Ghềnh Ráng - Qui Hoà

24/04/2013 - 16:30

PNO - PNO - Ghềnh Ráng (Qui Hòa) là một quần thể kiến trúc tuyệt mỹ của tạo hóa, nằm ở phía nam thành phố Quy Nhơn. Nét hấp dẫn của nơi này là vẻ đẹp của đá. Đá chồng lên nhau, thành ghềnh, thành rạn với nhiều hình thù kỳ dị.

 Ghenh Rang - Qui Hoa

Nét hấp dẫn của nơi này là vẻ đẹp của đá

Men theo con đường đất uốn lượn dọc triền núi, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng những phiến đá lớn hình người, hình thú dọc bờ biển. Ở đây cũng có Hòn Vọng phu mang dáng người vợ ngóng chồng, có Hòn Chồng là hai khối đá lớn chênh vênh chồng lên nhau…
Bên kia Hòn Chồng là bãi đá la liệt những hòn đá xanh hình tròn, nhẵn như quả trứng. Phía trên bãi, một mạch nước ngầm từ khe núi chảy ra tạo thành hai giếng nước ngọt. Đi hết bờ đá, trước mắt du khách sẽ hiện ra bãi cát vàng mịn hình lưỡi liềm và làn nước trong xanh gợn sóng xô bờ.

Qui Hòa ba bề là núi, ôm chặt thung lũng xanh, hình nửa vầng trăng. Phía còn lại là mặt biển xanh ngắt màu ngọc bích và bãi cát trắng phau hình vòng cung. Tại đây, hơn 80 năm trước, năm 1929, Linh mục người Pháp tên là Paul Maheure đã đưa hơn 30 bệnh nhân phong vượt dãy núi Quy Hoà hoang vu vào đây, xây dựng trại phong Qui Hòa .Trải qua hơn 80 năm, trại phong hẻo lánh hoang vu ngày ấy nay đã trở thành Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hoà, đẹp như một khu nghỉ dưỡng cao cấp với những hàng cây cổ thụ râm mát, những con đường mòn ẩn hiện dưới bóng thông, những ngôi nhà sạch sẽ, thanh bình đến tĩnh lặng và những khu vườn rực rỡ sắc hoa.

Ghenh Rang - Qui Hoa

Vườn tượng Danh nhân Y học

Đặc biệt, nơi đây có một khu Vườn tượng Danh nhân Y học với 40 bức tượng của các danh y VN và thế giới. Các bức tượng bán thân bằng đá trắng đặt trên bệ xi măng màu hồng xoay vào nhau theo một con đường nhỏ, trong khu rừng thông cổ thụ rậm rạp, ngay cạnh bờ biển Qui Hòa. Dưới mỗi bức tượng đều ghi rõ chi tiết năm sinh, năm mất của vị danh y, tiểu sử, sự cống hiến cho y học. Ngay cổng vào khu vườn là tượng danh y Hải Thượng Lãn Ông, ông tổ Y học Việt nam. Phía đối diện là Hipocrat, ông tổ của ngành Y học phương Tây. Ngoài ra, còn có tượng của giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Phạm Ngọc Thạch, nhà bác học Louis Pasteur, Yersin, bác sĩ Hansen…

Ghenh Rang - Qui Hoa

Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử

Chúng tôi vào viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử. Năm 1933, nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong đã vào đây điều trị và qua đời mấy năm sau đó. Ông được chôn cất ngay trong khuôn viên trại phong. Đến ngày 13/2/1959, mộ Hàn Mặc Tử được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng. Trên nền mộ cũ, cuối năm 1991, bệnh viện Qui Hòa xây dựng một đài tưởng niệm khá đẹp. Dưới chân tượng đài là một bệ lớn, thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách để mở, như trang đời sự nghiệp của Hàn thi sĩ còn dở dang. Đài tưởng niệm cao 5m. Bờ tường bao quanh trước đài nhô lên nửa vầng trăng, trăng trong thơ và trăng đời hao khuyết của nhà thơ. Xung quanh tượng đài, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Phong cảnh trầm mặc u buồn, trang nghiêm và sâu lắng. 

Ngôi mộ Hàn thi sĩ ở Ghềnh Ráng được xây cất trên một gò cao, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển. Năm 1985, anh em văn nghệ sĩ Quy Nhơn đặt tên ngọn đồi nơi Hàn Mặc Tử đang yên nghỉ là "đồi Thi Nhân". Còn dốc lên mộ ở "đồi Thi Nhân" mang tên người đàn bà suốt đời nặng tình với Hàn thi sĩ: “Dốc Mộng Cầm”.

Sau khi viếng mộ Hàn Mặc Tử, bạn hãy ghé thăm Nhà lưu niệm thơ Hàn Mặc Tử, nghe "Ẩn sĩ xứ Ghềnh” Dzũ Kha đọc, đàm đạo thơ Hàn và khắc thơ lên giấy, gỗ, như một món quà quý về Ghềnh Ráng - Qui Hòa .

GIAO THUỶ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI