Sau Tết, ăn bánh Tết

12/02/2014 - 12:27

PNO - PNO - Tiếng là làm bánh để đãi khách, nhưng thật ra mẹ làm cho các con ăn thỏa thích, vì nhà tôi khách không nhiều, khách đến nhà chủ yếu để thăm viếng, chúc tụng. “Làm bánh đãi khách” chỉ là câu nói tỏ ý hiếu khách của mẹ mà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguyên liệu làm bánh từ cây nhà lá vườn. Nhà trồng mía, trồng lúa, nên đường, nếp không thiếu. Trứng gà cũng không thiếu, vì mẹ nuôi gà đàn, vừa để ăn, vừa bán lấy tiền. Mẹ chỉ mua đậu xanh về làm nguyên liệu. Giữa tháng Chạp, mẹ đi rang nổ. Nhà đông con, chúng tôi xúm lại bóc vỏ nếp bám vào những hạt nổ, chỉ một chốc là xong, rồi phụ mẹ làm bánh khô, bánh nổ. Có thể nói, đây là hai loại bánh chủ đạo, luôn có mặt trên bàn khách trong những cái tết thập niên 80, 90. Bánh in bột nếp và bánh đậu xanh cũng từng “oanh tạc” như thế. Rồi bánh tét, bánh tổ, bánh thuẫn, bánh tráng mẹ cũng làm nhiều.

Sau Tet, an banh Tet
 

Mùng 10 tết, trong khi chúng tôi vẫn còn ngất ngây với dư vị ngày xuân, thì ba mẹ đã ra đồng cuốc đất trồng mía. Dù mẹ không dặn, nhưng độ 9 giờ sáng, chị hai chiên bánh tét, và mang một ít bánh ngọt ra cho ba mẹ “ăn nửa buổi”. Tôi cũng theo chị hai mang bánh ra ruộng mía. Hình như bánh trái sau Tết ngon hơn trong những ngày Tết. Có lẽ vì ngày Tết đi đâu cũng được mời ăn uống, toàn những loại bánh nhà nào cũng có, nên sẽ không cảm nhận được vị ngon của bánh, thậm chí “ngán” bánh.

Sau Tết, có thời gian nhâm nhi những chiếc bánh tự làm, mới thấy thật ý vị. Mùi của trứng, của nếp, của đậu, của đường quyện vào nhau, cho vị thơm ngon không chê vào đâu được. Nhưng có lẽ bánh ngon là nhờ những nguyên liệu do chính ba mẹ làm nên, từ khâu chọn giống, vải giống, chăm sóc, đến khi thu hoạch, phơi phóng, cất giữ. Rồi cách chế biến hợp vệ sinh, sẽ cho một cái bánh thật ngon, mang lại cảm giác an toàn, tự tin cho người dùng. Mùng 10 rồi mà bánh nhà tôi vơi chưa tới phân nửa, trừ bánh tét phải ăn tranh thủ, kẻo hư. Năm nào cũng vậy, tôi đòi mẹ dành riêng cho tôi một bao bánh đủ loại.

Nói đến chuyện ẩm thực ngày Tết, mới thấy thương mẹ rất nhiều. Mẹ chịu khó, món gì cũng làm, vì muốn các con đủ đầy, thỏa thuê. Mẹ đảm đang, không chỉ bánh trái, mà cả những món nhậu cho ba, mẹ cũng chế biến khéo léo. Thường mùng bảy, mùng tám Tết học sinh đã đi học trở lại. Những ngày này, dư vị Tết vẫn còn, thầy cô và học trò thăm hỏi chuyện Tết nhứt, rồi được về sớm hơn ngày thường. Chúng tôi tranh thủ rủ nhau đến nhà đứa này đứa nọ, và đều được mời ăn bánh Tết. Tháng Giêng sắp trôi qua, nhưng bao giờ cũng vậy, ăn bánh Tết sau Tết luôn cho cảm giác ngon miệng, cảm nhận được vị đậm đà của những chiếc bánh quê chân chất mà nghĩa tình.

Buổi tối, mẹ cắt một ổ bánh tổ ra chiên. Ngày xuân, khí trời se lạnh, được quây quần bên đĩa bánh nóng nổi, vừa ngon, vừa chan chứa tình thâm. Sau Tết, ăn bánh Tết, cho cảm giác thú vị mà người nhà quê, từ già tới trẻ đều cảm nhận. Riêng tôi, tôi luôn dành cho mình một góc ký ức để nhớ về những cái bánh Tết được ăn trong suốt tháng Giêng.

SONG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI