Chuyện trong căn nhà 5,4m2

09/10/2014 - 16:21

PNO - PN - Căn nhà có diện tích 5,4m2 là chốn cư ngụ của sáu thành viên. Dù phải chống chọi với căn bệnh thoái hóa cột sống cổ nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tiên (SN 1963, ngụ 67/10/10 Phan Tây Hồ, tổ 40, KP.2, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) phải lo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Họa vô đơn chí

Trong nhà không có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ đặt trên căn gác ọp ẹp. Chiếc ghế mà tôi ngồi, chị Tiên cũng phải sang nhà hàng xóm hỏi mượn. Diện tích nhỏ hẹp nhưng lại vừa là nơi thờ tự vừa là bếp, nhà vệ sinh, rồi còn phải dành một khoảng để đặt chiếc cầu thang “dã chiến” lên gác nên nơi tiếp khách là ngoài... hẻm. Nhà có chiếc xe đạp cũ, là phương tiện chị Tiên đi lấy hàng, đưa đón đám trẻ. Chiếc xe cũng không có chỗ để, đành gửi nhờ hàng xóm. “Nhà chật thế này, đêm ngủ thế nào hả chị?” - tôi hỏi. Chị Tiên đáp: “Dưới nhà là chỗ em trai nằm, năm người còn lại chen chúc trên gác. Mình nằm nghiêng, tụi nhỏ đứa này gác đứa kia”.

Nhắc chuyện đời mình, chị Tiên thở dài. Hôn nhân đổ vỡ khi chị vừa sinh cháu Võ Thị Ngọc Hằng (hiện học lớp 10, Trường THCS-THPT Hồng Hà). Dù cố gắng hết sức nhưng nghèo khó không buông tha chị. Cháu gái Trần Thị Phương, gọi chị Tiên là dì ruột, theo chồng về Đức Linh, Bình Thuận sinh sống. Cuộc sống khó khăn nhưng hạnh phúc đong đầy khi vợ chồng Phương sinh được ba người con. Ngày đứa út được hơn bốn tháng tuổi thì chồng Phương mất do bệnh phổi. Một mình không thể cáng đáng ở cái xứ nắng gió, Phương đưa ba con về lại Sài Gòn tìm việc mưu sinh.

Căn nhà bé nhỏ của chị Tiên từ đó có thêm bốn thành viên mới. Họa vô đơn chí, chẳng lâu sau, Phương qua đời do không có tiền chạy chữa bệnh tim. Chị Tiên nhớ lại: “Nhìn ba đứa nhỏ mồ côi mà đứt ruột. May sao, chúng dễ ăn dễ uống”. Hiện tại, đau bệnh triền miên, điều trị không đến nơi đến chốn nhưng cứ đúng 3g sáng, chị Tiên phải thức dậy bắt đầu một ngày mới: vừa bán bánh khoai mì nướng, vừa phải lo cơm nước, đưa đón tụi nhỏ đi học. Hỏi chuyện lời lãi, chị cho hay: “Mỗi ngày bán được 5kg khoai, lãi chừng 50.000đ”. Ba đứa cháu của chị Tiên vừa đi học, vừa phụ bà bán hàng vào ngày nghỉ nhưng cả ba chị em đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Biết gia cảnh chị khó khăn, nhiều hàng xóm thương tình, thường mang gạo, mắm, muối... sang cho.

Chuyen trong can nha 5,4m2

Căn nhà chiều rộng 1,8m nhìn từ ngoài

Chuyen trong can nha 5,4m2

Bữa cơm của cả nhà duy nhất tô trứng vịt chưng. Trong ảnh: Chị Tiên và ba chị em Trinh, Quốc và Phong

Dẫu sức tàn lực kiệt...

Cảm thương hoàn cảnh của chị Tiên, một số người gợi ý giúp đỡ làm thủ tục gửi các cháu vào trại trẻ mồ côi. Chị Tiên phản ứng theo bản năng: “Tụi nhỏ là máu mủ của tôi. Dù sức tàn lực kiệt, tôi cũng không đưa chúng đi đâu cả”. Để xoay xở miếng ăn, có giai đoạn chị Tiên dừng việc bán bánh khoai mì, chuyển sang bán thuốc lá, bánh ít, trái cây... Được một thời gian, chị lại chuyển về ga Sài Gòn, nhảy tàu lửa bán hàng ra tới Đồng Nai, Phan Thiết. Chuyến ra chị bán thuốc lá, bánh trái. Chuyến vào, chị mua than, cá về Sài Gòn bán lại. Nhưng chỉ được vài chuyến thì chị mắc bệnh sốt rét nặng nên phải nghỉ và trở lại với công việc bán bánh khoai mì. Chị mỉm cười, hồi tưởng: “Quãng ấy, cứ 11-12 giờ đêm mà tôi chưa đi bán về, tụi nhỏ không chịu ăn cơm, kéo nhau ra đầu hẻm đứng đợi. Thấy tôi về, chúng tíu tít, đứa ôm, đứa kéo giở giỏ gánh ra xem, thấy bán hết thì mới chịu ăn”… Chị Tiên bảo, đã từng trải qua ngày tháng rong ruổi khắp nơi nên chị không sợ khó, sợ khổ, quyết bằng mọi cách phải chăm sóc chu toàn cho các cháu.

Để tiết kiệm chi tiêu, bữa trưa của chị Tiên thường là ổ bánh mì không, là nắm xôi, trái bắp... Tụi nhỏ thấy chị làm lụng vất vả, đứa nào cũng đòi nghỉ học để đi bán phụ, hoặc tìm việc mưu sinh. Chị giấu những giọt nước mắt, động viên bọn trẻ tập trung học hành. “Đời tôi thiếu chữ nên không muốn con, cháu dở dang chuyện học” - chị khẳng định.

Chúng tôi đến nhà cũng là lúc chị Tiên đang chuẩn bị bữa tối cho tụi nhỏ. Thức ăn duy nhất là tô trứng vịt chưng mặn. Nhìn tụi nhỏ nhường qua sớt lại, mắt chị Tiên ngấn nước. Ngoài lo cái ăn, tiền trường cho các cháu, chị Tiên còn có trọng trách lo cho người em trai mắc bệnh tâm thần từ chục năm nay.

Tôi nhìn chị Tiên, không khỏi chạnh lòng khi thấy chị xanh xao, nhưng luôn miệng bảo rằng mình đang rất khỏe. Chị cười, khoe thành tích học tập của các cháu, của con gái và kể về sự thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau giữa chúng trong chia sẻ việc nhà, giúp đỡ nhau học tập… Tiếng cười nói trong căn nhà nhỏ ấy là động lực giúp chị vượt qua khó khăn, bệnh tật để cùng đám trẻ hướng về tương lai.

 TRẦN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI