Vào đại học quá dễ thì băn khoăn gì?

12/07/2019 - 10:30

PNO - Báo chí phản ánh nỗi băn khoăn của không ít người khi một số trường đại học công bố lượng thí sinh được tuyển thẳng, có khi tới cả ngàn.

Lý do để “băn khoăn” được nêu ra đây: tuyển dựa trên kết quả 3 năm liền đạt học sinh giỏi ở THPT (sẽ khuyến khích trường phổ thông cho điểm ảo); lại có nhiều loại tuyển thẳng. Trường đại học ra tiêu chí dễ, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiêu chí khó và ít.

Các nhà quản lý lên tiếng giải thích, đại ý, tiêu chí đâu có dễ, phải là học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc tỉnh, thành (ngoài tiêu chí 3 năm liền đạt học sinh giỏi THPT). Các con số tuyển cả ngàn là số ảo, đến nhập học thật sẽ ít hơn.

Nói chung, là cha mẹ có con đi học thì vừa lo cuống lên khi con dự “kỳ thi bão tố” - hàng vạn giảng viên đại học “chuyển quân” khắp nơi để coi thi, bị soi xét ngặt nghèo nhằm tránh gian lận thi cử - thấy căng thẳng đủ đường. Vừa thở phào xong, bây giờ lại lo con… đi đâu.

Vao dai hoc qua de thi ban khoan gi?

Ngày nay vào đại học không còn khó

Người cố lo cho con du học cũng chạy bạc mặt tìm trường tốt. Ngay cả Mỹ mà không thông thạo thì cũng có thể gặp trường ất ơ. Bao nhiêu du học sinh ra trường cũng đâu có việc làm dễ dàng. Vậy là giáo dục Mỹ cũng đào tạo xong để người học thất nghiệp như thường. Có khác chăng là có các chính sách xã hội tốt lo đỡ. Chưa kể còn phải tìm trường nào dễ có học bổng, nếu không thì phải cố hằng tháng bơm tiền cho… ông Trump.

Vì thế, nếu vào đại học dễ thì mừng chứ sao băn khoăn? Nếu vào khó, con trượt, bơ vơ, chạy xe ôm công nghệ chưa chắc nổi thì còn lo đến đâu. Cho nên, vào đại học dễ thì phải mừng cái đã. Con có chỗ học. Các đại học cũng đang trong nỗ lực cạnh tranh để có thương hiệu chất lượng tốt.

Nhưng nỗi băn khoăn muôn thuở vẫn còn đây chính là câu hỏi về chất lượng các đại học và các vấn đề phụ thuộc từ cả hai phía - người dạy và người học.

Chức năng giáo dục đại học, những nguyên nhân yếu kém hay thành công của giáo dục là vấn đề lớn, bàn cãi dài không dứt. Chỉ xin nêu một ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn để làm ví dụ. Theo ông, giáo dục đại học có 4 chức năng:

- Đáp ứng nhu cầu tri thức.

- Sáng tạo tri thức mới thông qua nghiên cứu khoa học, bàn giao ra xã hội.

- Cung cấp lực lượng lao động.

- Vận hành như một trung tâm văn hóa, khai hóa, hướng dẫn xã hội và cố vấn chính sách cho Nhà nước.

Xem mấy chức năng này, đa số các trường mới chỉ cung cấp phần nào tri thức, cung cấp lực lượng lao động. Sinh viên ra trường, có việc làm là may.

Cũng theo giáo sư Tuấn, đại học Việt Nam, nếu thất bại thì lý do là:

- Như ốc đảo, không tương tác xã hội và kỹ nghệ.

- Lẫn lộn với cao đẳng dạy nghề.

- Ít phát triển được các môn học khai sáng (như nghệ thuật, văn học, văn hóa…).

Còn về người học? Các bạn trẻ ở nhiều đại học chỉ chăm chăm học nghề, học kỹ thuật cụ thể chứ rất lười học các môn học mở rộng kiến thức và rất lười suy nghĩ. 

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI