HS đang phải học những tác phẩm “chẳng có ý nghĩa gì”

25/04/2014 - 16:04

PNO - PNO - Sáng nay, 25/4, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”. Theo các đại biểu, việc đổi mới bộ môn ngữ văn ở trường phổ thông hiện...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Học sinh chỉ cố học để thi

Dưới góc độ đọc văn, Tiến sĩ (TS) Dương Thị Hồng Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá: chương trình và sách giáo khoa (SGK) môn văn hiện hành đã phần nào tiếp cận với sự đổi mới về dạy đọc văn trên thế giới. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều điểm chưa thể tiếp cận.

Cụ thể, chương trình và SGK hiện hành với một số lượng cố định các văn bản bắt buộc phải học chưa tạo điều kiện cho GV và HS lựa chọn văn bản. GV có khi phải dạy những văn bản mà bản thân họ không thích, thậm chí không hiểu. Còn HS thì thường phải học những tác phẩm mà các em cho là chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống của mình. Các em chỉ cố gắng học để thi cho qua mà thôi.

Thứ hai, cách kiểm tra đánh giá hiện nay thiên về đánh giá tổng kết, chưa chú ý đến đánh giá quá trình. Nội dung kiểm tra chủ yếu là kiến thức cụ thể về những văn bản đã học chứ không chú ý đến kĩ năng và năng lực của HS. Các đáp án chấm thi hiện nay cũng hướng HS khi đọc văn bản phải hướng đến các kết luận chính xác, không chấp nhận những ý kiến khác biệt.

Thứ ba, phương pháp dạy học hiện nay chưa chú ý đến việc giúp đỡ để HS dựa trên kiến thức nền của mình tự kiến tạo nghĩa cho văn bản. Các đối thoại giữa GV với HS, giữa HS với HS trong lớp học chỉ mang tính hình thức vì chỉ nhằm để HS phát hiện và phát triển các ý mà GV muốn. HS chưa thực sự được giao vai trò tự kiến tạo nghĩa cho văn bản. Kết thúc bài học, GV luôn phải “chốt lại” những ý cơ bản, quan trọng để HS ghi nhớ và dùng nó để thi. Điều này trái với bản chất của hoạt động đọc văn vốn là luôn tiếp diễn, không có điểm ngừng và không tồn tại khái niệm “hiểu đúng”.

HS dang phai hoc nhung tac pham “chang co y nghia gi”

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

TS Dương Thị Hồng Hiếu cho rằng đổi mới việc dạy văn là phải giúp HS dựa vào kiến thức nền của mình để tự kiến tạo nghĩa cho tác phẩm qua quá trình “đọc” tác phẩm. Thông qua đó, HS sẽ phát triển năng lực cảm thụ, giao tiếp, tự ý thức và hiểu hơn về thế giới xung quanh, yêu thích đọc tác phẩm văn học hơn và biết dùng những kinh nghiệm có từ việc đọc này để giúp cho cuộc sống trở nên tốt hơn. Muốn thế, chương trình học phải có độ mở nhất định, lấy kĩ năng chứ không phải nội dung kiến thức làm chính. Cần có nhiều bộ SGK hoặc có một bộ gồm những văn bản bắt buộc, phần còn lại để GV và HS tự chọn.

PGS - TS Đoàn Thị Thu Vân (ĐH Sư phạm TP.HCM) đề nghị, việc biên soạn chương trình nên chú ý dành chỗ cho sự tự do chọn lựa của người thầy để kích thích cảm hứng trong soạn bài và giảng dạy. Theo đó, SGK nên có nhiều bộ khác nhau cho GV chọn lựa. Khi GV được đặt niềm tin và trao quyền tự do chủ động nhiều hơn trong giảng dạy, họ sẽ cảm thấy hưng phấn hơn và có trách nhiệm hơn để đạt đến những tiết dạy thực sự có chất lượng, có hồn chứ không phải là khô khan, máy móc.

Trong “Phác thảo chương trình ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực”, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng cũng đề xuất dành 25% ngữ liệu học tập cho GV và HS chủ động chọn lựa để họ được dạy và được học những gì phù hợp với mình. Đó cũng là cách làm để SGK phù hợp hơn với nhiều đối tượng thuộc các vùng miền khác nhau.

*Phải giải phóng sức ì"

Theo TS Đặng Lưu (Trường ĐH Vinh), những hạn chế trong việc dạy học ngữ văn ở các cấp học thì nhiều, nhưng tựu trung đó là “sức ì” ở con người, và sự nỗ lực giải tỏa sức ì này là một khâu then chốt của quá trình đổi mới. Nhưng việc giải tỏa trước hết phải diễn ra ở tầm vĩ mô.

TS Lưu cho rằng, một trong những bước ngoặt quan trọng của việc dạy văn là việc thay thế khái niệm giảng văn (trước đây) bằng khái niệm đọc hiểu (hiện nay) để phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Thế nhưng, sự thay đổi này đã rơi vào tình trạng nửa vời. Đề thi môn ngữ văn ở nước ta vẫn là địa hạt khá bảo thủ. Sức “gợi” của các đề thi ở các cấp chưa cải thiện nhiều, cấu trúc đề thi vẫn cứng nhắc và trở đi trở lại với những yêu cầu nghị luận quen thuộc, đáp án thì nặng tính áp đặt. Trong khoảng vài ba năm trở lại đây, đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực ở cách ra đề tuyển sinh đại học. Nhưng sự chuyển biến cần mạnh mẽ hơn nữa.

Việc đổi mới bộ môn ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay đang đặt gánh nặng lên vai đội ngũ GV trực tiếp đứng lớp. Và, việc đào tạo sinh viên ngành sư phạm là một mắt xích vô cùng quan trọng. Nếu những “sản phẩm” này không đạt chuẩn, thì mọi ý tưởng dù mới mẻ, hay ho đến đâu, cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Vậy mà, khó có thể nói khác một thực tế: chất lượng đào tạo ngành sư phạm ngữ văn hiện nay là rất thấp. Các giáo trình, phương pháp vừa thiếu, vừa chưa theo kịp yêu cầu của sự thay đổi. Để học môn Phương pháp dạy học tiếng Việt, sinh viên vẫn chỉ có trong tay cuốn giáo trình được biên soạn từ gần vài chục năm trước, tái bản đến hơn chục lần, một số nội dung của nó chẳng ăn nhập gì với chương trình và SGK hiện hành.

Quan điểm đọc hiểu đã được áp dụng cả chục năm nay, nhưng những công trình nghiên cứu có liên quan thì vẫn rất hiếm hoi, sinh viên luôn thiếu nguồn học liệu cơ bản.

Trong đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu vào tháng 12/2013, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra: sức ì của GV còn rất lớn. Sức ì đó, trước hết xuất phát từ trình độ như đề tài trên đã nói: "Phần lớn GV có trình độ hiểu biết không vượt quá được nội dung của SGK, nhất là còn mơ hồ về tri thức của môn học" . Nghĩa là, nhiều người không đổi mới được không phải vì không muốn đổi mới, mà là bởi năng lực, trình độ không cho phép.

Sức ì còn được tạo nên bởi lối dạy học theo kinh nghiệm, theo thói quen và sự ỉ lại những tài liệu có sẵn. Về vấn đề này, trong bài viết "Trở về với văn bản - con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy học văn, GS Trần Đình Sử đã cảnh báo một thực trạng: trong dạy học ngữ văn hiện nay: GV thường dùng "thế bản" (các bài nghiên cứu về tác phẩm) thay cho việc tìm hiểu văn bản. “Hiện tượng này giờ đây đã tăng theo cấp số nhân” - TS Đặng Lưu khẳng định.

Cách làm này đưa đến hệ quả rất tai hại: GV tự thủ tiêu những cảm xúc tự nhiên của mình và của HS trước một tác phẩm, áp đặt cách hiểu của một tác giả nào đó cho nhiều đối tượng. Giờ đọc hiểu vì thế đã bị biến tướng, không còn đáp ứng những đòi hỏi của cách dạy học mới ở môn ngữ văn. Thực trạng này đang là một vấn nạn, một khối sức ì khổng lồ khiến cho việc giải tỏa không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI