Làm sao vơi được nỗi đau?

02/06/2014 - 20:19

PNO - PN - Chiều 1/6, khi trên cả nước triển khai Tháng “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, chúng tôi đã trở lại Trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 3 TP.HCM thăm Bùi Thị Hạ, cô bé từng bị cha mẹ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gương mặt Hạ tuy không còn vẻ hoảng loạn thường trực như trước, nhưng đôi mắt vẫn u uất, nhất là khi nghe chúng tôi nhắc tới hai từ “ba, mẹ".

Lam sao voi duoc noi dau?
Bé Hạ chỉ cảm nhận mình được thương yêu khi vào sống tại
Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 3 TP.HCM

NHỮNG THƯƠNG TẬT VĨNH VIỄN

Bùi Thị Hạ, sinh năm 2002, quê quán Bắc Giang, tạm trú tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Lần đầu tiên Hạ được Báo Phụ Nữ giải cứu khi đang là học sinh lớp 1E, Trường tiểu học Thới Thạnh. Sự việc kéo dài đến khi giáo viên chủ nhiệm lớp phát hiện những vết trầy rất lạ trên khắp mặt mũi chân tay Hạ. Gặng hỏi, cô bé mới cho hay do mẹ dùng bàn chải chà, có khi lại lấy tay ngắt, nhéo… Sau khi thông tin được đăng báo, cha mẹ cháu Hạ đã lập tức rút hồ sơ học bạ, nói là chuyển trường về Bắc Giang.

Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2009, Công an xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi phát hiện cháu Hạ đã trở lại và bị chính cha mẹ ruột của mình đánh đập dã man hơn. Trên người Hạ hàng trăm vết bầm tím ở đầu và mặt, hai tay nhấc lên không được, trên mông, lưng chi chít những sẹo lớn nhỏ. Tại văn phòng công an xã, bà Dương Thị Loan, mẹ cháu Hạ xác nhận: “Tôi đánh đập con là do cháu hư, phá đồ đạc của gia đình”. Trước sự việc nghiêm trọng này, Báo Phụ Nữ đã gửi công văn kiến nghị Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Một tuần sau đó, Hạ được đưa vào trung tâm ở cho đến hôm nay. Suốt sáu năm Hạ ở trung tâm, những người thường xuyên đến thăm Hạ lại là người của chính quyền xã Bình Mỹ.

Ông Phạm Văn Tòng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, nói: “Vào thăm Hạ, thấy cháu cao lớn thêm, vui vẻ hơn, tôi rất mừng, nhưng ngay đó là cảm giác rất xót xa. Cháu bảo rằng cháu chỉ muốn ở trung tâm đến suốt đời”. Hạ nói với chúng tôi: “Lần đầu tiên con biết mình được mọi người yêu thương, chính là tại trung tâm này!”.

Lắng nghe những tâm sự của Hạ mới biết rằng, dù luôn được các thầy cô giáo ở trung tâm chăm sóc, yêu thương; dù vẫn được chính quyền xã Bình Mỹ quan tâm và thỉnh thoảng mẹ ruột vẫn ghé vào thăm hỏi, nhưng hình như vết thương tâm hồn của Hạ vẫn không thể lành. Trong suốt buổi chuyện trò, mỗi lần chúng tôi lỡ nhắc đến câu chữ nào có từ “ba”, hoặc “mẹ” là em lại lặng người đi...

Cũng trong chiều 1/6, chúng tôi liên lạc với Ban giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em để thăm hỏi cậu bé Nguyễn H.T. (sinh 2010, thường trú ở KP.5, P.17, Q.Gò Vấp) từng bị cha ruột dùng cây sắt gây thương tích khắp người. Sau khi được hàng xóm giải cứu vào đêm 5/8/2013, những ngày đầu ở trung tâm, bé T. vẫn hoảng loạn, hay khóc thét. Đáng mừng là đến nay cậu bé phát triển tốt cả cân nặng lẫn chiều cao. Bé T. không thể trở về gia đình vì mẹ biệt tăm, còn cha thì tù tội.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm có gần 2.000 vụ bạo lực trẻ em và khoảng 100 trẻ bị giết. Đây chỉ là con số có “trình báo” hoặc bị phát hiện, tố giác.

Mới đây, tháng 5/2014, Cao Thành Lợi, thợ sửa xe gắn máy ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, hiếp dâm con gái ruột mới hơn năm tuổi, rồi mang bỏ con giữa chợ. Bé Châu Văn Phúc, 13 tuổi ở Ninh Thuận bị bố mẹ trói xích ngoài cửa. Ở TP. Bắc Ninh, cháu Đỗ Doãn Lộc tám tuổi, đã qua đời sau lần bị cha đánh chấn thương sọ não...

Chiều 31/5, gọi điện cho phóng viên Báo Phụ Nữ, chị L.T.K.L., phụ huynh có con học lớp mầm 1 tại Trường MN H.H.N. nghẹn ngào kể: “Có lần tôi thấy con đi học về mông có những vết đỏ như vết đánh, tôi liền phản ánh với nhà trường thì các cô cho rằng do trẻ ngứa nên gãi đỏ...”.

Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ cũng vừa nhận được thông tin của một phụ huynh lớp 5 ở Trường tiểu học T.H. (Q.Tân Phú) bức xúc trước việc con mình bị người nấu bếp bán trú đánh đến ói tại chỗ chỉ vì bé không nghe lời.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam) nhận định: có thể cái đau của trẻ em không quá khủng khiếp về mặt thể xác nhưng tổn thương về tinh thần, về tâm lý và cả nhân cách là những nỗi đau dai đẳng, khủng khiếp, khó có thể xóa nhòa…

Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phân tích: Thời gian bạo hành dài hay ngắn đều ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí hình thành nhân cách của trẻ về sau. Khi bị ba mẹ bạo hành thường xuyên, trẻ mất đi tuổi thơ trong sáng, luôn sống trong cảnh sợ hãi, nhưng đến một lúc nào đó, tính cách của trẻ cũng “học” được tính bạo hành từ ba mẹ. Khi lớn, trẻ có thể bạo hành với người khác một cách vô thức và nghĩ đó là chuyện bình thường.

Lam sao voi duoc noi dau?

Trẻ bị bạo hành dễ bị ám ảnh tinh thần, sang chấn tâm lý và ảnh hưởng nhân cách khi trưởng thành

HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐÃ CÓ, NHƯNG…

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh - Đội trưởng đội Điều tra tổng hợp công an Q.Gò Vấp, TP.HCM, bạo hành gia đình đối với trẻ em đang thực sự là vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam. Ông nói: “Có đến 3/4 trẻ em từ 2 đến 14 tuổi tại Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Hầu hết những người trừng phạt trẻ em bằng bạo lực suy nghĩ sai lầm rằng đó không phải là bạo hành gia đình, mà là một hình thức dạy dỗ các em. Ngoài ra, với tâm lý “thương cho roi cho vọt”, nhiều bậc cha mẹ vẫn áp dụng phương thức dạy con bằng đòn roi mà không nhận thức đầy đủ những hậu quả đứa bé phải gánh chịu trong quá trình phát triển”.

Cùng quan điểm với thượng tá Thịnh, thiếu tá Nguyễn Quang Thắng - Phó chánh văn phòng công an TP.HCM cho rằng, luật hình sự quy định rất rõ, những người ngược đãi hoặc bạo hành trẻ em, tùy động cơ, mục đích và hậu quả, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội danh như: tội "hành hạ người khác" với mức phạt tù lên tới ba năm; tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác" với mức phạt tù cao nhất là chung thân; tội "giết người" với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Thượng tá Thịnh cho biết thêm, những dẫn chứng về xử lý các hành vi bạo hành cho thấy chúng ta có một hành lang pháp lý rất chặt chẽ trong việc bảo vệ trẻ em, từ phạt hành chính đến xử lý hình sự đối với hành vi bạo hành. Tuy nhiên, do rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi cách dạy trẻ “truyền thống” nên tỷ lệ phát hiện, xử lý các vụ bạo hành trẻ em thấp hơn nhiều so với thực tế, chỉ khi nào vụ bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới được phát hiện, trình báo đến các cơ quan chức năng.

Trẻ bị tổn thương về thể chất, tinh thần và cả tính mạng, nhưng ai sẽ đòi lại công bằng cho trẻ khi những tổn thương đó do chính người lớn, những người có nghĩa vụ bảo vệ trẻ gây ra? Những kẻ thủ ác sẽ trả giá bằng hình phạt tù, nhưng làm sao có thể bù đắp, làm lành những vết thương cho trẻ? Mọi vết thương đều có thể chữa lành hoặc xóa mờ dấu tích, nhưng làm sao vơi được nỗi đau khi hai từ “ba”, “mẹ” đã dập tắt nụ cười của cô bé 12 tuổi Bùi Thị Hạ?

 Nhóm PV CT-XH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI