Nghệ nhân bài chòi số một đất võ Bình Định mưu sinh bằng gánh ve chai

09/09/2015 - 07:26

PNO - Người đàn bà mua đồng nát thỉnh thoảng đặt gánh ngồi trên vỉa hè say sưa hát những làn điệu bài chòi qua điện thoại.

Có người nói, hàng ế nên bà ngồi hát cho khuây. Có người lại cho rằng bà bị nghề ám rồi có lúc “lên cơn”. Nhưng khi nghe bà “lên cơn”, ai cũng ngỡ ngàng trước chất giọng mượt mà, độc đáo, hiếm có. Đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Đức (nghệ danh Minh Đức), 63 tuổi, ở thôn Mỹ Hưng 2, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Tiếng bài chòi trong gánh ve chai

Bà Đức sinh ra trên miền đất võ trời văn giàu truyền thống bài chòi và hát bội. Chính ông ngoại, mẹ và một số nghệ nhân đã dạy cho bà biết hát những điệu bài chòi khi còn thơ trẻ. Thấm đẫm những làn điệu từ khi lọt lòng mẹ, tuổi thơ của bà đi qua trong những gánh hát nghiệp dư rong ruổi trên những miền quê. Bà có khả năng tư duy tốt, nhanh nhạy trong diễn xướng và lĩnh hội được những tinh hoa của dân gian, các bậc tiền bối nên nổi tiếng từ khi còn rất trẻ.

Nghe nhan bai choi so mot dat vo Binh Dinh muu sinh bang ganh ve chai
Nghệ nhân Minh Đức hô bài chòi.

15 tuổi, bà Đức đã lấy nhiều nước mắt của khán giả qua chất giọng đặc biệt của mình. Lúc đó, nhiều gánh hát đều muốn mời cô đào trẻ Minh Đức về diễn. Bà Đức cho biết: “Vùng quê tôi ở quanh năm nghèo khó trong cuộc mưu sinh, không gian dành cho bài chòi, hát bội ngày càng hẹp dần, nhiều gánh hát tan rã. Lớp trẻ ít mặn mà với các loại hình nghệ thuật dân gian này.

Họ nghe bài chòi thấy lạ lẫm, hờ hững, ngoảnh mặt. Người hát bài chòi cũng dần thất nghiệp. Một số gánh hát muốn cưỡng lại quy luật khắt khe này nên cải biên, pha trộn hát bội, cải lương, tân nhạc vào bài chòi để thu hút khán giả. Sự cách tân ấy làm cho sân khấu phong phú, đa dạng nhưng người hát bài chòi lại pha giọng, lai điệu. Sự lai căng ấy dần ăn sâu vào hoạt động chuyên nghiệp và đánh mất dần lối hát đặc trưng của bài chòi cổ”.

Rồi những gánh hát bài chòi cũng tan rã, giọng hô bài chòi của bà Đức tạm tắt trong thời buổi khó khăn. Nhiều đời hát bài chòi, gia đình bà say mê, sống hết mình với loại hình nghệ thuật này nhưng những oan nghiệt và nghèo khổ đã đẩy bà xuống tận sâu trong vũng nghèo. Giọng hô bài chòi của bà như một thứ vàng ròng, bị khuất lấp trong những cơm áo đời thường.

Bà Đức cho biết: “Một thời gian dài những gánh hát dần tan rã. Cái đói, cái nghèo cứ bủa vây gia đình tôi. Có những lần bữa ăn của cả nhà chỉ là những củ khoai luộc, nhưng cũng chẳng được no. Nhiều đêm tôi cảm thấy khó chịu vì không được đi hát. Buồn quá nên tôi ở nhà hát chay cho hàng xóm xem. Hồi đó bà con thích lắm. Tôi cũng vui nữa”.

Nghe nhan bai choi so mot dat vo Binh Dinh muu sinh bang ganh ve chai
Nghệ nhân Minh Đức.

Lớn lên, bà Đức lấy chồng sau đó lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền để nuôi các con. Và lưa thưa những lần đi diễn không đủ nuôi gia đình, bà rong ruổi đi bán vé số, chổi lông gà, mua ve chai. Rồi tai họa ập đến với gia đình, khi người chồng qua đời, để lại cho bà 6 đứa con và mẹ già. Một lần nữa, bà bước ra đời thường với bao nỗi nhọc nhằn lớn hơn. Những con phố bà đi qua, mọi người nhìn bà lạ lẫm bởi bà biết cách hóa trang mình thành người lùi xùi để khán giả không nhận ra đó là cô đào xinh đẹp trong vở diễn mà họ vừa xem.

Thời điểm đó, mấy người con của bà bảo: “Mẹ bỏ hẳn nghề hát đi, mối ve chai nhiều lắm”. Bà Đức cho biết: “Vì cái nghèo cái khó nên con cái mới nói như vậy, tụi nó cũng thương tôi thôi. Nhưng nhiều đêm nằm trăn trở, tôi chẳng biết trả lời như thế nào với các con. Rồi tụi nó cũng hỏi miết nên tôi bảo cứ để mẹ đi hát hết sô rồi về đi buôn bán cũng kịp. Tụi nó thấy tôi yêu nghề như vậy nên cũng dạ dạ vâng vâng nhưng tôi biết là tụi nó thấy tôi khổ nên trong lòng cũng không đành. Biết sao được, hát bài chòi đã ăn vào máu thịt mình rồi”.

Lọt thỏm giữa xóm nghèo, căn nhà bà Đức lúc nào cũng đông đúc mỗi khi bà đi mua bán ve chai về. Họ đến để nghe bà hát. Bà Nguyễn Thị Nhân, hàng xóm của bà Đức, kể: “Bà con mê chị Đức hát lắm, nhiều đêm trăng ở quê, cả xóm tập trung đến nhà chị nghe hát. Họ nói để họ góp gạo cho chị ở lại đây hát cho họ nghe chứ đừng đi đâu xa. Nhưng tình cảm của bà con láng giềng không đủ giúp chị vượt qua cái nghèo, chị phải vác chổi lông gà ra TP Đà Nẵng, lên tận Đà Lạt bán. Ế thì tiếp tục đi mua đồng nát, ve chai mưu sinh qua ngày”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI