Trước Ebola

16/08/2014 - 06:23

PNO - PN - Một tuần đã trôi qua kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đại dịch Ebola đang hoành hành, hơn 1.000 người đã thiệt mạng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Truoc Ebola

Dịch Ebola giết chết cả ngàn người ở Tây Phi.

Dịch bệnh đang trở thành nỗi kinh hoàng đối với người dân nơi ổ dịch bùng phát, và trở thành mối cảnh giác cao độ đối với các cộng đồng dân cư toàn cầu. Những biên giới quốc gia đóng lại. Các cửa khẩu tăng cường trang thiết bị và nhân viên y tế để ngăn chặn dịch bệnh. Những người trở về từ vùng dịch đều bị cách ly theo dõi. Mới đây nhất, WHO đã cho phép sử dụng một loại thuốc mới chưa được thử nghiệm trên người để điều trị Ebola, tuyên bố rằng trong tình trạng khẩn cấp hiện tại, việc làm trên là “không vi phạm đạo đức”, bởi trên thế giới không có loại thuốc đã được đăng ký để điều trị căn bệnh này.

Nhìn hình ảnh những nhân viên đeo khẩu trang và mặc áo choàng trắng theo dõi thân nhiệt của khách trên hành lang sân bay, thấy có phần an tâm vì sự hiện đại của trang thiết bị phòng dịch, sự kịp thời của các cơ quan chức năng. Người ta tin rằng cơ chế phòng tránh sẽ hoạt động tốt, người dân sẽ được bảo vệ khỏi căn bệnh kinh khủng đó.

Nhưng, chỉ cần quay ánh mắt sang bên cạnh chút thôi, cái vẻ sạch bong, an toàn của sân bay không còn nữa. Thay vào đó là những ao nuôi cá ở vùng ven thành phố, những căn nhà lụp xụp tạm bợ nơi nước thải, rác thải chảy thẳng xuống ao - nơi đó đã thành tâm điểm bùng phát của dịch tiêu chảy cấp. Trong những ca tử vong đầu tiên từ ổ dịch này, có trẻ em. Trước đó không lâu, đã là dịch sởi, hàng trăm đứa trẻ vật vờ trong bệnh viện, trong khi cha mẹ những đứa trẻ khác sốt ruột vì không còn vắc-xin chủng ngừa, vì bệnh viện quá tải… Trẻ con bao giờ cũng là những nạn nhân đầu tiên, bởi chúng yếu đuối nhỏ bé và non nớt. Nhưng, điều đáng nhớ là khi bệnh sởi bùng phát, cả những người lớn cũng nơm nớp đi chích ngừa - nỗi sợ hãi và lo lắng đã không chừa một ai.

Cả tiêu chảy cấp, sởi và các bệnh truyền nhiễm khác: sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm não Nhật Bản… đều là những căn bệnh có thuốc chữa, có thể chủng ngừa, chứ không phải là một tai họa khủng khiếp và vô phương cứu chữa như Ebola. Khi bóng ma Ebola còn rập rình ngoài cửa khẩu, thì sự thiếu hiểu biết, nếp sống tạm bợ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngay tại nơi mình sống đã gây ra những hậu quả chết người rồi. Việc ngăn chặn ở tầm quốc gia vẫn phải làm, nhưng nếu giữ cổng nhà, mà trong nhà không dọn dẹp cho thoáng đãng, sạch sẽ, không có biện pháp để tự phòng tránh dịch bệnh cho chính mình, gia đình mình… thì việc giữ gìn ngoài cửa khẩu kia chưa chắc đã hiệu quả bao nhiêu.

Dịch bệnh, thực phẩm bẩn… đã được báo động khắp nơi, nhưng những vỉa hè quán nhậu bình dân buổi chiều vẫn nườm nượp khách. Thủy hải sản không rõ nguồn gốc, ốc, thịt rừng, các loại khô… trên lò nướng tỏa khói nghi ngút, bia bọt vẫn chảy tràn. Hẳn bạn sẽ nói: đa phần khách nhậu là đàn ông. Nhưng sau mỗi một người đàn ông là một gia đình, là những đứa trẻ, là người thân, anh, em, bè bạn.

Ở xứ người đã có trường hợp người xấu số chết vì mắc bệnh Ebola bị vứt xác ra đường do người thân ghê sợ - bức ảnh ấy nói nhiều hơn nỗi sợ hãi của con người, nó còn nói đến sự bất lực, đến kiểu tự vệ để sống còn trong hoàn cảnh bi đát nhất. Khi một thành viên mang bệnh tật về nhà, cả gia đình phải gánh chịu. Vậy mà sao vẫn có những người thản nhiên nghĩ: “chắc bệnh nó chừa mình ra!”.

Ngành y tế đang tiến hành tổng vệ sinh những khu vực có ổ dịch, tiến hành ngăn chặn dịch bệnh từ xa, tuyên truyền nhận biết dịch bệnh… Nhưng, tất cả những tiêu chuẩn an toàn y tế công cộng cũng như các tiến bộ y tế, các trang thiết bị và thuốc men dù có hiện đại đắt tiền mà ý thức của người dân không được nâng cao, củng cố thì sự toàn vẹn của hệ thống y tế cộng đồng cũng bị suy yếu mà thôi. Cánh cửa sân bay hay hàng rào y tế cửa khẩu chỉ có tác dụng cảnh báo, hạn chế phần nào. Dịch bệnh không hiện hình thành ác thần đi qua cửa khẩu, dịch bệnh thâm nhập và ẩn sâu trong lục phủ ngũ tạng của từng con người. Giữ cánh cửa biên giới coi vậy mà không khó bằng giữ gìn cái miệng, cái tay của mỗi con người. Và đó sẽ là những cánh cửa bỏ ngỏ cho dịch bệnh tràn vào…

 HOÀNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI