nước mắt chực chờ. 

- Anh đã biết gì mà dám nói vậy chứ?

- Anh biết. Em đã ly hôn. Vì luôn thấy em đến đây một mình và cuối tuần ra bến xe cũng một mình. Nghe em nói chuyện với bé, chỉ nhắc tới ông bà ngoại và cậu dì mà không nghe nhắc tới ba và nhà nội. 

Anh nói với miệng cười thông hiểu và chìa bờ vai rắn rỏi mời cô nghiêng đầu xuống. Nhưng cô không thể. Nói vậy nghĩa là anh vẫn chưa biết gì. Một phụ nữ ly hôn vẫn được coi là chính danh. Cô thì không. Cô là một lỡ lầm. Cô không cho con đi mẫu giáo vì thủ tục đầu tiên là nộp hồ sơ và tờ giấy khai sinh phơi bày cho người ta thấy em bé mang họ mẹ. Cô không muốn bước đầu đời của con mình đã phải đối diện với điều đó mà chẳng biết phải làm sao. Cô luôn thấy mình có lỗi với con vì vậy. 

Cô tuôn ra một hơi, sợ mình ngừng lại thì không nói được nữa. Anh đã nghe rồi đó. Đã biết em là một kẻ như vậy rồi đó. Bây giờ thì anh đừng lầm lẫn nữa.

Ừ, thì anh đoán lầm một chút thôi, mà có sao đâu, anh cầm tay giữ lại không cho cô đeo tấm khẩu trang lên mặt, đừng làm đà điểu nữa, em không thể để bé ở nhà với ngoại hoài, rồi sẽ đến lúc bé vào lớp Một. Chi bằng hãy cho anh làm ba của bé, hãy để bé mang họ của anh. Anh sẽ tới trường mẫu giáo đón con...

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI