Gia đình cắn đắng nhau vì quan niệm yêu thương con trẻ

06/03/2017 - 11:57

PNO - Vấn đề không phải yêu thương đủ hay thiếu, mà các bậc cha mẹ cần quan tâm yêu con sao cho đúng.

Một thời gian dài gia đình tôi cắn đắng nhau, thậm chí chia thành hai “phe”, không ai chịu nhượng bộ, vì chuyện khá đau đầu. Tôi không tán thành chuyện thể hiện rõ nét tình yêu thương với con cái, vì dễ khiến chúng sinh ra mè nheo, dựa dẫm, thậm chí ích kỷ. Nhưng cha mẹ tôi, cha mẹ vợ và vợ phản đối kịch liệt.

Họ cho rằng tôi đang bị nhầm lẫn giữa khái niệm “yêu thương” và “nuông chiều” hoặc “thỏa hiệp”. Họ khẳng định, việc thường xuyên nói lời âu yếm, ôm hôn trìu mến đứa trẻ, sẽ không-bao-giờ-là-đủ. Vì trẻ con cần có niềm tin mạnh mẽ vào giá trị tồn tại của bản thân. Có như vậy, khi lớn lên, con mới có thể trở thành người biết yêu thương và biết tự vệ, phản ứng khi bị đối xử thô bạo, tàn nhẫn…

Gia dinh can dang nhau vi quan niem yeu thuong con tre
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liệu tôi có sai trong suy nghĩ, hành động đối với con - người mà tôi chắc chắn yêu thương nhất trong cuộc đời mình?

Duy Linh,

kỹ sư hóa học, Q.Bình Tân, TP.HCM

Cha mẹ cần trái tim nóng và cái đầu lạnh

Làm cha, làm mẹ là “công việc” đầy thử thách, vì cần trái tim nóng để đủ yêu thương và cái đầu lạnh để đủ tỉnh táo, anh Linh ạ. Nếu không, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực, hoặc là quá nuông chiều, hoặc là dùng quyền uy để áp đặt, gò ép trẻ.

Khi trẻ còn nhỏ, chỉ cần nghe con khóc, ta đã quýnh quáng, tìm mọi cách dỗ con, thay vì tìm hiểu nguyên nhân. Anh đừng nghĩ rằng trẻ con thì không biết gì nhé. Chúng cảm nhận được, và có thể sẽ dùng nước mắt làm vũ khí để đạt được mong muốn. Ngược lại, cũng có những bậc phụ huynh dễ nổi nóng, to tiếng quát mắng, thậm chí là đánh đòn khi bé nhõng nhẽo, “kiếm chuyện”. Muốn “rèn” con vào khuôn phép, kỷ luật nhưng chúng ta đã thất bại vì sự thiếu bình tĩnh và kiên nhẫn.

Làm cha mẹ là “công việc” vô cùng phức tạp. Chúng ta phải luôn học và rút kinh nghiệm từng ngày, để có thể cân bằng yêu thương-trách nhiệm, nghiêm khắc hay khắc nghiệt. Tôi hiện có hai đứa con nhỏ, nên rất thông cảm với anh.

Mạnh Huy,

đường Phùng Khắc Khoan, Q.1

Tình thương lôi cuối tình thương...

Có lẽ anh là nam giới nên ít bộc lộ tình cảm ra bên ngoài chăng? Chồng và em trai tôi cũng thế. Chúng tôi có nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề này. Hai người ấy luôn yêu cầu tôi phải cùng họ đóng vai trò “bàn tay nhung bọc thép” với các con. Họ lý luận, dạy con từ thuở còn thơ, và thường cằn nhằn “con hư tại mẹ” mỗi khi tôi nựng nịu, ẵm bồng, chiều chuộng đứa trẻ.

Là người mẹ, với bản năng, thiên chức và cả linh cảm, tôi tự tin rằng mình không làm gì gây phương hại đến con. Tôi cũng chẳng quan tâm bàn tay nhung bọc thép hay bàn tay thép bọc nhung. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, cố gắng cho con được sống và lớn lên trong môi trường thật êm đềm, ngọt ngào vì tràn ngập tình yêu thương…

Trưởng thành trong cái nôi ăm ắp thương yêu, hy vọng con sẽ trở thành người có lòng nhân ái, vị tha, tốt bụng. Hoặc chí ít cũng hạn chế tình trạng dễ cộc cằn, thô lỗ, nóng nảy, khắc nghiệt vì hàng ngày thường xuyên chứng kiến và bị đối xử như vậy. Dạy con, không gì tốt bằng hành động cụ thể của mỗi chúng ta. Con trẻ soi vào, ắt cũng sẽ sống như vậy. Vì tình thương lôi cuốn tình thương, anh ạ.

Mai Thanh

 kế toán

Yêu thương con sao cho đúng?

Gia dinh can dang nhau vi quan niem yeu thuong con tre
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vấn đề không phải yêu thương đủ hay thiếu, mà các bậc cha mẹ cần quan tâm yêu con sao cho đúng. Vì nếu yêu thương con sai, chúng ta đang hại đứa trẻ. Có những phụ huynh nuông chiều con cái vô lối. Họ không cho con tập làm việc nhà, khiến đứa trẻ lớn lên rất vụng về do thiếu kỹ năng và ý thức lao động, vì chỉ quen được người khác phục vụ. Thậm chí có nhiều cha mẹ không cho con đụng tay vào cả những việc sơ đẳng, tự phục vụ bản thân như thay quần áo, đem đặt vào nơi giặt giũ, thay drap giường, mền gối, soạn tập vở… Nhiều trẻ được người lớn đem tô cơm đến tận giường vào mỗi buổi ăn. Điều này gây hậu quả rất kinh khủng. Đến tuổi dậy thì và trở về sau, trẻ sẽ như “ông tướng”, bắt nạt bố mẹ, thậm chí ra điều kiện đáp ứng yêu sách này nọ thì con mới chịu học chẳng hạn.

Thương con sao cho đúng là câu hỏi không bao giờ thừa. Có nhiều phụ huynh khẳng định rất yêu thương con, lúc nào cũng phục vụ “tận răng”, “hầu” tận nơi. Nhưng khi con học giỏi thì không được bố mẹ động viên kịp thời, con làm một việc tốt chẳng có ai âu yếm, cổ vũ, ngợi khen. Vì họ cứ sợ bày tỏ, bộc lộ tình cảm qua việc nựng nịu, âu yếm sẽ khiến trẻ “lờn mặt”. Điều này là sai.

Yêu thương con sao cho đúng cách là điều mỗi bậc cha mẹ luôn phải tự vấn bản thân mỗi ngày, để có phương cách nuôi dạy trẻ thật khoa học.

Trần Thị Hồng Hà

Chuyên viên tư vấn tâm lý (Tổng đài 1088)

Khánh Thủy

Thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI