Mẹ và vợ rớt xuống sông, cứu ai trước?

10/11/2014 - 14:17

PNO - PNO - Hôm nay xem trên facebook, thấy tấm thiệp chị bạn tôi làm tặng anh bạn học có hình anh đang ôm vai con gái với câu tục ngữ Ailen “Một đứa con trai là con mình cho đến khi nó có vợ, nhưng cô con gái là con mình cho đến suốt đời”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thân phận sinh ba con trai, tôi tẽn tò dòm vế đầu của câu tục ngữ, ngẫm nghĩ cũng thấy hay hay. Nhưng có một chị lên phản đối và chứng minh cụ thể rằng em trai của chị ra nguyên tắc rất rõ: số 1 là con, số 2 cha mẹ, số 3-5 là gì gì đó nhưng chắn chắn chưa phải là vợ, vợ còn rất xa và chị mong con trai của chị cũng coi đó là nguyên tắc sống. Tôi chợt lo ngại vì sao một người phụ nữ lại thấy hay ho về điều này?

Tôi nhớ đến những anh bạn thường tuyên bố xanh rờn rằng “Nó mà láo với mẹ em là em bỏ”, “Bỏ vợ chứ không bỏ cha mẹ”. Dâu rể vẫn là con cái nên không được hỗn láo với cha mẹ nhưng những quan niệm trên sẽ khiến cho người vợ đóng một vai trò mờ nhạt trong cuộc đời anh. Vậy các bà vợ có nên dấn thân vào một mối quan hệ mông lung như thế?

Me va vo rot xuong song, cuu ai truoc?
 

Thật ra, tình vợ chồng không thể so sánh với tình cha mẹ nên đừng khiên cưỡng đặt lên bàn cân. Một thời câu chuyện mẹ và vợ rớt xuống sông thì nên cứu ai đã làm điêu đứng bao nhiêu mối quan hệ. Nếu có thời gian để xác định người cần cứu thì còn gì là nhân văn?

Tôi học rất nhiều ở mẹ chồng mình, bà dạy tôi từ việc thỉnh thoảng biếu chút tiền cho cha mẹ ruột đến chuyện dành dụm cho riêng mình và con. Bà cũng chẳng để ý chuyện chồng tôi giặt đồ cho tôi hay đút cho tôi ăn khi tôi ốm, vợ chồng tôi muốn làm gì thì làm nhưng bà giao cho tôi một trách nhiệm vô cùng lớn lao là bảo vệ sự vững bền của gia đình “con được giao tất cả các quyền để con gìn giữ hôn nhân”. Và tôi thấy rằng bà rất chí lý. Giá như các bà mẹ chồng đều hiểu rằng nếu hôn nhân của con tan vỡ, nó không hạnh phúc thì mình vui sướng gì, liệu mình có sống đời với nó hay không? Năm bảy ngày sung sướng khi đá văng đứa con dâu ra khỏi cuộc đời chồng nó thì bà sẽ có gấp ngàn lần ngày thương con xót cháu vì một cuộc đời lỡ dở. Nếu hôn nhân của con có vấn đề, hãy để con tự xử lý với nhau vì chỉ chúng chứ không ai chịu thay trách nhiệm về cuộc đời chúng.

Thế giới không ngừng chuyển động và văn minh nhân loại tác động đến tất cả mọi người nhưng quan điểm của nhiều bà mẹ thì trường tồn hơn bia đá. Có những người mẹ yêu con trai hơn cả bản thân mình và quan niệm con dâu cũng phải hầu hạ phục vụ chồng nó như mình nuôi con. Đời này nước mắt chảy xuôi, cha mẹ yêu con cái là rất bình thường nhưng các bà quên rằng tình cảm vợ chồng phải là một sự tương tác. Cả hai đều phải yêu thương và coi trọng nhau thì hôn nhân mới bền vững. Con dâu cũng con yêu con quý nhà người, vì thương con mình mà bỏ cha bỏ mẹ đến với mình, thì hà cớ gì mình phải hành hạ nó?

Mẹ chồng tôi quan niệm rằng “Con dâu lúc mới về nhà chồng thường không dám mang tâm lý đối đầu, lúc đó lựa cách mà uốn nắn con, nếu thương nó như con ruột, chắc chắn nó sẽ xem mình như mẹ. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng rằng nó sẽ thương mình như mẹ ruột nó, vì tình cảm ấy là thiêng liêng”.

Me va vo rot xuong song, cuu ai truoc?
 

Nếu phương Đông có nỗi lo mẹ chồng thì phương Tây có nỗi ám ảnh mẹ vợ, chẳng thế mà có chuyện hài rằng anh chàng kia có hai câu chuyện: chuyện buồn là chiếc Ferrari rơi xuống vực sâu, chuyện vui là trong xe có bà mẹ vợ. Đương nhiên Việt Nam ta thì khác, đa phần các bà mẹ vợ đều thương con gái và cưng luôn con rể. Nấu cho con ăn thì nấu luôn cho rể. Thế nhưng, không thiếu các bà hở ra là cao giọng “con bỏ nó về đây mẹ nuôi” và luôn chứa chấp con gái khi giận chồng bỏ về nhà mẹ. Đương nhiên trong một số trường hợp, làm mẹ thì phải bảo vệ con mình nhưng cũng nên dằn lòng suy tính và dạy dỗ con. Cũng như con trai ở trên, con gái dang dở thì mẹ đâu sung sướng gì, mà hai mẹ con ở chung với nhau còn chưa chắc luôn là êm thấm huống chi vợ chồng.

Không phải bà mẹ vợ - mẹ chồng nào cũng xấu và quan hệ mẹ chồng - nàng dâu lúc nào cũng tệ. Chính những người phụ nữ phải thay đổi quan điểm của mình để không còn khoảng cách phân biệt, còn nếu không chịu đựng được nhau thì tránh xa ra, đừng để những năng lượng tiêu cực ấy ảnh hưởng đến hôn nhân của mình. Nhất là đừng bao giờ cổ xúy cho những bất công từ trong gia đình mình.

NGUYỄN PHẠM KHÁNH VÂN

Cách đây không lâu câu chuyện thương tâm của một thai phụ ôm con trai hơn 2 tuổi nhảy xuống sông Lô đã tạo ra nỗi xót xa trong cộng đồng. Giữa những bàn tán của giới nữ, một lần nữa, đề tài “làm dâu” lại được các bà, các chị quan tâm: Giá như, chị ấy được nhà chồng cảm thông, giá như chị ấy biết cách bảo vệ mình…

“Chat với Hạnh Dung” cũng nhận được không ít tâm sự của những nàng dâu mới. Có người bỡ ngỡ trước “văn hóa” lạ lùng của nhà chồng: bắt các con dâu ăn riêng dưới bếp. Có người “choáng” trước phát biểu của mẹ chồng: “Chồng đánh vợ là chuyện bình thường”; “Đàn ông có vợ bồ bịch đâu có sao”…

Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những phụ nữ thành công trong việc “hòa hợp” với nhà chồng, vừa “nhập gia, tùy tục”, vừa giữ được bản sắc riêng của mình.

PNO mở chuyên đề “Làm dâu” mong tạo được sự kết nối giữa các bà vợ, để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm ứng xử đối với nhà chồng, nhằm có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.


Kính mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang
-Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
-Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI