Về nhà chồng, khổ hơn ở trọ

29/09/2014 - 07:10

PNO - PNO - Vừa ẵm thằng bé vào nhà chị đã nghe tiếng mẹ chồng càm ràm với chồng chị: “Sao lại đi chiên cá cái chảo này, cái chảo này để riêng cho thằng Út nó xào rau, nó chê tanh…”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thấy chị vào mẹ chị lại cố tình nói to và dằn giọng lại từng tiếng một “Đã nói không được chiên xào gì vào cái chảo này, cái chảo đó để thằng Út nó nấu…”. Chị “dạ” một tiếng rồi lẳng lặng lên phòng. Vừa đi chị vừa lí nhí “Do mẹ không dặn trước nên con không biết…”. Chưa kịp lên đến phòng nước mắt chị đã trào ra, mặn đắng. Thằng con của chị nhìn chị ngơ ngác không biết gì, nó còn khua tay quẹt quẹt 2 hàng nước mắt đang chảy dài trên má của chị.

Ve nha chong, kho hon o tro

Không biết đây là lần thứ mấy chị “phạm phải” những đồ không được dùng đến. Nếu mẹ chồng chị dặn trước thì chị đã tránh, lần nào cũng không nói nên chị thấy thì dùng chứ có để ý đến mấy chuyện lặt vặt này. Nhà thì chật chội, bếp thì dùng chung, nồi niêu xoong chảo, chén bát đều dùng chung cho cả gia đình, cái nào cũng giống như cái nào chứ có phải để tách biệt đâu. Như lần trước, chị vừa mới cầm cái tô xúc cơm thì mẹ chị gạt: “Không được dùng cái tô đó, cái tô đó để dành riêng cho con My, nó chỉ chịu ăn cái tô đó (My là con gái đầu của chú Út), lần khác chị mở tủ lạnh lấy cá rã đông để chuẩn bị chiên thì mẹ chồng chị lại bảo “Cá đó mẹ mua để dành riêng thằng Tuấn… (Tuấn là con trai của người con thứ 2)…

Lần nào chị cũng bị như vậy riết rồi chị ngại và hết dám tự ý lấy đồ nấu hay chiên xào. Trước khi làm gì chị cũng hỏi mẹ chồng “Cái này có xài được không, cái kia có nấu được không…”. Nhưng hôm nay mẹ chị đi qua nhà ngoại sớm nên chị quên không hỏi trước. Cái chảo chống dính cũ thường dùng đã rỉ sét, thấy cái này mới chị tưởng mẹ chị thay thế cái cũ nên lấy chiên cá. Không ngờ thành chuyện to đến vậy. Càng ngày chị cảm thấy cuộc sống chung đụng như tù ngục.

Chị nhớ lúc chưa lấy chồng, ngày chủ nhật đối với chị và cô bạn cùng phòng thật sự vui vẻ. Chị và cô bạn mua thức ăn về nấu vào bộ nồi niêu xoong chảo do chị và cô bạn hùn tiền mua. Khi lấy chồng, chuyển về ở nhà chồng, toàn bộ vật dụng nấu ăn chị để lại cho cô bạn. Lúc đó chị còn cười bảo: “Tui chuyển nhượng cho bà cái chén, đôi đũa, bộ nồi niêu xoong chảo này đó nhé, tui về nhà chồng rồi, xài đồ bên nhà chồng…”. Cô bạn cùng phòng của chị cũng phụ họa: “Sướng nhé, thế là từ nay thoát khỏi kiếp ở trọ, hằng tháng khỏi phải đóng tiền nhà…”.

Tiếng là ở nhà chồng nhưng mọi thứ chị không được quyết định, mọi thứ phải tăm tắp nghe lời mẹ chồng và phải làm theo ý của chú em chồng. Chồng chị là anh hai trong nhà nhưng lời ăn tiếng nói không có trọng lượng, mẹ chồng chị thì cưng chiều chú Út và chú Ba hơn nên chồng chị bị lép vế. Vợ chồng chị ở chung nhà hằng tháng cũng phải chi tiền chi phí sinh hoạt, tiền ăn hằng tháng, tiền thuế đất thuế nhà… thế nhưng muốn xài cái gì cũng phải hỏi ý kiến và có sự đồng ý của 2 người em. Nhiều lần, chị bàn với chồng ra thuê nhà trọ sống, để chị có chút không gian riêng, có thể thoải mái và một chút tự do nhưng chồng chị lần lữa không chịu. Anh bảo chị ráng chịu đựng, mình là con trưởng trong nhà, với lại ra ngoài thuê trọ tốn kém lắm. Chị chống chế: “Chứ ở đây có khác nào ở trọ đâu anh”.

Ve nha chong, kho hon o tro

Những lúc gặp tình huống chị hay nói với chồng, lâu dần chồng không giải quyết được nên chị cứ giấu trong lòng, thỉnh thoảng gặp cô bạn chung phòng trọ khi trước chị mới nói được vài câu cho thỏa sự uất ức. Và những lúc như vậy chị lại nhớ và thương ba mẹ của chị ở quê. Đúng là trên đời này, đi hết một vòng thế gian không nơi nào sướng và thoải mái bằng ở chính ngôi nhà ba mẹ ruột của mình. Chị càng thấm thía câu “Dù sao mẹ nào cũng cưng đứa con mình đẻ ra hơn là con của người ta về nhận mình làm mẹ…”.

“Hết tháng này em kiếm nhà trọ. Em chịu hết nổi rồi. Ở chung nhà em thấy đâu khác gì ở trọ, thậm chí còn thua ngày xưa em ở trọ, em muốn làm gì em làm. Chiều anh chở em đi siêu thị mua cái chảo mới…” Chồng chị vừa vào phòng, chị khóc thành tiếng. Rồi cũng như mọi lần, anh lại tìm nhiều lý do để hoãn lại: “Vợ chồng mình chưa có nhiều tiền, con còn nhỏ, ra ngoài đủ thứ chi phí, thôi cứ đợi vài năm nữa”. Bao nhiêu uất ức bấy lâu nay dồn nén, chị ngồi khóc ngon lành như một đứa trẻ bị giựt mất đồ chơi.

Chị nhớ lần trước về quê, mẹ chị nói có thùng chén mới của chị Ba chị mang về, có bộ nồi xoong mới anh trai của chị mua dàn máy vừa được tặng, có cái chảo chống dính là quà khuyến mại hôm rồi mẹ chị mới thay bình gas… có xài thì mang về xài. Chị bảo thôi thôi, nhà chật không có chỗ để, với lại ở nhà chồng đồ đạc cũng nhiều lắm rồi, mang vào biết để nơi đâu. Chị thầm ước một ngày nào đó chị cũng có căn nhà riêng, nhỏ cũng được, rồi chị tự mua sắm những vật dụng trong nhà, rồi gọi điện về nhà nói mẹ chị gửi hết mấy cái thứ linh tinh đó vô cho chị. Bây giờ thì chưa được, chị vẫn còn ở trọ, ở trọ nhà chồng.
 


HUYỀN NGA

Gần đây, câu chuyện thương tâm của một thai phụ ôm con trai hơn 2 tuổi nhảy xuống sông Lô đã tạo ra nỗi xót xa trong cộng đồng. Giữa những bàn tán của giới nữ, một lần nữa, đề tài “làm dâu” lại được các bà, các chị quan tâm: Giá như, chị ấy được nhà chồng cảm thông, giá như chị ấy biết cách bảo vệ mình…

“Chat với Hạnh Dung” cũng nhận được không ít tâm sự của những nàng dâu mới. Có người bỡ ngỡ trước “văn hóa” lạ lùng của nhà chồng: bắt các con dâu ăn riêng dưới bếp. Có người “choáng” trước phát biểu của mẹ chồng: “Chồng đánh vợ là chuyện bình thường”; “Đàn ông có vợ bồ bịch đâu có sao”…

Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những phụ nữ thành công trong việc “hòa hợp” với nhà chồng, vừa “nhập gia, tùy tục”, vừa giữ được bản sắc riêng của mình.

PNO mở chuyên đề “Làm dâu” mong tạo được sự kết nối giữa các bà vợ, để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm ứng xử đối với nhà chồng, nhằm có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.


Kính mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang
-Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
-Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI