Có một thị trấn bị lãng quên

04/07/2019 - 07:00

PNO - Khi tôi khoe những tấm hình chụp ở Phó Bảng trên Facebook, nhiều bạn bè đã hỏi: “Nơi này là đâu mà đẹp thế, nhưng sao vắng thế?”.

Quả thật là trong thời đại mà khẩu hiệu “Vác ba-lô lên và đi” đã trở nên quá quen thuộc, bất cứ nơi nào đẹp, thơ mộng, lãng mạn… đều mất đi vẻ bình yên bởi khách du lịch, việc có thể chụp hàng chục bức hình trên một con phố nhỏ đẹp đến nao lòng ở một địa danh nổi tiếng là cao nguyên đá Đồng Văn quả là một điều kỳ lạ. Có lẽ chính vì sự vắng vẻ đến đáng ngạc nhiên của một thị trấn đẹp mà người ta gọi Phó Bảng của Hà Giang là “thị trấn ngủ quên”.

Quá khứ lẫy lừng

Chúng tôi rời thị trấn Đồng Văn đông vui tấp nập vào một buổi sáng để đi đến nơi từng là thủ phủ của cao nguyên đá Đồng Văn - thị trấn Phó Bảng. Người dẫn đường, nhà văn Đỗ Bích Thúy - được mệnh danh là con ma xó của Hà Giang - say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lịch sử về địa danh này. 

Co mot thi tran bi lang quen
Vẻ đẹp lãng mạn của “thị trấn ngủ quên”

Nơi đây trước năm 1945 từng là một thị trấn đông vui sầm uất, là trung tâm mua bán dầu hỏa, vải vóc, thuốc phiện của Hà Giang. Khoảng đầu năm 1945, tại Phó Bảng đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt của người Mèo với quân đội Nhật. Lực lượng vũ trang người Mèo dưới sự chỉ huy của vua Mèo Vương Chí Sình đã tiêu diệt một đại đội bộ binh và trung đội kỵ binh Nhật. Đây là trận thắng phát xít Nhật lớn nhất, có tiếng vang nhất trên chiến trường Đông Dương thời bấy giờ. Chiến thắng Phó Bảng buộc Nhật phải ký hòa ước với người Mèo. Nhật cam kết rút hết quân khỏi Đồng Văn, bồi thường cho người Mèo toàn bộ tổn thất do cuộc chiến gây ra bằng muối và bạc trắng.

Quê hương thứ hai và sự hòa trộn sắc màu hai dân tộc

Nằm sâu trong một thung lũng đá tai mèo lởm chởm, sau những đoạn đường đèo quanh co khúc khuỷu, gần sát với biên giới Việt Trung, thị trấn Phó Bảng ngày nay yên tĩnh, vắng vẻ, trầm lặng đến lạ thường. Xe tôi chạy trên con đường chính đi xuyên thị trấn vào khoảng giữa buổi chiều.

Co mot thi tran bi lang quen

Ngô là lương thực chính của người dân Phó Bảng

Nắng đổ xiên chênh chếch những mái nhà ngói cũ kỹ, những bức tường đất bạc thếch, những chiếc đèn lồng đỏ phai màu treo im lìm trước hiên nhà. Cả con đường vắng đến kỳ lạ, không có xe cộ chạy qua, không có trẻ con chơi đùa, không có hàng quán bán buôn như những con đường trung tâm thị trấn khác. Có một cái chòi gỗ gần như nhô ra giữa đường, treo những túm đậu nành khô, nhìn khá độc đáo. Chẳng biết cái chòi đó để làm gì, đơn giản là phơi hay bán. Cũng không có ai xung quanh để hỏi nên chúng tôi đành đứng nhìn, như nhìn vào một bối cảnh phim nào đó đã bị bỏ quên.

Thoáng nhìn con đường chính chạy ngang qua thị trấn, bạn có thể tưởng lầm như mình đang lạc vào một khu phố của người Hoa. Đó là bởi những chiếc đèn lồng, những câu đối đỏ dán trước cửa nhà. Phó Bảng là nơi sinh sống của khoảng 500 cư dân cả người Mông lẫn người Hoa. Theo lời người dẫn đường thì từ hàng trăm năm trước, những người Hoa chạy loạn đã dạt về Phó Bảng và ở lại nơi này. Mảnh đất thung lũng hiền hòa được bao bọc bởi núi non hiểm trở đã cho những người di cư từ nước láng giềng nơi nương náu và nhiều thế hệ người Hoa đã chọn nơi này làm quê hương. Vì thế, có rất nhiều đặc điểm nhà cửa, sinh hoạt của thị trấn cổ Phó Bảng pha trộn màu sắc của cả hai dân tộc.

Sống chậm ở nơi xa

Nằm cách Đồng Văn chỉ 17 cây số, một khoảng cách quá nhỏ, nhưng Phó Bảng quả xứng đáng với cái tên “thị trấn bị lãng quên”. Những ngôi nhà nơi đây thấp bé, nhỏ nhắn, cổ kính với mái ngói âm dương cũ kỹ, tường rêu xanh, cổng gỗ thấp lè tè, tường đất nứt nẻ từng đường màu nâu đỏ hoặc vàng nhạt.

Cả thị trấn đẫm sắc màu trầm, buồn, lặng lẽ. Cái trầm buồn lặng lẽ không chỉ ở khung cảnh mà cả trong sinh hoạt của người dân. Người dân nơi đây vẫn chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt trên nương rẫy. Đất đai quá ít nên từ ngàn đời, người dân Phó Bảng cũng giống như mọi nông dân khác của Hà Giang, gùi đất lên đổ vào các hốc đá tai mèo để trồng ngô - lương thực chính của họ. Cuộc sống người dân bản địa cho đến nay vẫn chậm rãi, giản dị và đơn sơ như thế. 

Co mot thi tran bi lang quen
Những ngôi nhà nơi đây thấp bé, cổ kính với mái ngói âm dương cũ kỹ đặc trưng

Hình như cuộc sống ấy đã ảnh hưởng lên cả tính cách và vẻ ngoài của người dân Phó Bảng. Họ điềm tĩnh đến lạ thường. Tôi và bạn bè xách máy ảnh đi nghiêng ngó khắp nơi, chụp hình. Thế nhưng hình như sự tò mò của khách du lịch cũng chẳng làm họ xao động. Vài cô gái ngồi dệt thổ cẩm, vài cụ già lặng lẽ làm việc nhà. Hầu như không ai nhìn chúng tôi quá vài giây.

Trước vài ngôi nhà, thỉnh thoảng có mấy cụ già ngồi lặng lẽ. Chẳng biết họ nghĩ gì khi ngồi như thế trong nắng chiều, thứ nắng không phải để sưởi. Ánh mắt họ bình thản, tĩnh lặng như mặt hồ ngay cả khi chúng tôi, những du khách phương xa, chĩa ống kính vào nhà họ, vào những bức tường, mái ngói, rồi từ từ di chuyển về phía họ. Như thể họ đã ngồi đó từ quá khứ xa xăm nhìn vào những con người đi lạc từ thế giới khác.

Co mot thi tran bi lang quen
Co mot thi tran bi lang quen
Nụ cười hồn nhiên của trẻ con bản địa

Bất ngờ phía cuối con đường

Không vội dừng lại giữa phố, xe chúng tôi chạy xuống gần cuối con đường. Và bất ngờ, cả xe như tỉnh ngủ trước một cánh đồng hoa hồng xinh đẹp. Thật khó hình dung nơi đây có một vườn hoa đẹp đến thế, giữa muôn trùng đèo dốc quanh co, muôn trùng đá núi, muôn trùng vắng vẻ. Người dẫn đường bảo hồng của Phó Bảng cung cấp cho cả vùng. Những cây hồng thật cao, lộc non hồng vươn thật dài, hoa được bọc trong những mảnh giấy báo nhỏ hình phễu. Chúng làm tôi nhớ đến những bó hoa bày bán khắp thành phố Hà Giang hôm trước. 

Bạn tôi bảo dẫu nhỏ nhắn, trầm buồn và lặng lẽ thế nhưng Phó Bảng mùa nào cũng có hoa. Nào mơ, mận, đào, hồng, cải, tam giác mạch… Những vạt, những chum, những đồng hoa không bị du khách đông đúc làm phiền cứ dịu dàng làm đẹp cho những ngôi nhà, những cánh cổng, những con đường mòn nho nhỏ. Và vì thế, nếu tình cờ một ngày nào đó đi lạc đến Phó Bảng, bạn sẽ ngơ ngẩn bước giữa những cảnh sắc nơi này và tưởng mình là Alice lọt vào thế giới thần tiên của một thời xa thật xa… 

Co mot thi tran bi lang quen
Chỉ cần một chiếc xe máy và tình yêu dành cho vùng đất này, bạn sẽ có những ngày đáng nhớ

Phó Bảng chỉ cách Đồng Văn 17 cây số nhưng khi nghe tôi kể và nhìn ảnh chụp Phó Bảng, bạn bè thường hỏi: làm sao đến được nơi này? Vậy thì, để đi đến một thị trấn cổ tích đẹp như thế, chỉ cần một chiếc xe máy, một chiếc taxi và tình yêu dành cho một vẻ đẹp đang bị lãng quên. Tuy nhiên, đường đến Phó Bảng khá quanh co khúc khuỷu. Nếu chưa quen địa hình, bạn hãy chạy xe thật cẩn thận.

Phó Bảng không có nhiều nhà hàng mà chỉ có những quán ăn nhỏ, nên nếu muốn có một bữa ăn ngon, bạn nên hỏi thăm để đặt trước.

Phó Bảng cũng không có khách sạn hay homestay theo đúng tiêu chuẩn nghỉ dưỡng. Nơi đây dường như thật sự chỉ để cho bạn lướt qua và bâng khuâng nhớ về. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI