Bánh vắt vai của người Cao Lan

28/07/2015 - 11:27

PNO - Bánh vắt vai được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng, có vị thơm ngon, ngọt bùi là món ăn dân dã của người Cao Lan ở Bắc Giang.

Bánh hấp dẫn bằng chính cái tên lạ và hình thức của nó. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan nên ngay từ nhỏ, các thiếu nữ đã được bà, mẹ truyền dạy cách làm.

Thoạt nhìn, nguyên liệu làm món này giống như bánh chưng, bánh tét gồm gạo nếp, đậu xanh. Ngoài ra còn có lá chuối, đường và đặc biệt không thể thiếu rau ngải cứu. Chính thứ rau này mang đến mùi vị khác lạ và đặc biệt cho bánh.

Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Nhờ chất đất và khí hậu đặc trưng, nếp cái hoa vàng Phì Điền có vị dẻo, hương thơm.

Banh vat vai cua nguoi Cao Lan

Bánh vắt vai thường có trên bàn thờ của người dân tộc Cao Lan mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Bacgiangtv

Gạo nếp được xay nhỏ bằng cối đá. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, người làm nặn thành những viên bột, nhân gồm đậu xanh được xào qua với đường.

Để bánh ngon và dậy vị thơm, phải chọn lá chuối tươi, non mỡ màng rồi nướng qua trên bếp lửa, sau đó đem gói. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là được, mùi thơm của ngái cứu lan tỏa. Trong những dịp lễ, Tết, người Cao Lan vắt vai đi biếu họ hàng nội ngoại ở xa.

Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê hoặc được người Cao Lan mời ăn trong mỗi dịp lễ hội.

Anh Phương

Từ khóa 321
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI