Máy đo hóa chất trong thực phẩm không thể phát hiện nhiều chất cấm

09/10/2014 - 15:30

PNO - PN - Gần đây, trước thông tin về các loại trái cây (lê, táo) Trung Quốc để nửa năm không hư, hay hóa chất biến thịt heo ôi thiu thành tươi… nhiều người truyền tai nhau hiện có một thiết bị cầm tay phát hiện được thực phẩm tươi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giá cao ngất ngưởng

Trên thị trường hiện có khá nhiều loại thiết bị đo dư lượng các loại kháng sinh, chất bảo quản đáp ứng nhu cầu tự kiểm tra các loại thực phẩm. Thiết bị này có thể ở dạng kit thử hay máy cầm tay nhỏ gọn.

Lần theo lời giới thiệu của một khách hàng vừa mua loại máy cầm tay thử nhanh hóa chất tồn dư trong thực phẩm, chúng tôi liên hệ với một đầu mối tên V., tại đường Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM. Qua điện thoại, V. giới thiệu: “Thiết bị này có khả năng nhận biết rau quả có thật sự an toàn, nhận biết thịt có thật sự tươi hay đã được ngâm hóa chất; nhận biết giò, chả có hóa chất gây ung thư hay không, thậm chí cả những chất... phóng xạ”. Trước đây, loại máy này chỉ có giá 3,4 triệu đồng/chiếc nhưng hiện đã lên tới 4,5 triệu đồng do cải tiến một số tính năng.

Để có thể kiểm tra được nhiều loại chất tồn dư hơn thì có các thiết bị ở dạng kit. Kit có hàng chục loại khác nhau, mỗi loại kit chỉ có thể nhận biết được một loại chất (hàn the, formon, nitrat, nitrit…). Các loại kit phổ biến được chứa trong hộp, mỗi hộp có 20 sản phẩm, tương ứng cho 20 lần sử dụng.

Chị N., nhân viên kinh doanh, Công ty cổ phần thiết bị và hóa chất Đông Nam cho biết, kit cho kết quả kiểm tra (test) nhanh nhờ phản ứng hóa học. Tuy nhiên, giá từ 40.000-65.000 đồng cho mỗi lần thử nên khách hàng mua bộ kit chủ yếu là khối cơ quan chức năng cần kiểm nghiệm nhanh mẫu nông sản, thực phẩm nghi ngờ tồn dư các chất bảo vệ thực vật. Rất ít khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua những loại kit này để tự kiểm nghiệm. “Nếu sử dụng phổ biến chắc mọi người… không dám ăn gì vì thử nghiệm những loại kit này với các thực phẩm ngoài thị trường một cách ngẫu nhiên, kết quả là hầu hết đều vượt ngưỡng cho phép”, chị N. cho biết.

May do hoa chat trong thuc pham khong the phat hien nhieu chat cam

Thiết bị đo chất tồn dư tại một cửa hàng thực phẩm - Ảnh: Phùng Huy

Chỉ phát hiện số ít các chất tồn dư

Tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica (130 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1), nơi đang sử dụng thiết bị đo tồn dư chất độc hại giúp khách hàng kiểm tra thực phẩm tại chỗ trước khi mua, chị Phạm Phương Thảo, chủ cửa hàng cho biết, thiết bị này có tên là Soeks, nguồn gốc từ Nga. Nó chỉ có tính năng phát hiện nồng độ nitrat, nitrit tồn dư trong rau củ chứ không phải là thiết bị có thể kiểm tra được dư lượng mọi chất. “Cửa hàng rất muốn có thiết bị kiểm tra thêm nhiều loại chất tồn dư khác nhau nhưng thị trường không có…”, chị Thảo cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, ngoài các loại kit dùng để kiểm tra nhanh các chất tồn dư cơ bản được các đơn vị giám sát an toàn thực phẩm sử dụng, đến nay cơ quan này mới chỉ cấp phép duy nhất cho sản phẩm máy đo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với dòng máy Soeks, trên cơ sở đã kiểm nghiệm kết quả của loại máy này.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, thiết bị Soeks chỉ có thể kiểm tra nồng độ nitrat, nitrit, là thành phần có nhiều trong phân bón hay một số chất bảo vệ thực vật, giúp người tiêu dùng có thêm cơ sở để đánh giá, phát hiện nhanh loại rau, củ nào được bón phân hóa học quá nhiều hay loại thực phẩm nào ngâm chất bảo quản có chứa nitrat, nitrit. Để tìm ra các chất tồn dư khác, đòi hỏi phải có những thiết bị riêng, trong đó có những thiết bị chuyên dụng tại các trung tâm phân tích, thí nghiệm.

May do hoa chat trong thuc pham khong the phat hien nhieu chat cam

Các loại bột kit hay thiết bị cầm tay không thể phát hiện được mọi tồn dư hóa chất trên thực phẩm - Ảnh: P.Huy

“Các thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ có khả năng phát hiện số ít các chất tồn dư. Những chất tồn dư này, người nuôi trồng sử dụng bừa bãi qua việc bón phân, phun thuốc hay dùng để bảo quản thực phẩm. Còn với hàng trăm, hàng nghìn chất dư lượng khác nguy hiểm không kém, những thiết bị phát hiện nhanh trên thị trường hiện nay chưa thể phát hiện được”, một giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết.

Thực tế, người tiêu dùng có thói quen lựa chọn rau xanh, tươi, bắt mắt. Đáp ứng thị hiếu này, đã có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng không đúng quy định. Với thịt, người ta còn dùng chất làm chậm quá trình phát triển của độc tố, đồng thời làm màu sắc tươi… Trong khi đó, ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng hiện Việt Nam chỉ mới kiểm nghiệm được 600 chất.

Theo chị Phạm Phương Thảo, do chưa tìm hiểu kỹ thông tin nên nhiều khách hàng lầm tưởng những thiết bị thử có thể phát hiện tất cả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản độc hại trong thực phẩm.

THƯ HÙNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI