Mỗi môn chỉ cần từ 4 điểm có đủ sức học đại học?

26/07/2019 - 07:37

PNO - Nhiều trường xác định mức sàn 12-13 điểm cho 3 môn thi, bao gồm cả điểm ưu tiên. Mức điểm này được cho là quá thấp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học. Nhưng “sàn” cao hay thấp thì dựa vào chuẩn nào?

Nhiều trường đại học xác định mức sàn 12-13 điểm cho 3 môn thi của tổ hợp xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên. Mức điểm này được cho là quá thấp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học. Nhưng “sàn” cao hay thấp thì dựa vào chuẩn nào?

“Sàn” thấp hàng loạt

Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Trường đại học (ĐH) Nội vụ từ 12-17 điểm. Tại cơ sở chính ở Hà Nội, mức sàn thấp nhất là 13, dành cho tổ hợp A10 và D01 của ngành thông tin - thư viện và chuyên ngành chính sách công; D01, D15 ngành lưu trữ học; A00, D01 ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Phân hiệu tại Quảng Nam và TP.HCM lấy điểm sàn từ 12-14.

Tất cả các ngành của Trường ĐH Quảng Nam có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 13 (trừ các ngành đào tạo sư phạm). Đối với hệ cao đẳng, trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm.

Tương tự, 13 điểm cũng là “sàn” của Trường ĐH Xây dựng Miền Trung. Ngoài các ngành đào tạo sư phạm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm (theo quy định của Bộ GD-ĐT), các ngành còn lại của Trường ĐH Quảng Nam đều nhận hồ sơ xét tuyển từ 13 điểm.

Trường ĐH Bạc Liêu nhận hồ sơ xét tuyển các ngành từ 13 điểm trở lên, trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên. Riêng hai ngành bảo vệ thực vật, chăn nuôi, mức sàn là 12 điểm. Trường ĐH Cửu Long tuyển sinh 21 ngành, trong đó 19 ngành thuộc nhóm xã hội, kinh tế, tài chính, công nghệ, nông nghiệp có mức sàn 12,5. Hai ngành còn lại thuộc nhóm sức khỏe  lấy “sàn” 18.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây lấy điểm sàn 13 cho bảy ngành. Trường ĐH Đồng Tháp nhận hồ sơ các ngành ngoài sư phạm với mức điểm 13,5. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An cũng lấy mức sàn 13 cho bốn ngành. 

Có ý kiến cho rằng mức điểm sàn như vậy quá thấp, khó đảm bảo chất lượng. Vậy “sàn” bao nhiêu là đủ để học ĐH? Thưa rằng, chúng ta chưa từng có căn cứ được đo lường một cách khoa học.

Moi mon chi can tu 4 diem co du suc hoc dai hoc?

Đại học Đà Nẵng vừa thông báo điều chỉnh điểm sàn tại Phân hiệu Kon Tum trên website

Kể cả cách đây ba năm, khi Bộ GD-ĐT còn cầm trịch vụ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Khi đó, ngưỡng điểm này mỗi năm mỗi khác, được tính toán dựa trên điểm thi của thí sinh năm đó trong mối quan hệ “dĩ hòa vi quý” với chỉ tiêu tuyển sinh, chứ làm gì có chuẩn khoa học đạt số điểm này sẽ đủ năng lực học ĐH. 

Vậy thì các trường cũng chỉ có thể dựa vào điểm của những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mà “cắt ngang” cho đủ chỉ tiêu. 

Huống hồ, năm nay, bộ đã để các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ sư phạm và y dược). Vậy thì lấy bao nhiêu là quyền của trường.

Nói như phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - là hãy để quy luật thị trường quyết, chất lượng quyết định thương hiệu của trường. Nếu lấy “sàn” thấp, đào tạo không tốt, sinh viên ra trường không giỏi, thị trường lao động sẽ tự động phân loại và đào thải những nơi kém chất lượng. 
Hơn nữa, điểm sàn là điểm tối thiểu để nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn mới là điểm trúng tuyển ĐH. 

Bộ không “nhắc”, các trường tự động nâng “sàn”?

Có dư luận cho rằng Bộ GD-ĐT đã “nhắc nhở” các trường có điểm sàn thấp, cụ thể là mức điểm dưới 14 phải giải trình. Tuy nhiên, chiều 25/7, đại diện của Bộ GD-ĐT xác nhận không có chuyện bắt các trường xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp phải giải trình. Muốn kiểm soát chất lượng, bộ có những biện pháp khác, như hậu kiểm…

Quy chế cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh, trong đó có việc tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Rõ ràng, xác định mức điểm bao nhiêu cũng đúng luật. Người ngoài, kể cả bộ cũng không thể can thiệp. 

Bộ nói không có chuyện “tuýt còi” nhưng thực tế đã có một số trường xác định “sàn” thấp tự động… nâng sàn. Trên trang web của Trường ĐH Đồng Tháp điểm sàn đã đổi từ 13,5 thành 14 điểm đối với các ngành ngoài sư phạm. Tương tự, Trường ĐH Phú Yên cũng thay đổi mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 13 thành 14 (trừ các ngành sư phạm).  

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, trong bối cảnh nhiều trường ĐH tại đồng bằng sông Cửu Long không tuyển được thí sinh, trường quyết định mức sàn 13,5 cho các ngành (trừ sư phạm). Nhưng sau đó, thấy mức điểm 13,5 không ổn nên tăng lên thành 14 điểm.

Sở dĩ một số trường quyết định thay đổi mức sàn cao hơn bởi vì ngại dư luận, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là vì… sợ bộ.

Có vị chuyên gia cho rằng trường ĐH lấy điểm sàn 12 là muốn sống hấp hối trong ngắn hạn nhưng sẽ tự chết trong dài hạn. Nhưng khi chúng ta đã trao quyền thì cần tôn trọng đơn vị đào tạo. Trường xác định “sàn” thấp sẽ tự chịu trách nhiệm với người học và uy tín của trường. Hơn nữa, chuẩn đầu vào cũng chỉ là giai đoạn ban đầu của quy trình đào tạo. Chuẩn đầu ra mới là đích đến quan trọng hơn. 

Gia Tuệ

Trường địa phương khó tuyển, xét “sàn” thấp có đáng chê trách?

Nhìn vào danh sách các trường có điểm sàn thấp đa phần đều là ĐH địa phương, không có nhiều nguồn tuyển. Năm 2018, Trường ĐH Đồng Tháp chỉ tuyển được 65% chỉ tiêu. Cạn kiệt nguồn tuyển cũng là vấn đề trường ĐH Phú Yên gặp phải từ năm 2017 đến nay. Năm 2017, trường này chỉ tuyển được 41% chỉ tiêu, con số này ở năm 2018 cũng khiêm tốn,  khoảng 39-40%. 

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: các trường lo lắng không thừa, nhất là trường ở các tỉnh thường khó tuyển. Như năm nay, có hơn 650.000 thí sinh đăng ký mà chỉ tiêu khoảng 420.000, còn có khoảng 150.000 chỉ tiêu các chương trình liên kết, rồi còn du học vài chục ngàn… thì chuyện trường không dám mạo hiểm định sàn cao cũng dễ hiểu. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI